Đi chùa nhớ phải hạnh phúc...

Người đi lễ chùa - Ảnh minh họa
Người đi lễ chùa - Ảnh minh họa

GNO - Cái quán chay tên Tư Huệ tôi thường đến ăn, dễ thương lắm mà tôi nôm na gọi đó là cái "Hội Bàn Đào". Gọi như vậy là vì khi ngồi ăn bạn có thể lắng nghe những cuộc đàm đạo vô cùng lý thú mà rất đời từ những mảnh ghép nhiều màu sắc khác nhau trong cuộc sống, nếu như bạn biết chọn lọc thông tin - tìm ra bài học cho riêng mình thì quả là rất ý nghĩa.

Ở đó, tôi bắt gặp nhiều câu chuyện và muốn kể câu chuyện của hôm nay: Cô chủ quán cầm tô cơm, khệ nệ ngồi xuống chiếc ghế, tự nhiên hổng biết hôm nay ai ứng khẩu rồi lớn tiếng nói: "Tui là tui thấy nhiều cái cảnh ngộ lắm, nhiều người thấy người khác làm việc thiện cũng tấm tắc khen, cũng ca ngợi công đức này nọ. Vậy đó, mà khi đụng chuyện thì người ta bủn xỉn, chẳng những không giúp mà tỏ thái độ tiếc từng đồng từng cắc, tính toán chi li xem tiền mình bỏ ra có đúng người nên cho hay không. Tui không có làm việc thiện chi hết, tui thấy ai nghèo khổ là tui giúp trong khả năng mình, thấy người già, con nít khó khăn bán vé số là tui mua ủng hộ hà...".

Chú bán vé số ngồi ăn cũng tiếp chuyện luôn: "Nói vậy là mua vé số người già, con nít thôi nghe chứ đừng mua vé số của tui. Vé số tui bán là hông bao giờ trúng hết trơn. Tại cái thằng này nó tu, nó ăn chay nên nó bán vé số là không có trúng đâu. Mà bà nói nhiều người tu cũng lạ đời hén, cha mẹ khổ xin mấy trăm nghìn thì gắt gỏng bảo hôm trước mới cho sao bây giờ lại xin tiền tiếp; chớ cúng dường cho chùa bạc triệu thì hông có tiếc. Để làm gì, biết hông? Để lấy danh lấy tiếng với người ta, để cho người đời thấy bảng công đức Nguyễn Thị Mít, Bành Thị Xoài này nọ kia đó.

Cũng có người vô chùa công quả, thấy người ta mang thức ăn về là lớn tiếng quát - ngồi ở chùa ăn à nghen, hông có được gói thức ăn đem về gì hết á nghen. Ủa, mà người ta cũng đâu có biết là thức ăn này cũng của bá gia bá tánh cúng dường cho chùa, đâu phải của họ mà đến lượt họ nặng nhẹ người đời, bà chị thấy đúng không...?".

Tôi vừa ăn vừa nghe và rồi mỉm cười. Không phải cười vì chê trách những người trong câu chuyện được kể mà cười vì mình thấy được bài học đáng quý ở trong đấy. Mỗi câu chuyện là một kinh nghiệm cho bản thân, tu học là tu cho chính mình, chứ không phải là tu cho bạn, tu cho thầy hay lấy danh tiếng trong chùa hoặc xã hội.

Đừng nói chi cao siêu cả, hỏi bạn có thấy hạnh phúc không mà trả lời là không thì coi như xong. Tu mà không thấy hạnh phúc thì là "tu theo" chớ hông phải tu Phật rồi.

(Câu chuyện là có thật, những câu nói trong câu chuyện cũng thuật lại thành thật hông thêm bớt...).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.