Đêm văn nghệ "Ngọt ngào với hương sen mầu nhiệm"

(GNO): Không hoành tráng như các chương trình văn hoá nghệ thuật được diễn ra cùng một thời gian như Lễ hội hoa đăng Dấu ấn Thăng Long và Lễ phóng đăng cầu quốc thái dân an, nhưng chương trình ca nhạc Hương sen mầu nhiệm đã để lại một ấn tượng khó phai trong lòng khán giả. Rất hiếm khi khán giả được thưởng thức một chương trình ca nhạc với những nhạc phẩm vừa mới mẻ vừa ngọt ngào, quyến rũ như vậy.

Chương trình đã diễn ra vào tối 31-7-2010 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, được đạo diễn bởi một tu sĩ Phật giáo, đó là TT. Thích Minh Hiền, Trưởng ban Văn hoá THPG Hà Nội. Trong số 11 tiết mục biểu diễn, có tới 8 nhạc phẩm mới được sáng tác trong năm 2010.

senviet_15.jpg

TT.Thích Minh Hiền, đạo diễn chương trình phát biểu khai mạc
chương trình “Hương sen mầu nhiệm”

Hương sen mầu nhiệm được khai mở bởi màn đồng ca của các Tăng Ni với nhạc phẩm “Tán thán Vô thượng tôn”, được tác giả là Đại đức Thích Minh Xuân phổ nhạc từ những bài kinh Phật. Những lời lấy từ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và bài sám Khánh đản đã trở thành bài hát ngọt ngào, ca ngợi công đức vô lượng của Đức Phật. “Nam mô Đấng pháp vương vô thượng/ Ba cõi chẳng ai bằng/Thày dạy khắp trời, người/Cha lành chung bốn loài/Quy y trọn một niệm/ Dứt sạch nghiệp ba kỳ/ Xưng dương cùng tán thán/ Ức kiếp không cùng tận/ Phật, chúng sinh tính thường rỗng lặng/ Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn/ Lưới Đế châu ví đạo tràng/ Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời”.

Lời ca vang vọng lòng yêu kính vô bờ bến với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - đấng vô thượng từ bi trí tuệ của nhân loại, Người đã vì một đại nghiệp lớn lao, từ bỏ mọi tiện nghi vật chất để cầu giải thoát. Và sau khi chứng được đại quả Vô thượng Bồ đề, Ngài đã hiến cả cuộc đời cho công cuộc hoằng hoá độ sinh: “Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành/ Vua Tịnh Phạn phước sanh con thảo/ Ba mươi hai tướng hảo/ Vừa mười chín tuổi xuân/ Lòng từ ái cực thuần/ Chí xuất trần quá mạnh/ Ngai vàng quyết tránh/ Tìm lối xuất gia/ Sáu năm khổ hạnh rừng già/ Bảy thất nghiêm tinh thiền toạ/ Chứng thành đạo quả/ Hàng phục ma binh/ Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh/ Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ”.

senviet_01.jpg

Màn múa biểu diễn “Bến giác”

senviet_03.jpg
senviet_04.jpg

Khúc tán thán được kế tiếp và đan lồng vào Bản hợp xướng Thế Tôn ca - một sáng tác mới của nhạc sĩ Phật tử Trần Mạnh Hùng, lần đầu tiên được trình diễn trên sân khấu. Hoà cùng các Tăng Ni, phần biểu diễn của dàn hợp xướng nam nữ đã đưa màu sắc âm nhạc dân gian Việt Nam hoà quyện với âm hưởng âm nhạc đương đại. Tiết mục biểu diễn đã làm nên hiệu quả bất ngờ, đã truyền tải được vẻ tôn nghiêm, ngời sáng của hình ảnh Đức Thế Tôn, nhưng cũng chứa đựng những tâm tư tình cảm, lòng kính yêu vô bờ bến của Phật tử đương thời với Người.

 Âm vang thành kính không thể tắt, mà được nâng đỡ tiếp bởi một tác phẩm khác cũng mới được sáng tác của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng mang tên “Sám hối mười phương”. Khúc hát trữ tình được ca sĩ Lan Anh truyền tải qua giọng hát thính phòng châu Âu, hoà quyện với những âm luyến láy của âm nhạc cổ truyền Việt Nam đưa khán giả đến với những hình ảnh thật sinh động. Ta bâng khuâng khi được chạm vào tiếng khóc chào đời thơ ngây bé bỏng, rồi lại ngỡ ngàng khi ngay sau đó đến khúc biệt ly đã từng trải qua. Những lời ca ngắn ngủi của một kiếp người cùng biết bao mê lầm đã trôi quá nhanh trong bể khổ nhân gian. Và tiếng lòng xuyên suốt bài hát dường như muốn trả lại cho cuộc sống nhịp điệu của bình yên dẫn dắt những con người: “Từng giờ lạc lối/ Từng ngày giục than/ Ngập tràn u tối/ Ai ơi sám hối/ Tìm đường về mau/ Quỳ nghe kinh màu/ Đạo Phật từ bi/ Gột mọi lầm lỗi/ Người người thương nhau”.

senviet_05.jpg
senviet_06.jpg
senviet_07.jpg
senviet_08.jpg

Ca sĩ Mỹ Linh và Đức Tuấn với bài hát “Vang vọng ngàn năm”

 Xem “Hương sen mầu nhiệm”, ta ngạc nhiên và vô cùng thú vị, khi những câu niệm Phật giản dị quá đỗi thân thương đã ăn sâu vào tâm thức từ khi ta còn bé thơ bỗng vang lên thánh thót. Nam mô A Di Đà Phật/ Nam mô Phật/ Nam mô Pháp/ Nam mô Tăng/ Nam mô vô thượng tam bằng”. Chỉ với hơn 10 chữ ngắn gọn súc tích, nhưng được giọng ca trong trẻo của cô gái trẻ Ana thể hiện bằng rất nhiều giai điệu đi từ khoan thai đến dồn dập khiến cả khán phòng sửng sốt. Nhạc phẩm “Suy tán Tam bảo” được Anh Quân hoà âm phối khí, và trên sân khấu anh đã đệm đàn cho cô con gái Ana hát. Gia đình Anh Quân – Mỹ Linh không chỉ là những ca sĩ nổi tiếng mà đây còn là gia đình Phật tử thuần thành, đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc Phật giáo nói riêng, âm nhạc đương đại nói chung. Nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ: “Con đường đến với đạo Phật của tôi hết sức tự nhiên, từ nhỏ đã được bố mẹ thường xuyên đưa đến chùa và ở nhà đã có bàn thờ Phật, nhờ vậy mà tôi đã học thêm được nhiều những chân lý tốt đẹp”. Tiếp nối, khán giả đã được thưởng lãm một tiết mục nghệ thuật vô cùng độc đáo, vốn chỉ dùng trong các nghi lễ Phật giáo thuộc dòng Mật Tạng.

Trong Mật giáo Tạng truyền, âm nhạc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống nghi lễ tôn giáo, vì người ta quan niệm rằng tôn giáo chính là âm thanh. Khi Phật giáo Đại thừa sinh khởi, âm nhạc đã trở thành phương tiện hành pháp, có thể đem đến cho người nghe sự an lạc và giải thoát. Trong “Hương sen mầu nhiệm”, tiết mục âm nhạc “Kèn cúng dường” được biểu diễn bởi dàn kèn của các sư cô ở chùa Phù Nghì trên núi Tây Thiên đã mang đến cho người xem một cảm nhận lạ lẫm, kỳ bí. Các ni sư trong sắc phục của người Tây Tạng, đầu đội mũ mỏ rìu. Đặc biệt, hai chiếc kèn đồng khổng lồ dài tới 3m vì quá nặng nề nên phải vươn mình nằm dài trên đất. Tiếng kèn trầm đục vang lên hoà quyện cùng tiếng trống cũng Tây Tạng khiến không gian trở nên linh thiêng. 

senviet_10.jpg

Nhạc sĩ Anh Quân đệm đàn cho con gái là Ana hát bài “Suy tán Tam bảo”

senviet_11.jpg

Các Tăng Ni và dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

biểu diễn tác phẩm tán thán vô thượng tôn và Thế Tôn ca

senviet_13.jpg
senviet_13.jpg
senviet_14.jpg

Các sư cô chùa Phù Nghì Tây Thiên biểu diễn tiết mục Kèn cúng dàng
theo nghi thức Phật giáo Mật tông Tây Tạng

Tác phẩm “Sáng đạo trong đời” do Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Đạt sáng tác trong mùa lễ Phật đản năm nay, trong đó thể loại ca trù đã được nghệ sĩ kết hợp hết sức nhuần nhuyễn. Cùng với đó, nhạc phẩm “Việt Nam đạo Phật sáng niềm tin” cũng do nghệ sĩ Thúy Đạt phổ nhạc, qua giọng ca của ca sĩ Thúy Thuý đã đem đến những giai điệu giản dị, ngọt ngào sâu lắng, phảng phất có cái tân cổ giao duyên của những làn điệu cải lương đậm chất dân ca Nam Bộ: “Dưới ánh đạo vàng gọi ánh dương/ Ánh sáng soi tỏ khắp mọi đường/ Việt Nam- Đạo Phật cùng chí hướng/ Chí hướng một lòng sáng như gương/ Ngày nay ánh sáng đạo hiền/ Đạo chúng Bắc Trung Nam khắp mọi miền/ Chư Tăng, Phật tử đồng lòng/ Nêu gương Từ Phụ sáng trong cõi đời/ Nam mô cõi đời tròn một niềm tin/ Việt Nam - Đạo Phật khắc in ngàn đời/ Người dân hân hoan/ Tự do tín ngưỡng thâm sâu đạo vàng/ Nước non ghi tạc sử vàng lưu danh/ Non cao, rừng vàng, biển xanh/ Việt Nam - Đạo Phật kết cành đơm hoa”.

senviet_16.jpg

TT. Thích Minh Hiền giao lưu

senviet_19.jpg

Ca sĩ Lan Anh thể hiện nhạc phẩm Sám hối mười phương

Tác phẩm tạo ấn tượng mạnh nhất cho người xem, khiến tiếng vỗ tay vang dậy không ngớt khắp khán phòng chính là màn múa đương đại “Bến giác”. Tác phẩm này cũng lần được đầu tiên ra mắt khán giả, âm nhạc bởi nhạc sĩ Quốc Trung, biên đạo múa là nghệ sĩ Hồng Phong, được biểu diễn bởi các nghệ sĩ múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Với sự kết hợp của múa với  phim chiếu trên màn hình và các băng rôn và hơi khí ni tơ trên sàn diễn đã tạo nên hiệu quả vô cùng đặc biệt, cho người xem thực sự được thưởng thức “bữa tiệc” của sắc màu và ánh sáng. Bến giác đưa chúng ta quay trở lại thời kỳ hỗn mang, sống theo bản năng, khi nhân thế còn trầm luân trong bể khổ. Những người nghệ sĩ thể hiện sự quằn quặi, vật vã của những kiếp người, và những cảnh chiếu dồn dập nối tiếp nhau trên màn hình: lá rụng rồi đến những cành cây khô xơ xác, tiếp đó là sự bùng lên của lửa, rồi sự giận dữ của thiên nhiên bão mưa, sấm chớp, sự động gào của biển cả. Con người bị những con sóng trùm lên xoá xạch. Một cảm giác hủy diệt, trống vắng lan toả khắp không gian. Nhưng thật bất ngờ, bỗng tiếng chuông Bát nhã thánh thót vang lên khắp nhân gian. Con người chợt tỉnh ngộ, trở về với chính mình. Những âm thanh tụng kinh vang dần, vang dần như những đợt sóng lan toả đưa con người quay về bờ giác.

Tiếp nối, khán giả được thưởng thức giọng ca nam từng được giải thưởng âm nhạc cống hiến năm 2009, nghệ sĩ Đức Tuấn cũng là người đoạt giải thưởng kép trong năm vừa qua khi được vinh danh ca sĩ của năm và album của năm. Nhạc phẩm “Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật” được sáng tác bởi Thẩm Oánh, đây cũng là một tác phẩm mới được viết dưới dạng một khúc tưởng ca. Những đoản khúc tưởng niệm đầy thiêng liêng đã dẫn dắt khán giả trải qua những cung bậc thăng trầm trong cuộc sống và những giây phút thăng hoa tưởng như ta đang được chạm đến miền đất cực lạc. Tiếng hát thành kính như lay động tâm hồn mỗi người: Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật/ Mười phương chư Phật/ Xin Người ban phúc sạch trong/ Cùng trời cao với ước mơ”. Ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ: “Được biểu diễn trong Hương sen mầu nhiệm là một vinh hạnh đối với tôi. Tôi đã nhiều lần hát các ca khúc về Phật giáo nhưng là ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được biểu diện trong một chương trình ca nhạc Phật giáo ở miền Bắc, đặc biệt vô cùng ý nghĩa là chương trình nghệ thuật mừng Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Khán giả sẽ thêm một lần được thưởng thức giai điệu đầy sùng kính của Chắp tay hoa do ca sĩ Mỹ Linh thể hiện: “Chắp tay lạy Người cho xin nụ cười/Chắp tay lạy Trời cho đám mưa rơi/Chắp tay lạy Đất cho mầm cây tươi/Chắp tay lạy Nước cho mát cõi đời…”. Có lẽ khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Phạm Duy cùng người bạn đạo Phạm Thiên Thư đều đã “ngộ”, bởi tinh thần của Tâm kinh Bát Nhã bàng bạc, xuyên suốt tác phẩm. Đạo mà cũng rất đời, bài hát với những tiết tấu ngắn, âm hưởng rộn ràng tươi tắn, kết hợp nhạc nền trì tụng xuyên suốt bài hát như tiếng mõ, giữ nhịp cho điệp từ chắp tay lạy, khiến người ta liên tưởng đến âm vang và nhịp điệu của cụm từ “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.  Kết thúc “Hương sen mầu nhiệm”, nhạc phẩm “Vang vọng ngàn năm”, âm nhạc của Phật tử Anh Quân phổ thơ của Phật tử Huy Khang, biểu diễn bởi ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Đức Tuấn và nhóm múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, biên đạo múa Hồng Phong. Bài hát ngợi ca vua Lý Thái Tổ, dưới ánh sáng của Phật pháp, đã mở ra thời kỳ phục hưng toàn diện cho đất nước. Và ánh đạo vàng của Phật Pháp đã lan toả khắp hang cùng ngõ hẻm: Chuông linh thiêng vang động/ Một ngàn năm Thăng Long/ Phút trời cao đất rộng Đi tìm dòng Lạc Hồng/ Chí bền lâu thăm thẳm/ Khung trời đầy tuệ quang. Chương trình đã khép lại, nhưng tất thảy khán giả đều chưa muốn rời ghế ngồi, ai cũng muốn được tiếp tục đắm chìm trong những điệu múa, lời ca thấm đẫm chất Phật giáo vô cùng đặc sắc mà rất ít khi khán giả thủ đô được thưởng thức trọn vẹn như vậy.               

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.