Di chúc

GN - Năm sáu mươi tuổi ông đã nghĩ đến chuyện hậu sự của mình. Tuổi này là tri thiên mệnh. Già rồi thì cũng phải chết thôi, sống lâu chỉ thêm cực con cực cháu. Người quê hay bảo nhau như vậy.

di chuc.png


Để lại di chúc - Ảnh minh họa

Ông cứ nghĩ chắc đến lúc nhắm mắt chẳng đứa con đứa cháu nào khóc mình đâu. Đám ma ở quê to hay nhỏ là tùy vào tiếng khóc. Khóc to thì đám to, được dân làng khen. Nhiều người khóc tức là cháu con về đông. Cháu con có hiếu thì mới khóc gào thảm thiết. Hai năm trước, lúc bà cụ bạo bệnh tất cả mấy đứa con đứa cháu ở xa phải về đầy đủ. Đám ma của bà cụ rộn ràng nước mắt. Người làng bảo chết như thế cũng mãn nguyện. Cháu con mặc áo tang quấn khăn sô trắng bù loa bù luơ vịn vai nhau khóc như mưa.

Đám ma bà thì con cháu ồn ào như thế, nhưng ông lo đến đám ma mình chắc là im ắng. Khi bà bạo bệnh, ông đã bán đi một miếng đất to để lấy tiền chạy chữa cho bà. Không may bà đi nhanh quá, mất trên đường đưa tới bệnh viện. Ông biết bầy con cháu lũ lượt kéo về rồi tranh nhau khóc bà chỉ là để đám xong ông chia cho chúng cái phần tiền bán đất chưa dùng đấy thôi. Quý báu gì.

Ông bà sinh hạ được năm người con, ba trai hai gái. Nuôi nấng chăm bẵm từ nhỏ rồi lo lắng chuyện dựng vợ gả chồng cho tất cả. Nhà ông từ đời cụ cố đã làm nghề gỗ, truyền nghề lại cho tới đời của ông. Nghề gỗ cực nhưng lại có của để dành. Ở vùng này, ông bà thuộc dạng khá giả nhất nhì. Ông lo chuyện cưới gả cho con cái xong, còn cho tiền để chúng mua đất cất nhà. Riêng người con út thì ở cùng ông bà. Giàu con út khó con út. Ở trong nhà để sau này còn lo chuyện hương khói tổ tiên. Cái nhà ba gian rường cột gỗ lim bước vào đã thấy uy nghiêm. Mà đối với các con của ông thì riêng ngôi nhà này thôi đã là một khối tài sản đồ sộ chứ chẳng chơi. Chưa kể tiền ông còn trữ lại, chôn dưới đất hay giấu đâu đó. Thể nào thằng út chẳng là người hưởng trọn. Nghĩ vậy nên các anh các chị dù đã có nhà cửa bề thế ở ngoài tỉnh thỉnh thoảng về vẫn bóng gió kỳ cạnh.

Anh con út tức máu lên bảo các cô các bác thích của thì về đây mà sống với cụ. Được tiếng mà chẳng có miếng, lại hay bị nghi kỵ nên anh út cũng xin ra ở riêng. Sáu mươi tuổi rồi, sức tàn lực kiệt ông đành nhường cái nhà gỗ rường quý giá cho thằng con út. Ông đi dựng một ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở trong làng. Rồi các anh các chị về lại bảo thằng này khôn, ở riêng mà lại rất gần, vừa tự do vừa nhanh nhẩu khi bố gần nhắm mắt. Cái chữ nhanh nhẩu mà các anh các chị nói là ý bảo thừa cơ hội để lãnh hết của nả.

Ông nhận thấy có một sự đổ vỡ trong gia đình mình. Chẳng biết vì đâu nên nỗi. Ông bà cũng sống phúc đức chớ phải tàn ác gì cho cam. Thậm chí ông bà còn nức tiếng chuyện đi làm từ thiện, giúp đỡ người này người nọ. Phải chăng vì ông bà xởi lởi với mọi người quá nên các con bằng mọi giá phải vơ vét cho hết của ông. Sợ nước tràn qua ruộng kẻ khác, sợ tiền đổ ra cho thiên hạ ăn, phí phạm. Đám ma ông mà chúng nó không khóc thì thật vô phúc, dân làng sẽ cười chê. Ông lo là vì thế.

Năm đứa con đã không còn ai chịu ở với ông, chỉ thỉnh thoảng ghé về thăm ông thì ít mà nhòm ngó xem ông có chia chác gì không thì nhiều. Ông sống một mình, tự lo mọi chuyện ăn uống. May ông cũng còn khá khỏe để chẳng phiền đến ai, chỉ có điều buồn bạn và tủi thân. Rồi ông đi chùa, tham gia vào giáo hội, có thêm các ông các bà cùng chia sẻ. Đêm đêm ông tụng kinh, thấy lòng mình nhẹ đi rất nhiều.

Cũng từ dạo đi chùa đọc kinh ông nhận ra nhiều điều hay. Ví như triết lý cuộc sống là vô thường. Có đó mất đó. Ngay cái thân ta cũng là giả hợp. Nếu có chết đi thì chỉ là một sự luân chuyển, không nên quá đau buồn. Ông đi hộ niệm cùng hội trong các tiệc ma chay. Thấy đám chay người thân không khóc lóc mà chắp tay cầu cho vong linh được siêu thoát. Ông thay đổi nhanh chóng quan niệm về chuyện khóc to đám to. Giờ ông lại muốn bao giờ mình chết đi đừng ai khóc cả. Như thế thanh thản nhẹ nhàng hơn.

Bảy mươi tuổi, ông ăn chay trường và luôn tâm niệm thân xác này là cát bụi, mong chết đi con cháu đừng khóc lóc van lơn cho cát bụi được về với cát bụi an lành. Ai chứ con ông chắc khoản này khỏi lo, chúng chẳng rơi nước mắt đâu.

Suốt mấy hôm ông ngồi suy tính chẳng mấy hồi nữa là ông đi gặp bà, thôi viết cái di chúc để lại. Ở vùng quê này viết di chúc là chuyện hy hữu, vì mấy ai có của nả gì đáng đâu mà sợ con cái tranh nhau. Riêng ông, ông muốn viết di chúc để lại. Phòng khi ông mất thì con cái khỏi cấu xé ì xèo phân chia. Ba hôm ông viết xong di chúc. Ngày hôm sau ông lọ mọ chống gậy xuống xã xin công chứng. Phải có cái dấu đỏ của chính quyền đóng vào thì con ông chúng mới tin, chứ không rất dễ làm nảy sinh nghi ngờ tính xác thực của bản di chúc. Ông bỏ tờ giấy vào bì thư dán kín lại. Bên ngoài đề: Di chúc, lúc nào chôn tôi xong hãy mở.

Một tháng sau ông ra đi thanh thản. Con cháu về đông đủ cả, chẳng thiếu một ai, kể cả đứa bé mới năm tháng tuổi. Về đủ mặt mà chia mà tính cho rạch ròi. Dọn dẹp nhà cửa để lo đám, ai cũng tranh thủ lục hết chỗ này chỗ kia xem ông cất của nả ở đâu. Nhưng chả tìm được gì. Đêm trước ngày di quan, anh cả đi ra đi vào bảo vô lý, chắc chắn là ông còn nhiều lắm. Cất ở đâu thì chắc trong tờ giấy kia có ghi. Nôn nóng tò mò không chịu nổi đến ngày mai, tất cả quyết định mở di chúc.

Tờ giấy vỏn vẹn một câu: Bố không còn gì để lại, vì thế các con đừng khóc nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.