GN - Tượng đài Quách Thị Trang tại vòng xoay trước chợ Bến Thành, quận 1 mới đây được lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các ngành chức năng có phương án tạm di dời và sẽ được tôn trí tại vị trí cũ sau khi hoàn thành việc xây dựng tuyến metro đô thị Bến Thành…
Tượng đài Quách Thị Trang sẽ được tôn trí tại vị trí cũ
Những lo lắng trong lòng Tăng Ni, Phật tử, người dân TP.HCM đã được tạm lắng xuống khi thông tin tốt lành, tượng đài dũng tướng Trần Nguyên Hãn tạm di dời về Công viên Phú Lâm (Q.6) và tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang sẽ được tạm di dời đến Công viên Bách Tùng Diệp (giao lộ Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur), quận 1, trong thời gian xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Sau khi hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch chi tiết khu vực vòng xoay Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng đài Quách Thị Trang sẽ được chuyển về tôn trí tại vị trí cũ. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận trong cuộc họp ngày 19-8 vừa qua.
Tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang sẽ được tôn trí tại địa điểm cũ - Ảnh: Vũ Giang
Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, tại TP.HCM đặc biệt có hai công trình mang đậm dấu ấn Phật giáo, đó là công trình Công viên tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Công trình được xây dựng trang nghiêm, mỹ thuật gần nơi Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân ngày 11-6-1963 nhằm chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm vì sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc. Và, Công trường Quách Thị Trang, nơi tôn trí tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang, cũng là một Thánh tử đạo đã xả thân trong cuộc đấu tranh cùng sinh viên - học sinh Sài Gòn ngày 25-8-1963 khi chị mới tròn 15 tuổi. Đây có thể nói là hai địa điểm đặc biệt, chứng tích đặc biệt vì sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc, có dấu ấn sâu đậm không thể phai trong lòng công chúng, Tăng Ni, Phật tử, đồng bào trong, ngoài nước và quốc tế.
Hàng năm, tại vòng xoay Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành vào Đại lễ Phật đản, Tăng Ni, Phật tử TP.HCM thể hiện lòng tri ân đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm trước chân dung chị - liệt nữ Quách Thị Trang với sự trân trọng, tri ân sâu sắc.
Là lãnh đạo Phật giáo quận, HT.Thích Thanh Sơn, Trưởng BTS GHPGVN quận 1 cho biết: mới đây, hay tin lãnh đạo thành phố có chỉ đạo tạm chuyển tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang vào trưng bày tại Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1 và sau khi hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tượng đài sẽ được tôn trí vị trí cũ, Hòa thượng đã rất hoan hỷ. Vì lẽ, Tăng Ni, Phật tử thuộc Phật giáo quận 1 nói riêng và Tăng Ni, Phật tử, người dân trong và ngoài nước tôn vinh liệt nữ Quách Thị Trang là một Thánh tử đạo. Tượng đài Quách Thị Trang tại vòng xoay trung tâm TP.HCM hàng năm là địa điểm tâm linh đặc biệt của mọi người dân, Phật tử hướng đến, thể hiện sự tri ân và thành kính. Đó là một chứng tích chiến tranh cũng là một biểu tượng hòa bình ở thành phố Sài Gòn - TP.HCM, vốn là thành phố năng động, văn minh, nghĩa tình.
“Tôi rất vui mừng trước sự quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân của lãnh đạo TP.HCM để tượng đài Quách Thị Trang luôn tồn tại, bảo lưu được giá trị của một chứng tích lịch sử của thành phố”, HT.Thanh Sơn cho biết thêm.
Trước tin vui đó, chị Lê Thị Tịnh (pháp danh Tịnh Phúc), Liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Giác Ngạn, một người bạn cùng đoàn tham gia biểu tình với liệt nữ Quách Thị Trang năm xưa xúc động nói: “Mỗi lần đi ngang qua Công trường Quách Thị Trang, hình ảnh chị Trang bị sát hại ngày 25-8-1963 lại hiện về như mới ngày nào. Hôm nay được tin, lãnh đạo TP.HCM có chỉ đạo quy hoạch giữ lại tượng đài chị Quách Thị Trang tôn trí tại vị trí cũ, phải nói chúng tôi rất mừng vui. Tôi tin rằng, không riêng gì chúng tôi mà tất cả giới Tăng Ni, Phật tử đều rất vui mừng vì hình ảnh chị Quách Thị Trang tại Công viên Quách Thị Trang lúc nào cũng như vậy, biểu trưng cho lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và in sâu đậm trong tâm khảm của chúng tôi”.
Đề xuất thay thế chất liệu mới cho tượng đài Quách Thị Trang
Theo kế hoạch của thành phố, công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến Công viên 23-9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40m dưới lòng đất. Nhà ga metro Bến Thành được xây dựng và lắp đặt các thiết bị có công nghệ hiện đại, phục vụ hành khách đi metro, nhà ga còn tận dụng không gian ngầm làm trung tâm thương mại. Nhà ga nằm ở khu vực trung tâm thành phố nên các cửa lên, xuống nhà ga sẽ kết nối với các khu thương mại dịch vụ ở các khu vực xung quanh như chợ Bến Thành, khách sạn và các trung tâm mua sắm trên các tuyến đường lân cận.
Nhà ga sẽ có 4 tuyến metro hoạt động bảo đảm phục vụ hành khách đi lại trên các tuyến đường từ khu trung tâm đến các cửa ngõ thành phố, dự kiến cuối năm nay sẽ làm công tác sơ tuyển nhà thầu, trong năm 2015 triển khai thi công và dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Nhà ga đô thị TP.HCM trong tương lai rất sầm uất, tiện nghi cho khách đi lại và các dịch vụ mua sắm, chắc chắn công viên trước chợ Bến Thành cũng sẽ có một diện mạo mới xứng tầm trong một tổng thể được quy hoạch chi tiết. Tượng đài dũng tướng Trần Nguyên Hãn hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, sau thời gian tạm di dời chắc chắn sẽ phải trùng tu trước khi di chuyển về tôn trí tại vị trí cũ.
Đối với tượng đài Quách Thị Trang, trong thời gian qua, nhiều vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo TP đã có ý kiến đề xuất với GHPGVN nên có ý kiến với các ngành chức năng nhằm bàn bạc, có thể thay thế chất liệu mới đối với tượng đài Quách Thị Trang. Chất liệu mới của tượng đài phải có tính chất, kết cấu bền vững hơn với thời gian so với chất liệu bằng xi-măng (chất liệu hiện tại của tượng đài) và để phù hợp với tổng thể không gian mới của thành phố.