GN - Trong Đề án tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII - nhiệm kỳ 2017-2022 dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11-2017, “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” được đề xuất là chủ đề của sự kiện trọng đại này của Giáo hội.
Nhìn lại tình hình Phật giáo kể từ sau ngày thành lập Giáo hội (1981) cho đến nay, đặc biệt là hai mươi năm trở lại đây, đã có nhiều thành tựu đáng kể về việc xây dựng cơ sở, tổ chức nhiều Đại giới đàn, tăng trưởng số lượng Tăng Ni, hoàn thiện hệ thống hành chánh, đa dạng trong các hoạt động tín ngưỡng… Cùng với những thành tựu đáng ghi nhận, chịu tác động từ những thay đổi trong xã hội, nhiều vụ việc, hiện tượng không tốt đẹp liên quan tới Phật giáo, Giáo hội cũng đã nảy sinh, khiến dư luận quan tâm.
Để chấn chỉnh tình hình ở một số địa phương liên quan tới đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh thành, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã liên tục ra các văn bản, thông tư và chỉ thị yêu cầu tuân thủ Hiến chương của Giáo hội trong mọi hoạt động Phật sự. Những việc làm này chứng tỏ động thái cương quyết của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nhằm trang nghiêm Giáo hội, để Giáo hội thực sự là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam, như Lời nói đầu trong Hiến chương đã khẳng định.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ trước Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, Đại lão HT.Thích Trí Thủ đã từng phát biểu: “Thật là vô lý khi suốt một đời người từ tấm bé đến lúc già nua chỉ mặc có một chiếc áo mà cũng vừa và hợp thời trang hay sao? Đạo Phật là đạo của khế cơ khế lý mà lại đứng yên một chỗ, một hình thái thì thật là kỳ cục và chỉ đưa đến sự hủy diệt mà thôi”. Vận động, hay nói cách khác, luôn có những điều chỉnh thích nghi với hoàn cảnh, tình hình cụ thể là tinh thần của đạo Phật.
Cũng chính do vậy, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh xã hội có những thay đổi ngoạn mục, tác động làm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, trong đó có đời sống tôn giáo, Giáo hội cần hoạch định chương trình hoạt động phù hợp, vừa nghiêm khắc lại vừa linh động nhằm hoàn thành sứ mệnh của một tổ chức tôn giáo truyền thống có lịch sử gắn bó với dân tộc hai ngàn năm.
Đặc biệt hơn nữa, với sự thông qua Bộ luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong cuối năm qua, và sẽ có hiệu lực đầu năm tới, trong thời gian ngắn một năm, Giáo hội cần chuẩn bị những gì để hội nhập trong mô hình tôn giáo xã hội - nổi bật ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế, vì nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì chính cơ hội sẽ biến thành thách thức, trở ngại cho sự phát triển.
Trong con đường hội nhập và phát triển đó, chắc chắn không thể thiếu vắng yếu tố trí tuệ và kỷ cương. Đó cũng là điều mà Tăng Ni, Phật tử, những người có tín ngưỡng, yêu quý đạo Phật mong muốn ở Giáo hội nhân đầu năm mới Đinh Dậu - 2017, năm của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.