Đi “săn” rau sắng chùa Hương

Thứ ông nói ở đây chính là loại rau rừng ngon nức tiếng, mà để kiếm được một bó những người hái phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức, theo cách nói của những người dân nghèo chuyên đi hái rau sắng rừng, có khi phải “chảy máu mắt” mới có được, ngay cả ở... thế kỷ 21. 

Cheo leo trên vách núi tìm rau

Nước mắt của rừng

Cuối tháng Giêng, khi những cơn mưa Xuân lây phây giăng khắp núi rừng và chùa Hương vào chính hội, cũng là lúc bắt đầu mùa rau sắng. Nhiều người dân nghèo sống quanh thắng cảnh nổi tiếng này lại bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh, săn tìm thứ đặc sản quý báu mà họ hay gọi là “nước mắt của rừng”.

Cây rau sắng mọc khắp vùng rừng núi Hương Sơn, từ dãy núi đá vôi Ba Sao, Liên Sơn, Khả Phong (Hà Nam) lan tới vùng núi Chi Nê, Xích Thổ (Hòa Bình). Giữa một vùng mênh mông rộng lớn, tôi đi tìm người được gọi là “vua rau sắng”. Anh tên là Nguyễn Văn Đồng người làng Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam, nhà anh cách Hương Sơn tới hơn chục cây số đường rừng.

Tôi “đi săn” rau sắng cùng Đồng. Đi rừng vốn đã khổ, đi rừng ngày mưa càng cơ cực. Đồng bảo, chỉ những ngày mưa to bất khả kháng thì mới chịu, còn mưa nhỏ vẫn phải đi, bởi rau sắng vòng đời rất ngắn, chỉ sau vài trận mưa bụi, những đọt non không được hái sẽ già nhanh, lá cứng và không còn vị ngọt. Vì thế, dù sáng sớm mưa nặng hạt, tôi và anh vẫn tay nải vào rừng.

Theo ông Trần Đăng Lâu, GĐ Vườn Quốc gia Xuân Sơn, cây rau sắng đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Hiện nay, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang triển khai dự án bảo tồn cây rau sắng, trồng rau sắng tập trung tại xã Yến Vỹ, Hương Sơn để cung cấp cho thị trường Hà Nội như một thứ rau đặc sản và “siêu sạch”. Tuy nhiên, rau sắng trồng tập trung không có hương vị thơm ngon bằng rau sắng rừng.

4 giờ sáng, chúng tôi đã trở dậy, mang theo nắm xôi to và chút đồ ăn vợ Đồng đã chuẩn bị từ tối hôm trước. Vào đến cửa rừng, Đồng gửi lại chiếc xe máy cà tàng tại một căn chòi nhỏ, bắt đầu đi sâu vào rừng. Đích đến là ngọn núi Ba Chồm, theo Đồng nói là có rất nhiều rau sắng. Đường đi dựng ngược, lối nhỏ rậm rạp toàn đá tai mèo lởm chởm. Mưa bụi bay khiến rừng càng thêm mờ mịt, tối om, đường trơn tuột vì ướt sũng nước mưa. Không còn biết phương hướng, tôi chỉ bám sát theo cái bóng gầy gò của Đồng. Quả thật, bây giờ tôi mới thấm vì sao người ta bảo kiếm được rau sắng phải “đổ máu mắt”.

Những đoạn dễ đi, Đồng tranh thủ giảng giải cho tôi. Rau sắng có hai loại: sắng cây và sắng dây. Rau sắng dây bắt đầu vụ từ giữa tháng Giêng đến giữa tháng 4 Âm lịch, rau sắng cây thì hiếm và ngon hơn, vụ ngắn hơn chỉ từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 Âm lịch. Ngon nhất ở cây rau sắng chính là “rồng rồng”, những chuỗi nụ hoa non đâm ra từ cây sắng vào cuối vụ giữa tháng 3 Âm lịch. Tôi đã từng được thưởng thức món này, bát canh thơm lựng, ngọt lịm và giòn tan, đã ăn một lần thì làm sao mà quên được?

Cả hai loại rau sắng đều giống nhau ở sự khắc nghiệt: thử thách lòng người. Rau sắng dây thường leo trên các lùm cây cao trên đỉnh hay bên vách núi, chứ hiếm khi mọc dưới thấp. Rau sắng cây thì thường mọc bên những vách đá cheo leo, thân cao thẳng lại thêm nước mưa trơn tuột rất hiểm trở. Muốn hái rau sắng rừng phải là những người đi rừng thực sự và rất giỏi leo trèo.

Trong cánh rừng chúng tôi đang đứng mới vào vụ rau sắng dây, còn rau sắng cây phải đợi khoảng hơn 1 tháng nữa. Chỉ những chùm lá rau sắng bò trên các đỉnh lùm cây cao, Đồng bảo, không trèo giỏi như vượn thì đừng làm nghề hái rau sắng. Nếu hái hết ở bụi cây này rồi trèo xuống chuyển sang bụi cây khác thì hết ngày có khi chỉ được một nắm rau, mà lại rất nhanh kiệt sức. Đồng phải chuyền từ ngọn cây này thẳng sang ngọn cây khác chứ không tụt xuống, khi nào mệt thì nghỉ trên cây, đói mới xuống ăn.
 

Nghề khó nhọc nhưng kiếm tiền triệu


“Đi hái rau sắng thường ít nhất phải đi hai người” - Đồng trầm ngâm - “nói dại, nếu lỡ có sảy chân thì còn có người tìm về nhà mà báo chỗ nằm”. Nhìn cánh rừng tối nhọ mặt người, mưa phùn lây phây, dốc đá trơn tuột vắng lặng, lời anh nói khiến tôi không khỏi giật mình. Đồng kể tiếp, đã có người đi hái rau rơi từ trên vách đá xuống rồi, mà mất mấy ngày sau người nhà mới tìm thấy xác.

Với Đồng, kiếm được đôi ba cân rau là việc rất bình thường, bởi anh leo trèo giỏi lại thông thạo đường rừng, có lần trong một ngày anh đã hái được một bì rau sắng nặng kỷ lục, tới 13 cân. Hôm sau, vợ đi bán được gần 1 triệu đồng. Anh lưu ý, rau sắng là thứ rất dễ hỏng, chỉ cần không chú ý, bó rau chặt hay để trong túi lâu thì rau sẽ nát rữa hết, vì thế bảo quản phải rất cẩn thận, nâng niu như thể một thứ báu vật của rừng.

Thành quả sau một ngày làm việc


Khó nhọc là vậy, nhưng hái rau sắng vẫn là nghề thời vụ của rất nhiều người dân trong vùng, bởi thu nhập mà “nước mắt của rừng” mang lại rất lớn đối với họ. Vào đầu vụ, giá rau sắng lên tới gần 200 ngàn đồng một cân, chính vụ giá cũng gần 100 ngàn đồng, còn “rồng rồng” do chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn nên lúc nào cũng được xếp vào dòng đặc sản cao cấp giá mỗi cân trên 200 ngàn đồng. Do vậy, mỗi ngày dù chỉ kiếm được đôi ba cân rau là người đi rừng đã có một khoản thu nhập kha khá, hơn hẳn những nghề khác. Và dù nguy hiểm, nhiều người dân vẫn tiếp tục mưu sinh bằng nghề khó nhọc này.

Theo kinh nghiệm dân gian, rau sắng thường dùng để nấu canh, có thể nấu với xương lợn, thịt lợn, tôm nõn giã nhỏ, thịt gà, cá rô, cá quả... mỗi thứ một vị, đều rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của rau sắng. Đun nồi nước sôi, nêm chút muối cánh to và nếm thấy vừa vặn thì cho nắm lá rau sắng cùng các đọt thân đã rửa sơ vào nước, chờ nước sôi lại rồi bắc ra ngay. Khi nấu, phải nấu cả những đọt thậm chí cả những đọt thân hơi già và nấu không cần dùng mì chính. Chậm rãi nhai từng chiếc lá, từng đọt ngọt để cảm nhận được vị bùi, vị ngọt, mùi hương thoang thoảng man mát của thứ rau xanh mọc giữa trời, đất, gió và núi này.

Đồng tiết lộ, xưa nay dân gian lưu truyền rằng rau sắng chùa Hương là ngon nhất, thơm và đậm đà hơn các nơi khác, tuy nhiên theo kinh nghiệm của Đồng và những người dân vùng này, rau sắng ở vùng núi Kim Bảng mới đích thực là giống rau trứ danh không đâu sánh bằng. Dù hai dãy núi chỉ cách nhau vài cây số đường chim bay, nhưng người sành ăn có thể nhận thấy, cùng một vị thơm, ngọt đậm đà như nhau, nhưng rau ở vùng núi Kim Bảng khi nấu tươi mềm nhưng lại giòn hơn, vị ngọt khi ăn lưu lại lâu hơn nơi đầu lưỡi.

Đồng giải thích: “Núi Hương Sơn pha nhiều đất hơn, đá vôi cũng “mềm” hơn, núi đá Kim Bảng là đá xanh, nghèo chất dinh dưỡng và “khan đất”, nên cây sắng phải dồn nén chắt lọc những tinh tuý của đá, của núi trong cả năm để rồi bật dậy mấy chồi xanh vào giêng hai”.


Ông Nguyễn Văn Tiềm, một người trồng rau sắng ở thung Cổng Vại, làng Yến Vỹ, Hương Sơn cũng thừa nhận điều này. Ông nói: “Rau sắng chùa Hương là dành cho người thành tâm, rau sắng Kim Bảng dành cho người sành ăn. Ngon hay không là ở tự lòng mình, rau sắng chùa Hương hơn ở cái tiếng tăm, cái linh khí của đất thiêng, đất Phật. Vì vậy, du khách đến chùa Hương đều tìm mua rau sắng ở đây”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.