Địa chỉ tâm linh & văn hóa Việt ở xứ người

Giác Ngộ - Mùa xuân đến, chuông chùa nơi phố thị xứ người không âm vang như ở quê nhà, nhưng tiếng chuông mõ từ ngôi chùa Việt vẫn làm cho cộng đồng người Việt sống ở hải ngoại ấm lòng, cũng đủ gợi về quê nhà. Có thể nói, ở đâu có cộng đồng người Việt sinh sống là ở đấy có ngôi chùa, nơi lưu giữ tình tự quê hương. Ngôi chùa luôn nằm trong tâm thức của bao thế hệ con dân Việt lưu tán, trở thành địa chỉ tâm linh và văn hóa Việt ở xứ người...

Dấu ấn Việt nơi vùng đất mới

Tại Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Úc đang xuất hiện những ngôi chùa nhỏ đẹp, hiện đại nhưng vẫn mang dáng dấp Việt. Nay thì các cộng đồng người mình ở Ba Lan, Nga, Ukraina cũng xây dựng được một số ngôi chùa với kiến trúc rất đặc thù miền Bắc Việt Nam.

chuavietnam-1.jpg

Tuy vậy, cũng giống như phần lớn chùa ở thành phố trong nước, chùa thường nằm lọt thỏm trong phố thị đất chật người đông cho nên khó thể hiện được tinh thần của một cơ sở thờ tự tôn nghiêm và có cảnh quan đẹp.

Gần đây đã xuất hiện những công trình chùa mang tính đổi mới, kết hợp giữa nét truyền thống có giản lược đi và kỹ thuật hiện đại. Nhiều nhất là các thiền viện: nào Trúc Lâm thiền viện ở vùng ngoại vi Paris (Pháp), một số chùa nhỏ ở Montréal (Canada), chùa Viên Giác ở thành phố Hannover (Đức). Điển hình là các ngôi chùa Việt tại vùng có đông đảo người Việt sinh sống tại Westminster và San Jose, bang California (Hoa Kỳ)…

TVQD_dong.gif

Tu viện Quảng Đức - Úc Châu

Các không gian lễ bái và tu tập Phật giáo ở nước ngoài cũng gần giống như các ngôi chùa lớn trong nước. Tuy vậy, bố cục không gian, kết cấu công trình, vật liệu xây dựng, trang thiết bị và trang trí đã mang tính hiện đại. Phòng ốc trang bị tiện nghi mới và sắp xếp phù hợp lối sống xã hội công nghiệp phương Tây. Vườn chùa gồm cây kiểng đặt quanh chùa hoặc ngoài hoa viên nhỏ, với thảm cỏ hoa được chăm chút xanh tươi vào mùa xuân hè, rực rỡ vào mùa thu để rồi tàn héo đi vào mùa đông giá rét.

chuavietnam-2.jpg

Mai bên chùa ở xứ người làm ấm lòng người Việt ly hương

Ngôi chùa nào cũng xây được cổng tam quan truyền thống, nhưng sân lớn mặt trước chùa đã phải dành nhiều diện tích cho bãi đỗ xe hơi. Mặt khác, chùa được xem như một công trình công cộng, phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về lối thoát hiểm, phòng chống cháy, đường dốc dành cho người tàn tật. Các khối nhà dịch vụ như văn phòng, thư viện, không gian tiếp khách, nơi ăn ở và sinh hoạt của Tăng Ni, thiện nam tín nữ, hội đoàn đều bố trí theo lối mới.

Một chốn đi về

Chùa Việt như một góc tâm linh và văn hóa dân tộc ở hải ngoại, bước vào thế kỷ XXI ở ngoài nước cũng đang biến chuyển và được quan niệm lại cho phù hợp với lớp Phật tử trẻ và đà tiến lên của nhân dân Việt Nam trong hội nhập và toàn cầu hóa.

chuavietnam-3.jpg

Một góc thiền viện Trúc Lâm, Paris, Pháp.

Giáo lý của đạo Phật cũng như đặc điểm nổi bật nền kiến trúc Phật giáo là tính giản dị, từ bi, đại chúng và bình đẳng. Ngôi chùa Việt từng góp phần tích cực làm phong phú thêm nền văn hóa Việt ở xứ người và cả địa phương nơi đạo Phật truyền bá đến.

chuVietnam 7.jpg

Chùa Việt Nam ở Los Angerles.Cali

Đặc biệt ngôi chùa Việt nay trở thành một chỗ đi về của người mình. Ngoài vai trò một nơi sinh hoạt tín ngưỡng, chùa còn là một địa chỉ văn hóa Việt. Đây là nơi đặt tro cốt người quá cố, tiến hành cúng giỗ người thân, lễ lạt tôn giáo, nhưng cũng là nơi dạy tiếng Việt, sinh hoạt và biểu diễn văn nghệ dân tộc, viết thư pháp, truyền cho nhau kinh nghiệm sống khỏe qua tập dưỡng sinh và chữa bệnh kiểu dân gian.

chuavietnam-4.jpg

Chùa Viên Giác, CHLB Đức

Ngày lễ Tết, ngôi chùa trở thành góc tâm linh để người mình hướng về tổ tiên, đất nước. Dù bận rộn cách mấy, mọi người cũng thường nhắc nhau vào đêm giao thừa đến chùa thắp nén hương cúng Phật và cầu chúc điều tốt lành cho mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.