Đi qua nóc nhà thế giới.Kỳ 2: Lhasa, đôi bờ hư – thực

thuchu.jpg

Potala ngôi điện cao 13 tầng, một công trình kiến trúc vĩ đại nhất Tây Tạng ở Lhasa. Đây là nơi các Đạt lai lạt ma đã từng sinh sống. 

Người ta gọi đó là thành phố cao nhất, lạnh nhất, nắng nhất, linh thiêng nhất. Do đó người Tạng gọi Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng là “vùng đất của chư thiên” hay “thành phố mặt trời”

Trong thập niên 1930 của thế kỷ trước, G.Tucci – nhà thám hiểm người Ý – cho rằng: “Từ Lhasa ra đi, không giống như từ giã một thành phố nào đó. Dễ trở lại một nơi nào bất kỳ, nhưng Lhasa là không thể đạt tới, hầu như nó nằm ngoài thế giới này. Từ đó ra đi cũng như tan một giấc mơ mà không biết rằng nó có trở lại hay không”.

“Thành phố nằm ngoài thế giới”

Chúng tôi buộc phải tập làm quen với không khí loãng trên độ cao 3.700m ở Lhasa vài ngày trước khi bắt đầu cuộc hành trình đi xuyên qua Himalaya theo trục đông – tây, bắc – nam. Những ngày đầu tiên đặt chân đến đây, chúng tôi chỉ dám đi nhẹ, thở nhẹ, vì chỉ cần mạnh chân một chút đã thấy mệt như vừa chạy bộ hàng cây số. Thế nhưng, những giấc ngủ thường đến rất khó khăn và kèm theo ác mộng. Nhiều thành viên trong đoàn đã không thể dậy nổi do đau đầu. Ngày thứ hai, đã có người bị chảy máu cam. Tôi có thể cảm nhận môi mình đang khô quắt lại, nứt ra, tứa máu.

Theo nghĩa tiếng Tạng, “Lhasa” có nghĩa là “Thần Phật thánh địa”. Tây Tạng theo tôn giáo Lạt Ma. Trước đây, Lhasa là nơi sinh sống của các vị Phật sống Tây Tạng – các Đạt lai lạt ma. Vì vậy, nơi đây còn được mệnh danh là “thành phố của chư thiên”. Người Tây Tạng tin rằng các vị Phật sống này không bao giờ chết mà chỉ tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Do yếu tố lịch sử, các Đạt lai lạt ma không còn sống ở Tây Tạng, khi chúng tôi đến thăm cung điện Potala – nơi sinh sống và làm việc ngày xưa của các Đạt lai lạt ma – chúng tôi vẫn nhìn thấy những người Tạng lặng lẽ ngả mũ khi đi ngang nơi này. Mặc cho nhiệt độ buổi chiều xuống tới âm 10 độ C kèm theo gió lạnh cắt da, một người mẹ trẻ vẫn dắt cậu con trai khoảng ba tuổi đến trước điện. Có lẽ đã thành thói quen, cậu bé ấy nằm dài xuống vỉa hè và lạy theo nghi thức “ngũ thể nhập địa” (tức là năm bộ phận cơ thể đều chạm đất). Đầu cậu bé hướng về cung điện sừng sững cao 13 tầng – nơi mà chín vị vua Tây Tạng và 10 đời Đạt lai lạt ma từng cư ngụ.

Những sự tương phản

Những người dân Tibet hành hương Lhasa chỉ để sờ các tượng vì các Đạt lai lạt ma đã đi xa

Những người dân Tibet hành hương Lhasa chỉ để sờ các tượng vì các Đạt lai lạt ma đã đi xa

Tương truyền, công chúa Văn Thành – con gái của vua Đường Thái Tông về làm dâu Tây Tạng – nói: “Địa thế của Lhasa giống như bánh xe chính pháp của Phật”. Ngày nay, đi giữa lòng cái bánh xe chính pháp ấy, chúng tôi rơi vào hai thái cực cảm xúc. Sự thiêng liêng và trần tục. Lòng từ bi rộng mở đến vô cùng và sự đề phòng. Vẻ khoáng hoạt của thiên nhiên và sự lạnh lùng của những người lính cảnh vệ gốc Hán. Quân nhân có mặt khắp nơi trên đường. Dù không hề có biển cấm quay phim chụp hình nhưng chúng tôi đã bị một tốp lính mời làm việc và đòi tịch thu camera chỉ vì ống kính vô tình lia qua họ khi đang đứng gác ở khu vực vào ngôi đền thiêng Jokhang.

Đêm. Lhasa lạnh và buồn. Phần lớn cửa hàng đều đã đóng cửa. Đường phố vắng tanh. Có chăng là những tốp lính lặng lẽ đổi gác. Thôi thì, cũng ráng tìm một quán vắng uống hết chai bia Tibet. Nghe nói, loại bia này được sản xuất bằng thứ nước khởi nguồn từ đỉnh Himalaya.

Himalaya bao nhiêu tuổi? Một giả thuyết cho rằng năm mươi triệu tuổi. Tuy nhiên, gần đây, một nhà khoa học khác lại khẳng định Himalaya đã gần năm trăm triệu tuổi. Và dãy núi hùng vĩ nhất thế giới này từng nằm dưới đáy đại dương. Một sự tương phản năm trăm triệu năm.

Tại chợ Barkhor, chỉ cần bỏ ra 20 – 40 tệ, chúng tôi có thể mua được hòn đá to bằng cái trứng đà điểu, ruột đá có những đường vân xoắn ốc hoặc rẻ quạt được giới địa chất khẳng định là sò, ốc hoá thạch. Tuổi của chúng được cho là tương đương với thời gian hình thành dãy Himalaya. Câu chuyện ốc biển hoá thạch được tìm thấy ở Himalaya thôi thúc chúng tôi tìm đến Namtso – một trong những hồ nước mặn lớn nhất thế giới treo lơ lửng trên dãy Nyainqentangla cao hơn 6.000m, cách Lhasa 240km về hướng bắc. Xe chạy giữa miệng vực và trùng trùng vách đá dựng đứng như trường thành. Người dẫn đường yêu cầu chúng tôi chuẩn bị bình oxy, sẵn sàng đối phó với hội chứng say độ cao khi xe bò qua đỉnh Lakenla cao 5.190m.

Theo tiếng Tây Tạng, Namtso có nghĩa là hồ của Ngọc Hoàng, hay còn được gọi là hồ Thiên Đàng. Vào mùa hạ và mùa thu, cỏ cây xanh mơn nên nhiều người thường lùa gia súc đến chăn thả quanh hồ. Còn những người Tạng hành hương ngâm mình xuống hồ thiêng là một hình thức gột rửa tội lỗi và cầu mong phước lành. Thế nhưng, trước mắt chúng tôi lúc ấy, chỉ có màu trắng nhức nhối của băng tuyết. Phần lớn diện tích hồ (dài 70km, rộng 30km) đã đông cứng như một tảng nước đá khổng lồ. Người dẫn đường cho biết thường đến tháng 5, khi băng tan, sẽ tạo ra những âm thanh ầm ầm như sấm nổ. Quanh hồ vắng teo. Những người chăn gia súc đã nhổ trại từ lâu. Một con trâu yak ốm nhách, xiêu vẹo tiến lại gần chúng tôi. Có lẽ nó bị lạc đàn. Rồi nó sẽ gục xuống vì đói. Cỏ cây đang nằm dưới lớp tuyết dày. Có lẽ không có loài động vật nào có thể tồn tại nổi ngoại trừ những con chuột tuyết.

Cùng với những bạn đồng hành, tôi nếm thử giọt nước biển khơi của hồ nước mặn treo lơ lửng trên núi cao. Tôi đã không còn tin núi và biển là những thứ tồn tại vĩnh cửu.

Kỳ sau: “Tam bộ nhất bái” – con đường khổ hạnh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.