GN - Giữa ngàn khơi, 5 ngôi chùa ở 5 hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) không những là địa điểm linh thiêng, mà còn khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân biển đảo. Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có văn hóa tâm linh. Người lính, nhà sư, ngư dân cùng chung một tấm lòng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, biển đảo yên bình…
5 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa
Với ý nghĩa cao nhất là điểm tựa tâm linh của quân dân huyện đảo, bắt đầu từ năm 2008, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai xây dựng chùa trên quần đảo Trường Sa. Việc triển khai xây dựng 5 ngôi chùa ở 5 đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết vừa là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống tinh thần, vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc, và đáp ứng nguyện vọng của quân dân Trường Sa.
Tiến bước quân kỳ trước chùa Trường Sa Lớn
Thấy được vị trí quan trọng có tính chiến lược an ninh quốc phòng và phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, bảo đảm cho quân dân huyện đảo yên tâm sinh sống trên chủ quyền lãnh thổ của mình, ngay từ những năm 2003, trên những chuyến tàu hải trình ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Bộ Tư lệnh Hải quân đã mời các Tăng Ni Phật tử, trụ trì một số chùa ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế và một số Tăng Ni, chùa trụ trì ở tỉnh Khánh Hòa ra Trường Sa để nghiên cứu địa linh, hướng chùa và những công việc cần thiết của chốn thiền môn.
Theo Đại đức Thích Đức Hỷ, ở chùa Sinh Tồn thì “việc xây chùa ở đảo Trường Sa không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tâm linh của quân, dân huyện đảo, mà còn để khẳng định lãnh thổ của Việt Nam, sự thiêng liêng của mảnh đất mang hồn Tổ quốc ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Phật giáo luôn đồng hành cùng biển đảo. Ở đâu có nhân dân sinh sống, ở đó có nhu cầu về đời sống tâm linh”.
5 ngôi chùa ở Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết có quy mô xây dựng thoáng đãng, đón được tia nắng sớm nhất lúc bình minh. Nếu chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, thì chùa ở Trường Sa Lớn tọa lạc cạnh đường băng, còn chùa Sinh Tồn sát bên cụm 7 hộ gia đình dân cư sinh sống.
Chùa ở đảo Nam Yết sát cạnh bờ biển, in hình xuống bóng nước lung linh, còn chùa đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng, phía đón những tia bình minh đầu tiên của mỗi ngày. Có một điều đặc biệt của năm ngôi chùa ở đây là sảnh chính diện đều hướng về thủ đô Hà Nội.
Theo Đại đức Thích Đức Hỷ, việc đặt sảnh chính diện hướng về thủ đô Hà Nội có ý nghĩa thiêng liêng là hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời đó cũng như lời tri ân chân thành của quân dân huyện đảo Trường Sa đối với nhân dân Hà Nội. Bởi những ngôi chùa được hiện diện ở Trường Sa, phần lớn được xây dựng từ kinh phí từ Hà Nội, do nhân dân thủ đô tự nguyện quyên góp, trong đó có công đức lớn lao của Công ty Trường Xuân đã xây dựng 4/5 ngôi chùa với tất cả lòng thành hướng về Tam bảo và nhân dân trên đảo.
Nói về sự có mặt của các ngôi chùa ở Trường Sa, Đại đức Thích Nghĩa Giác, trụ trì chùa Trường Sa Lớn cho biết: “Một quần đảo có chủ quyền của Việt Nam thì việc xây dựng chùa trên mảnh đất Trường Sa là một điều tất yếu khách quan trong cộng đồng dân cư. Lịch sử đã chứng minh, tôn giáo, nhất là Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc.
Thời chiến cũng như thời bình, sự đồng hành của tôn giáo trên mảnh đất hương hỏa của Tổ quốc là tất yếu khách quan. Thời đại nào cũng như thế, dân tộc nào cũng vậy, chùa luôn là biểu hiện của đời sống tinh thần thiêng liêng nhất của mỗi quốc gia. Tôi thấy, việc Đảng và Nhà nước ta xây dựng chùa ở Trường Sa, là một sự quan tâm lớn đến đời sống tâm linh của quân dân huyện đảo.
Trong chiến tranh nhà sư nuôi giấu chiến sĩ cách mạng thì trong thời bình cầu mong cho đất nước thái hòa, thế giới bình an, hoan hỷ. Chùa Trường Sa là điểm tựa tâm linh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sinh sống ở đây và cả những ngư dân ra khơi khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển này. Ở đâu có người dân sinh sống thì ở đó có cuộc sống tâm linh hướng thiện, mà chùa là biểu tượng của cuộc sống tâm linh hướng thiện ấy”.
Đồng thỉnh chuông
Giữa biển trời mênh mông, mỗi sớm bình minh, khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa ngân nga như tiếp thêm cho quân dân Trường Sa sức mạnh về nội lực tinh thần, để những người lính ở đây thêm vững vàng tay súng canh chủ quyền Tổ quốc. Có một điều đặc biệt, là giờ thỉnh chuông của 5 ngôi chùa ở Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đều bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 phút sáng, và 18 giờ chiều.
Đoàn khách đến từ đất liền viếng chùa Trường Sa Lớn
Lý giải về điều này, Đại đức Thích Đức Hỷ cho biết: “Tiếng chuông chùa lúc 4g30 phút mỗi sáng, khi giấc ngủ đã căng tròn và bình minh bắt đầu hừng hực một ngày mới, đó không chỉ là tiếng chuông thức tỉnh lương tri con người hướng về nguồn cội, mà còn là tiếng chuông báo hiệu một ngày mới an lành. Tiếng chuông lúc 18 giờ chiều như khép lại sau một ngày làm việc mưu sinh, là thời gian mọi người nghỉ ngơi, lòng hướng về Tam bảo”.
Hạ sĩ Nguyễn Anh Tài, phân đội 12,7 ly ở đảo Sinh Tồn (quê ở H.Cam Ranh, Khánh Hòa) chia sẻ: “Tôi ra đây được hơn 4 tháng rồi. Cứ sáng Chủ nhật, tôi lại đến chùa cầu nguyện. Có một điều lạ kỳ là khi đến chùa thì bao ưu phiền trong lòng tan biến hết, chỉ còn lại sự quyết tâm và ý chí kiên cường.
Hành trang của tôi bây giờ không chỉ là kiến thức, sức khỏe và những gì nhìn thấy, mà quan trọng hơn là tinh thần thép, sự bền gan, dũng cảm. Đó là sức mạnh nội sinh được xây đắp từ lòng hướng thiện, mà chùa là điểm tựa để tôi rèn luyện sức mạnh nội sinh ấy. Chẳng hiểu sao, mỗi khi tôi nghe tiếng chuông chùa ngân nga, tôi cảm thấy Tổ quốc mình thiêng liêng và đẹp vô cùng.
Trong tim tôi lúc đó thấy như có một luồng điện nội sinh rất mạnh mẽ, cảm thấy mình đang cầm súng xung trận và rất dũng cảm. Bây giờ, tôi mới hiểu câu nói, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà ta hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Năm ngôi chùa ở đảo Trường Sa hiện nay không chỉ là công trình thiêng liêng của quân dân huyện đảo, là biểu hiện cốt cách sinh động của văn hóa quê hương và tình thương giống nòi.
Ở đó, còn là điểm hẹn văn hóa thuần khiết, tinh tế nhất của triệu triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước, để mỗi khi đặt chân đến Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca mỗi người như tìm thấy trong tim mình có những điểm tựa tâm linh. Hàng năm, 5 chùa trên quần đảo Trường Sa đón hàng chục ngàn lượt khách từ đất liền tới thăm. Trong đó, những vị khách là Tăng Ni, Phật tử, cả những người Việt kiều xa quê hương, đặc biệt những người bạn Mỹ, Na Uy cách Việt Nam nửa vòng trái đất.
Mặc dù, những người không cùng màu da, sắc tộc và khác nền văn hóa với Việt Nam, nhưng khi nghe tiếng chuông chùa ở đảo Trường Sa ngân lên, họ đều cảm nhận được sự yên bình và càng khâm phục các chiến sĩ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Bởi, họ hiểu, dân tộc nào cũng vậy, sự cường thịnh gắn liền với yên bình, tiếng chuông chùa Trường Sa là biểu tượng của khát vọng hòa bình ấy.
Trường Sa cách đất liền hơn 1.000km nhưng rất gần gũi, thân thương. Ra Trường Sa mới biết, tất cả từ cột mốc chủ quyền, đến cây bàng quả vuông; từ đài quan sát đến nơi sinh hoạt học tập của bộ đội đều gần gũi, thân thiện, sâu lắng, thanh bình mà thiêng liêng.
Ai đã một lần đặt chân đến Trường Sa thì không thể không đến viếng chùa. Đến đây, mọi người không chỉ tìm thấy sự thanh tịnh nơi cửa thiền mà còn cảm nhận được điểm tựa tâm linh vững chắc của người dân, chiến sĩ ở nơi biển trời mênh mông.