GN - Với mục đích xây dựng hình thái về kinh doanh và phát triển doanh nghiệp theo hướng mới, vững bền trên nền tảng những giá trị, đạo đức Phật giáo, cuối tuần qua, Vương quốc Bhutan đã tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Tổng hạnh phúc quốc gia, diễn ra tại thủ đô Thimphu, với chủ đề “Tổng hạnh phúc quốc gia của mô hình kinh doanh”
Hơn 400 khách mời tham gia diễn đàn
Hơn 400 khách mời, các vị lãnh đạo Phật giáo đã có mặt tại diễn đàn này, trong đó có 200 đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp, học giả đến từ 27 quốc gia khác nhau. Đây là cơ hội để toàn thể đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, hướng tiếp cận và nêu ý kiến về khả năng, trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong xu thế toàn cầu hóa.
Thế giới đang đối mặt với nhiều tác động gia tăng bởi chính hành động của con người gây ra như: biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, ô nhiễm và ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống sinh thái và sinh hoạt của các loài động vật - tất cả bắt nguồn từ việc tiêu thụ không kiểm soát. Chính vì lý đó, các phiên thảo luận nhắc lại rằng cách tiếp cận truyền thống về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp là không phù hợp so với những tác động xấu mà hoạt động thương mại gây ra.
Bhutan là một quốc gia theo truyền thống Phật giáo Kim Cang thừa, tọa lạc trên ngọn Himalaya cao chót vót, giữa 2 quốc gia to lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Với dân số chỉ gần 800.000 người, Bhutan có kinh nghiệm sâu sắc trong việc điều hành và phát triển kinh tế gắn với các yếu tố vững bền trong khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia”.
Hội thảo diễn ra trong ba ngày, được khai mạc bởi Thủ tướng Bhutan Dasho Tshering Tobgay, trong đó nhấn mạnh việc quyết tâm thực hiện ý tưởng chuyển tải các giá trị đạo đức kinh doanh, lấy lời dạy của Đức Phật làm gốc, vào thế giới doanh nghiệp.
“Xu hướng sử dụng triệt để các nguồn lực con người và xã hội để phát triển kinh tế có thể gây ra xung đột, dẫn đến những bất ổn vì các bên liên quan không đồng lợi ích và không chia sẻ những kết quả của sự phát triển”, thủ tướng Tobgay khẳng định.
Thủ tướng Bhutan Dasho Tshering Tobgay
Thủ tướng Bhutan nói thêm: “Trong quan điểm của đạo Phật, doanh nghiệp là trụ cột quan trọng của xã hội, cần những đáp ứng và thừa hưởng theo lẽ công bằng để đảm bảo hạnh phúc lâu dài. Việc doanh nghiệp tích hợp tư tưởng Phật giáo và khái niệm tổng hạnh phúc quốc gia không chỉ để thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và môi trường mà còn là cách để làm cho họ trở nên thịnh vượng vững bền”.
Đất nước nhỏ bé, nằm biệt lập trên dãy núi Himalaya này được biết đến như là một nơi theo triết lý Tổng hạnh phúc quốc gia - khái niệm lần đầu tiên được giới thiệu bởi vị vua đời thứ 4 của Bhutan, Jigme Singye Wangchuk. Khái niệm này bắt nguồn từ tư tưởng và văn hóa Phật giáo truyền thống.
Nhân hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ Bangladesh, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Mỹ, Argentina, Peru… cũng đưa ra các khái niệm, cách tiếp cận của sự phát triển vững bền tương tự mô hình Tổng hạnh phúc quốc gia để thúc đẩy sự điều chỉnh từ giới kinh doanh.
Bảo Thiên (theo Asia One)