GN - … Tôi nhắm mắt lại để cảm nhận hết mọi cảm xúc. Âm thanh ấy đưa tôi qua những thảo nguyên bao la, những rặng núi cao uy nghi, những dòng sông trong xanh uốn lượn, những khu vườn nhiều hoa… tâm thức tôi cứ đi đi mãi trong dòng mãnh lực của âm thanh kia…
Hoàng hôn nhìn từ một ngôi chùa ở Dharamsala
Đường lên Dharamsala gập ghềnh và kẹt xe. Chỉ một đoạn đường ngắn mười mấy cây số nhưng mất mấy tiếng đồng hồ mới đến được nơi. Chỉ còn gần 1km nữa là đến khu nhà trọ nhưng không ai ngồi yên trên xe chờ đợi được nữa. Chúng tôi quyết định xuống đi bộ khi quan sát thấy đoàn xe vẫn cứ dài và nối đuôi nhau không bao giờ dứt lúc đã hơn 9g tối.
Đêm tối không đèn đường, bên trái là vách núi, bên phải là thung lũng. Tôi một kẻ sợ độ cao, bước đi mà hồi hộp cầu nguyện Quán Thế Âm trợ lực đến nơi an toàn. Một anh bạn thốt lên: “Ngày xưa Đường Tăng đi thỉnh kinh cũng trải qua gian nan, ngày nay chúng ta đi đảnh lễ Đức Ngài thì cũng phải vượt qua một ít gập ghềnh, chứ dễ quá đâu có gọi là tu”.
Sau câu động viên với giọng điệu hài hước của anh bạn đường, cả nhóm bình an hơn để đi trong đêm tối. Hơn 10g chúng tôi mới đến nơi, ai cũng như muốn hụt hơi, chân như rời ra từng mảnh vì phải leo dốc trong suốt gần 1 tiếng đồng hồ.
Không khí ở độ cao hơn 2.000m thật dễ chịu. Chỉ sau 15 phút, cái mệt đã không còn.
Dharamsala ẩn mình sau trùng điệp núi rừng
Rơi vào thanh âm hùng tráng
Buổi sáng hôm sau, tôi dậy sớm vì văng vẳng nghe những tiếng kinh xa xa vọng lại như âm của sóng biển. Tôi mở cửa ban-công ngắm sương đang chập chùng qua những rặng núi liên tiếp nhau vừa xa vừa gần. Những âm kỳ vĩ vang dần vang dần. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng tụng niệm bay khắp núi đồi, vang từ bên này rồi dội sang bên kia tạo nên những tiếng rền vang có âm vực trầm, vang và hùng tráng. Tôi đứng rất lâu, nhắm mắt để tận hưởng âm thanh kỳ lạ đó. Lần đầu tiên trong đời tôi mới nghe được những âm thanh như thế. Vừa bình yên, vừa hùng tráng, vừa nhiệm mầu, vừa tỉnh thức… Không một từ ngữ nào có thể diễn tả đủ.
Phút giây đó, tôi đang cầm tách trà trên tay. Nhấp một ngụm trà. Nhắm mắt lại để cảm nhận hết mọi cảm xúc. Âm thanh ấy đưa tôi qua những thảo nguyên bao la, những rặng núi cao uy nghi, những dòng sông trong xanh uốn lượn, những khu vườn nhiều hoa… tâm thức tôi cứ đi đi mãi trong dòng mãnh lực của âm thanh kia. Tôi thấy mình bị chấn động mãnh liệt, khác hoàn toàn với những lần nghe trì tụng hoặc âm nhạc trong Mật tông trước đây, mà vốn dĩ mình đã yêu thích. Tôi thầm nghĩ, mình sẽ không bao giờ quên những âm thanh này, khoảnh khắc này. Đó là phút giây hạnh ngộ với những thanh âm tạo nên từ tiếng kinh tụng và trì chú.
Sau này tìm hiểu ít nhiều, tôi biết chuỗi âm thanh ấy từ trên núi cao nơi có những tu viện Mật tông, dội xuống thung lũng dưới những rừng thông cổ thụ, rồi sau đó lan khắp cả vùng. Có phải cỏ cây hoa lá vạn vật con người của vùng này đều nghe tiếng kinh cầu như thế hàng ngày, nên vùng đất này quả thật linh thiêng?
Thế là, trong suốt thời gian lưu lại nơi này, sáng nào tôi cũng dậy sớm ra ban-công, nhắm mắt một hồi lâu để nghe những âm thanh vi diệu đó. Thiền được thực hiện ngay lúc bấy giờ, giữa không gian trong trẻo và tĩnh lặng của sớm mai. Chỉ có tiếng kinh cầu vọng giữa núi rừng và tâm thức ta giao thoa vào nhau.
Trà trưa - món quà nhỏ xinh của chuyến đi
Đến giờ thiền và nghe giảng pháp, tôi tỉnh lại, thoát ra khỏi âm thanh đó để cùng mọi người đi bộ đến thiền viện. Tu viện Tushita nằm giữa rừng thông cổ thụ, có nhiều hoa cẩm tú cầu dọc lối đi vào. Giữa sân lớn có hình mandala nhưng tôi trông như hình trò chơi lò cò ngày bé mình hay chơi với bạn bè. Có một chú chó lười biếng nằm ngay giữa sân. Tôi ngồi xuống bậc tam cấp và nhắm mắt, nhớ về cái sân nhà thời thơ ấu, nơi ông ngoại hay ngồi giữa sân trông chờ tôi đi đâu về, hoặc ngược lại, tôi cũng hay trông ngóng ông tôi đi đâu về, mang cho tôi một ít quà vặt. Bất giác, tôi hiểu rõ hai từ “trở về” một cách sâu sắc.
Buổi học pháp khá thú vị, nhưng có lẽ được yêu thích hơn cả đối với đại chúng u mê như chúng tôi là được giải lao từng đợt để uống trà.
Trà trưa là một trong những món quà đẹp đối với riêng tôi trong chuyến đi lần này. Là một người thích uống trà, tôi vẫn có thói quen trà sáng kiểu châu Á, hoặc trà chiều kiểu châu Âu. Nhưng người Tây Tạng mang đến cho tôi món trà trưa. Đó là kết thúc buổi sáng nghe giảng pháp và ngồi thiền, mọi người dùng cơm chay trưa, ăn thật nhẹ thôi, sau đó dùng trà sữa và các loại bánh ngọt kiểu Tây Tạng. Trà được làm từ trà ấm và sữa dê tươi. Uống ngụm đầu tiên có thể hơi lạ vị đối với nhiều người, nhưng khi đến ngụm thứ 2, thứ 3, thì thấy đó là một loại hương vị cân bằng. Rất cân bằng. Không ngọt, không nhạt, không quá nóng, cũng không lạnh. Vừa tròn vị ấm và thanh nhẹ, có khả năng làm cân bằng dạ dày sau bữa cơm, và cân bằng cả cảm xúc sau buổi học pháp xem ra cũng khó hiểu chứ không giỡn chơi. Biết rằng pháp là như như, không dễ không khó, nhưng để hiểu pháp, con người cần quá nhiều trải nghiệm và những mối duyên kết nối.
Tôi thấy mọi người tụ lại thành nhóm để trò chuyện thì ít, mà đa phần là mỗi người kiếm một góc theo con mắt của mình ưng nhất, rồi lặng yên nhìn ngắm rừng cổ thụ và thung lũng bên dưới xa kia. Và nhấp từng ngụm trà. Và đuổi theo những tạp niệm chạy lung tung trong đầu. Tôi nhớ làm sao những trưa hè yên ả, lén người lớn chạy vào xóm chơi với chúng bạn, trèo cây, hái trộm trái và hoa, chơi trốn tìm… Buổi trưa không có em bé nào thích ngủ, dù người lớn có răn đe cỡ nào. Sau này tôi nhìn thấy hình ảnh tôi ở trong con gái tôi. Con bé, cứ buổi trưa là lén mẹ đi chơi. Chớp mắt nhiều giấc trưa, con người bỗng già đi và tiến dần đến với cái chết hơn. Tôi chợt nghĩ, đời cây, đời núi, đời thiên nhiên sao cứ thảnh thơi và rộng dài, còn đời người thì sao cứ tất bật và ngắn ngủi.
Đứa trẻ hồn nhiên trong người thầy trí huệ
Tôi không phải là người mộ đạo theo kiểu truyền thống, nhưng là người rất ngưỡng mộ Ngài Dalai Lama. Người đời cho rằng năng lượng từ bi từ Ngài rất lớn lao, chỉ cần ngồi nghe Ngài giảng pháp thôi là đã có thể nhận được trường năng lượng đó. Tôi thì thường cảm qua những cuốn sách và những bức ảnh của Ngài. Tôi đọc sách và các bài phỏng vấn về Ngài khá nhiều và ngưỡng mộ sâu sắc trí huệ đó.
Ngài xuất hiện, trẻ thơ và hồn nhiên, tươi vui nhanh chóng phá vỡ những nguyên tắc nghi lễ cần có của các Phật tử khi diện kiến hóa thân của Quán Thế Âm. Ngài nói tôi chỉ là một ông thầy tu bình thường, và cười lớn. Ngài nói mọi người đoán tuổi tôi đi, tôi còn trẻ lắm, có sáu mươi mấy thôi. Ai cũng cười vui để bắt đầu buổi pháp thoại.
Màu áo đỏ huyền thoại của các tu sĩ Tây Tạng
Thầy giảng pháp khá dễ hiểu (ít ra với tôi), rất trùng khớp với những gì thầy đã viết ra qua những trang sách. Thầy quả là có một trí nhớ siêu việt. Thầy nhớ tất cả những gì mình đã viết. Hay đúng hơn đó là những gì được viết từ trong bụng viết ra, không chút cố gắng. Thầy đặc biệt có một tình thương trẻ thơ bất tận dành cho mẹ. Tôi có cảm giác như khi nói về mẹ, Thầy chưa bao giờ lớn, luôn là một đứa trẻ của những năm tháng đẹp đẽ đó. Tôi đặc biệt thích cách mà ông kể về mẹ qua những trang sách, nơi mà ông muốn gửi gắm thông điệp lớn lao về lòng từ bi bản năng. Khi đối diện và trực tiếp nghe Ngài nói về mẹ, tôi thật sự thấy tình thương đó sống động gấp bao nhiêu lần qua trang sách. Tôi bỗng thấy nhớ mẹ tôi vô cùng ngay lúc đó. Ngài nói đến đâu tôi lập tức nhớ những hình ảnh đẹp về hai mẹ con tôi đến đó.
Những buổi giảng của Ngài khá nhiều nội dung, ngoài những nội dung do Ngài tự nói, mà chủ yếu là tập trung vào tánh Không và thực hành tâm từ bi (riêng điểm này thì tôi thấy các bậc chân sư đều có nội dung giảng giống nhau, bởi đó là cốt lõi khi thực hành đạo Phật). Ngoài ra, còn có hỏi đáp các thắc mắc từ đại chúng, mặc dù nhiều góc hỏi khác nhau nhưng nhìn chung tập trung vào thắc mắc lớn nhất là làm sao có thời gian để vừa kiếm tiền làm giàu vừa tu tập ngồi thiền. Đây có lẽ là nỗi lòng lớn nhất của nhiều Phật tử, khi mà phải sống giữa bộn bề lo âu cơm áo gạo tiền, thấy được đời này vô thường nhưng vẫn không thể buông bỏ. Có một số câu hỏi Ngài không trả lời thẳng vào vấn đề, mà chỉ nhẹ nhàng kể một câu chuyện, hoặc là cười lớn, tôi không biết, hoặc tôi không có câu trả lời.
Đang giảng giữa chừng thì Ngài cười, chắc mọi người buồn ngủ rồi nhỉ, thôi chúng ta uống trà ăn bánh do các cháu bé làm. Ngài cùng ăn với mọi người, Ngài nhai miếng bánh theo cách nhai của một đứa bé, có vẻ đó là miếng bánh do mẹ đi chợ mang về và ngon nhất trần đời!
Tôi học được nhiều thứ, nhưng nhớ nhất là câu nói có đại ý rằng: “Đức Phật là một người thầy vĩ đại, hãy là người học trò (Ngài dùng từ student) của vị thầy này, chứ không nên chỉ làm người đi theo (Ngài dùng từ follower). Vì làm học trò thì sẽ chịu khó học hành, quý vị hãy học thật nhiều nữa nhé!”.
Công án cuộc đời
Tuy nhiên, thật kỳ lạ, điều mà tôi nhìn thấy sâu hơn cả khi diện kiến Ngài, không phải là niềm hân hoan được Ngài trì chú, nghe giảng pháp hay nhận quán đảnh, mà là nhìn thấy một nỗi buồn sâu thẳm nhưng lại nhẹ hẫng trong đôi mắt Ngài. Tôi cảm nhận và không dám nói ra điều đó với bất kỳ ai. Khi cả đoàn được đưa đi tham quan quanh dinh thất của Ngài, có một vị sư chỉ cho tôi biết một điểm lý tưởng nhất trong dinh thự để có thể nhìn về đỉnh Himalaya, nhìn về quê hương Tây Tạng. Nơi này Ngài thường ngồi vọng cảnh về cố quốc. Có lẽ đây là một công án miên mật suốt cuộc đời của Ngài. Trong giây phút đứng ở đó, bên chậu hoa cẩm tú cầu xanh mát, bất giác tôi lại nghe những âm thanh trì chú từ bên ngoài vọng vào, cũng có độ vang đầy rung động như mỗi buổi sáng tôi vẫn nghe, tôi chợt thấy rõ công án của đời mình. Mọi việc diễn ra như một bộ phim lịch sử cá nhân, mà được làm bằng một thứ năng lượng kỳ lạ, chỉ trình chiếu trong vài giây nhưng đủ đầy. Thế mới biết, không có gì nhanh hơn ý nghĩ trong đầu con người. Tôi chợt thấy mình rơi nước mắt.
Khoảng sân rộng bình yên của tu viện Tushita, Dharamsala
Khi ta nhìn thấy điều gì đó từ người khác, phần lớn là do tâm thức ta có hạt giống đó trước. Tôi nhìn thấy nỗi buồn của Ngài, có lẽ do tâm thức của tôi cũng có những nỗi buồn như thế. Và vì đó là công án đời người, nên có thể vào một thời điểm nào đó trong đời sống vô thường này, tôi sẽ giải được đúng lúc mình không ngờ tới.
Những ngày sau, tôi cũng tham gia nhiều hoạt động chung với đoàn. Nhưng tôi không còn nhiều cảm nhận nữa. Mọi thứ diễn ra cũng giống như những tour du lịch khác, chớp nhoáng, có đôi chút lộn xộn, nhưng cuối cùng là vui vẻ. Tôi cũng không mong cầu gì nhiều hơn thế cho một chuyến đi.
Tôi rời Dharamsala vào một sáng sớm tinh sương. Hôm đó, tôi cố gắng dậy thật sớm để lại nghe tiếng kinh cầu rền vang. Những âm thanh có một tần số vi diệu có thể chạm vào mọi giác quan và tâm thức của con người, có khả năng giúp ta tìm lại chính ta. Đó không phải là những âm thanh bình thường, mà là những sóng âm được siêu nhiên ban tặng cho người Tây Tạng.
Bùi Lan Xuân Phượng