Đề xuất một vài giải pháp cho nạn bạo lực học đường

GNO - Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng thời gian gần đây có xu hướng tăng lên, tính chất phức tạp hơn...

Một bộ phận học sinh chưa nhận thức về các hành vi đúng đắn, thích thể hiện bản thân thoái quá, thiếu khả năng kiềm chế và cách ứng xử không đúng với những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Bạo lực học đường để lại nhiều hậu quả nặng nề về cả mặt thể chất, tinh thần và tâm lý.

wwdanhnhau3.jpg

Học trò đánh nhau, hiện tượng này vì sao ngày càng phổ biến? - Ảnh: Internet

Hiện tượng bạo lực học đường diễn ra trong nhà trường đang có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho thấy bạo hành đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng 7 lần, tại trường học tăng 13 lần so với 10 năm về trước. 

Những địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất là Hà Nội, Đồng Nai, Đắc Lắc, TPHCM, Tây Ninh, Bắc Giang... Hiện nay, bạo hành trong nhà trường diễn ra dưới nhiều hình thức như: giáo viên thực hiện với học sinh, học sinh với học sinh, giáo viên bị học sinh hành hung, và có những trường hợp học sinh bị bậc phụ huynh hành hung.

Một vài “tin nóng” còn đây…

Môi trường giáo dục đang báo động về sự ngược đãi học sinh. Hiện tượng trừng phạt học sinh đã xảy ra liên tục trong nhiều trường trên toàn quốc. Dư luận xã hội đang còn bất bình trước vụ việc một giáo viên trường THCS Liên Hoa (Hà Tĩnh) bắt học sinh liếm ghế, hay cô giáo bắt học sinh tụt quần và đánh cho chừa ở Vị Thanh (Cần Thơ), đến việc học sinh bị phơi nắng rồi tự vả vào mặt nhau tại TPHCM. Hay có những vụ việc rất nghiêm trọng xảy ra như cô giáo Ngô Hồng Minh đã dùng thước kẻ bảng dài 80cm, rộng 30cm đánh vào em Nguyễn Hoàng làm gãy xương sống mũi do em này nói chuyện trong giờ sinh hoạt lớp.

Giữa tháng 3 năm 2006, em Cao Thanh Tùng, lớp 8A2 THCS Hàm Cường (Bình Thuận) bị thầy Nguyễn Ngọc Trường đánh đập đến mức tay phải bị phù nề. Và còn rất nhiều những trường hợp xảy ra, nhưng hậu quả của việc thầy cô đánh đập học sinh đã để lại cho các em những ức chế tâm lý rất nặng nề.

Bên cạnh những vụ việc học sinh đánh học sinh, giáo viên đánh học sinh thì dư luận xã hội cũng đặc biệt quan tâm tới vụ việc học sinh và phụ huynh có những hành vi hành hung thầy cô giáo. Dư luận dấy lên lo ngại thật sự về môi trường giáo dục về đạo đức học sinh hiện nay. Học sinh cá biệt, học sinh vô lễ đe doạ hành hung thầy cô giáo. Có nhiều trường hợp học sinh hành hung thầy cô giáo, phụ huynh hoàn toàn tin lời con đã có những hành vi xúc phạm thầy cô.

Có những học sinh làm mất đi nhân cách, đạo đức của chính mình bằng những hành vi sai trái. Năm 2009 dư luận xã hội rất bất bình trước hành vi của sinh viên Trường ĐH Nông lâm TPHCM trước hành động tạt axit vào mặt thầy giáo dạy anh văn. Hay như thầy giáo Phạm Văn Hải (Trường THCS Thừa Đức, Bến Tre) bị học sinh Trần Văn Hậu hành hung phải nằm viện. Đấy chỉ là  hai trong số hàng trăm vụ học sinh hành hung thầy cô giáo xảy ra trong cả nước.Vấn đề đặt ra ở đây phải làm sao để giảm tình trạng bạo lực học đường diễn ra trong cả nước.

Những dư âm từ bạo lực   

Tình trạng bạo lực học đường để lại hậu quả rất nghiêm trọng tới tinh thần, thể chất tâm lý của nạn nhân bị bạo hành học đường và còn ảnh hưởng đến xã hội, nhà trường và gia đình của các em. Khi bị thầy cô, bạn bè đánh đập ảnh hưởng tới sức khoẻ, ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, có nhiều em bị sốc, bị căng thẳng dẫn tới các bệnh về thần kinh, xấu hổ với bạn bè, có những hành vi thiếu chín chắn như tự tử... Và sau đây là một vài ghi nhận về tính nghiêm trọng mà các nhà tâm lý, giáo dục, xã hội đã từng nói:

Ôi, những con số

Ngày 18-5-2009, Bộ GD& ĐT đã nhận được báo cáo về tình hình học sinh đánh nhau của hơn 50 trường trong cả nước với 800 trường hợp học sinh đánh nhau. Năm học 2009- 2010 cả nước có 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau trong nhà trường và ngoài nhà trường. Các nhà trường đã khiển trách 881, cảnh cáo 1.558 và buộc thôi học có thời hạn với 735 học sinh. Cứ 10.000 học sinh thì có 1 học sinh bị kỉ luật, khiển trách, 5.555 học sinh bị cảnh cáo; 11.111 học sinh thì có 1 học sinh bị thôi học có thời hạn vì đánh nhau.

   Thực tế cho đến nay cũng chưa có một con số thống kê cụ thể nào về các vụ bạo hành học đường, bạo hành trẻ em trong nhà trường, chỉ có những con số thống kê chưa đầy đủ trong thời gian vừa qua về các vụ bạo hành học sinh trong nhà trường. Năm 2008- 2009, cả nước có 46 giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, trong đó có 9 người bị buộc thôi việc. Cũng theo báo cáo có tới 24,5%  giáo viên đánh học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như: tát học sinh, dùng các vật dụng đánh vào người học sinh, xỉ nhục, lăng mạ xúc phạm nhân phẩm của các em... 

H.Cường tổng hợp

Bạo lực học đường làm gia tăng tính côn đồ trong nhân cách của các em, các em muốn thoã mãn và khẳng định cái tôi của mình. Hay làm cho một số em xấu hổ, chán nản dẫn tới việc các em muốn bỏ học, sợ tới trường. Khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, nhân cách của các em bị giảm sút, suy thoái đạo đức bởi có những hành vi không đúng đối với thầy cô.

Bạo lực học đường còn dễ dẫn các em rơi vào các tệ nạn xã hội do bị buộc thôi học và một số em trở nên bất cần đời và tham gia vào các băng nhóm gây rối. Nhiều gia đình có con em bị buộc thôi học do đánh nhau trong nhà trường thường bị mọi người khinh bỉ, xem thường, làm mất đi danh dự của gia đình. Khi trong nhà trường có tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp thì danh dự của nhà trường cũng bị giảm sút, chất lượng dạy và học cũng giảm xuống. 

Trường nào có giáo viên bạo hành với học sinh thì bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Tình trạng bạo lực học đường làm gia tăng tội phạm trong xã hội, các tệ nạn xã hội diễn ra ngày càng phức tạp, làm giảm chất lượng nguồn lực lao động có chất xám cao

Biện pháp nào?

Để có những giải pháp nhằm ngăn chặn và phòng ngừa nhằm giảm tình trạng bạo lực trong học đường không phải là một vấn đề dễ vì vậy cần phải có sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan ban ngành, đoàn thể giáo dục và nhà trường, gia đình. Không nên để tình trạng gia đình đổ tội cho nhà trường, nhà trường lại đổ lỗi về phía xã hội. Vì vậy cần phải có sự phối hợp giữa ba mô hình gia đình- nhà trường-  xã hội.

Đối với bản thân các em cần phải biết xây dựng kỹ năng, giá trị sống cho bản thân mình, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Biết bảo vệ minh trước hành vi không đúng của thầy cô và các bạn. 

Bản thân các em cũng cần phải xác định rõ mục tiêu lý tường sống cho mình, bết trân trọng danh dự chính mình, tức là biết những hành động đúng sai. Cần rèn luyện đạo đức, kỹ năng, nhân cách làm người. 

Các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm tới con cái nhiều hơn, quan tâm tới mối quan hệ bạn bè của con mhưng không phải là sự áp đặt mà cần phải có những cuộc nói chuyện với con như những người bạn, tâm sự, chia sẻ với con mọi chuyện, nhất là những em đang trong lứa tuổi dậy thì. Xây dựng môi trường gia đình lành mạnh, thân thiện và phát huy tính dân chủ trong gia đình. Cha mẹ cũng chính là những tấm gương để con học tập và noi theo nên cũng cần phải có những hành động trước con trẻ một cách đúng đắn.

Các bậc cha mẹ cũng nên thường xuyên phối hợp với nhà trường quan tâm tới chuyện học tập của con, và nhưng mối quan hệ bạn bè để có sự điều chỉnh hợp lý. Nhà trường cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách hơn nữa, phải hiểu rõ tâm sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, rèn luyện các kĩ năng ứng xử, giảm tải các chương trình học thay vào đó là những giờ học ngoại khoá các hoạt động vui chơi, giao lưu bổ ích cho học sinh.

tu van tam ly.JPG

Tư vấn tâm lý cho học sinh là điều cần thiết - Ảnh minh họa

Cần phát triển mô hình tư vấn tâm lí cho học sinh trong các nhà trường nhằm tư vấn và tháo gỡ kịp thời những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình giao tiếp.  Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện phát huy tính tích cực của học sinh, phát huy hơn nữa vai trò của giáo viên chủ nhiệm, đó là bám sát lớp để có những biện pháp can thiệp phù hợp khi có vấn đề xảy ra giữa các em.

Để giảm tình trạng giáo viên đánh đập học sinh nhà trường cần phải thay đổi nhận thức của giáo viên là "thương cho roi cho vọt". Cần phải có những chương trình tập huấn về phương pháp dạy học và trang bị các kĩ năng ứng xử cho giáo viên.  Bản thân các thầy cô cũng cần phải trang bị kỹ năng kiến thức cho bản thân mình. Cần phải xây dựng những số điện thoại nóng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực học đường. Ngành giáo dục cũng cần phải có những nỗ lực trong đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngay trong quá trình học tập, rèn luyện và đào tạo…. có như thế mới tạo nên một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở và phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh.

Bài vở tham gia diễn đàn "Thao thức với bạo lực" vui lòng gửi về địa chỉ email: bandocgiacngo@gmail.com. Những bài được chọn đăng sẽ được tặng một món quà ý nghĩa từ Giác Ngộ. Xin trân trọng chào đón những chia sẻ của quý bạn đọc!

Giác Ngộ Online 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.