Để phát triển, Phật giáo Khánh Hòa cần trẻ hóa nhân sự

Giác Ngộ - Khánh Hòa là tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ V sớm thứ hai của cả nước (sau tỉnh Quảng Ngãi). Trước thềm đại hội, PV Giác Ngộ đã gặp gỡ và ghi nhận những suy nghĩ, trăn trở của một số đại biểu trẻ. Xin giới thiệu cùng độc giả.
Thich Thien Phuoc.JPG
* ĐĐ.Thích Thiện Phước, sinh năm 1971, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng nhiệm kỳ IV: “Nên tin tưởng cơ cấu nhiều Tăng Ni trẻ”Trong nhiệm kỳ V của BTS THPG Khánh hòa, với tinh thần “tiếp dẫn hậu lai”, chư tôn đức lãnh đạo BTS nên tin tưởng cơ cấu nhiều Tăng Ni trẻ vừa tốt nghiệp các trường Phật học và thế học trong nước cũng như ở nước ngoài vào thành viên BTS và các ban chuyên ngành trực thuộc. Là một Tăng trẻ trong BTS, chúng tôi luôn mong ước được sự chỉ giáo của chư tôn đức lãnh đạo, cùng quý Tăng Ni trẻ vừa được bầu vào Ban Trị sự, với những kiến thức vừa được tiếp nhận, chúng tôi cùng nhau nỗ lực vào các công tác mà tỉnh hội giao phó.Phật pháp là tùy duyên, đất nước đang trên đà phát triển, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ cố gắng hòa cùng sự tiến triển của xã hội, làm cho Phật sự của tỉnh nhà ngày thêm mới và phát triển mạnh hơn. 
Thiich Dao Quang.JPG
* ĐĐ.Thích Đạo Quang, sinh năm 1977, Phó Hiệu trưởng Trường TCPH Khánh Hòa: “Cần trẻ hóa Phật giáo” Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo Giáo hội đại đa số là các bậc cao niên lạp trưởng, vốn đã trải qua thời gian dài chăm lo Phật sự, đóng góp và cống hiến rất nhiều tâm sức cho con thuyền đạo pháp. Chúng tôi nghĩ để có kế hoạch hướng đến tương lai, chư tôn đức lãnh đạo nên tạo cho lớp Tăng Ni trẻ kinh nghiệm làm việc trước khi chính thức đưa vai gánh lấy trọng trách mà các ngài giao phó.Chúng ta đã nghe nhiều về chủ trương trẻ hóa trong Giáo hội. Theo tôi, trẻ hóa được thể hiện qua bốn khía cạnh:Trẻ hóa nhân sự: Ấn định tuổi đời, tuổi hạ ở mức độ nào đó cho các vị lãnh đạo Giáo hội. Giáo hội không nên bắt các bậc cao niên đảm trách công việc nặng nhọc, trong khi hàng loạt Tăng Ni trẻ được đào tạo ra rồi bỏ ngỏ, không sử dụng, lãng phí thừa về quỹ thời gian và tâm lực của tuổi trẻ.Trẻ hóa cách làm việc: Ở cấp Trung ương, trên Hội đồng Trị sự có Hội đồng Chứng minh. Vậy thì ở cấp tỉnh thành, ngoài Ban Trị sự cũng nên có Ban Chứng minh. Ban này thành phần là các bậc cao niên thạc đức sau một thời gian cống hiến tâm sức cho Giáo hội, làm chỗ nương tựa tâm linh và đạo lực cho thế hệ điều hành được “trẻ hóa”. Ban này phải có giáo quyền thật sự, có ý kiến và quyền thay đổi nhân sự của bộ phận lãnh đạo sau mỗi nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cơ cấu và phương pháp làm việc cũng cần nâng cấp cho bắt kịp đà tiến của thế giới hiện đại. Bộ phận điều hành Phật sự không nên quá cồng kềnh, nhiều nhân sự chồng chéo nhau mà chưa thực hiện hết chức năng của mỗi ban, ngành. Lãnh đạo Giáo hội theo kiểu “trẻ” thì cần phải ít người, ít lý thuyết, mà lợi ích nhiều, hiệu quả cao.Trẻ hóa đối tượng: Đối tượng của hoằng pháp, đối tượng của giáo dục, đối tượng của văn hóa… cần chú ý đến tuổi trẻ. Đã có nhiều ý kiến nói nhiều về Phật giáo đối với tuổi trẻ, nhưng thực tế những ý kiến ấy vẫn chưa được thực hiện, có chăng là một số địa phương, một số tổ chức có sáng kiến như chùa Hoằng Pháp, chùa Bằng, Câu lạc bộ Hoằng pháp trẻ, v.v... chứ việc hướng đến tuổi trẻ vẫn chưa được khái quát hóa ở địa phương Khánh Hòa. Nó vẫn còn là cái gì đó quá xa lạ. Trẻ hóa cách diễn đạt, giới thiệu Phật pháp: Ba yếu tố trên là cần thiết, cấp bách. Cách giới thiệu, diễn đạt, hướng dẫn Phật pháp cũng cần được “trẻ hóa”. Có người nói: “Chúng ta không cần hiện đại hóa Phật giáo, mà chúng ta nên hiện đại chính mình để bắt kịp Phật giáo”. Trẻ hóa Phật pháp ở đây chính là kế hoạch lâu dài, triển khai Phật pháp trên diện rộng và hoàn toàn mới mẻ. Cần loại bỏ những hình thức cũ kỹ như Tăng sĩ chỉ biết cúng kiếng; các thời lễ chỉ có cầu an, cầu siêu mà không có cầu giải thoát, cầu định huệ; kinh sách quá nhiều thần chú, Hán ngữ, đôi khi lạm dụng thuật ngữ Đại thừa, khó cảm nhận, huống gì là “tiêu hóa” đối với tuổi trẻ chưa biết hoặc mới biết đạo.
nhat hieu.jpg

* ĐĐ.Thích Nhật Hiếu, sinh năm 1968, Chánh Thư ký Ban Giáo dục Tăng Ni, Phó ban Hướng dẫn Phật tử Khánh Hòa: “Nhân sự cần có năng lực và uy tín hơn”
Nhiệm kỳ V (2011-2016) Phật giáo Khánh Hòa cần đẩy mạnh các hoạt động bằng nhiều phương thức thông thoáng lồng ghép các phương thức và điều kiện tổ chức như: hoạt động phong trào, các hoạt động văn - thể - mỹ thu hút công chúng, chương trình hoạt động thường xuyên (tu học, văn hóa, giáo dục, khuyến học, hướng nghiệp…); hoạt động gắn kết: tương thân, tương trợ…Hy vọng, Đại hội PG tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ V sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trước đây, kết hợp tốt công tác Phật sự quảng bá để phụng đạo giúp đời, xây dựng được hoạt động Giáo hội phong phú và khởi sắc hơn. Muốn vậy, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ V cần phải có sự đổi mới ở một số điều kiện mấu chốt như: quan điểm thông thoáng, nhân sự có uy tín và năng lực hơn. Tôi ước nguyện Phật giáo Khánh Hòa phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, xây dựng một “trung tâm tu tập” cho Phật tử toàn tỉnh và các miền phụ cận. Bên cạnh các hoạt động tập trung mang tính diễn đàn, cần quảng bá Phật pháp theo phương châm “phủ kín địa bàn”, như ông bà ta thường nói: “Gần sông tắm mát, gần chùa nghe kinh”, các tự viện phải phát huy tính hiệu quả với vai trò “Mái chùa che chở hồn dân tộc”, và Tăng Ni là bậc thầy mô phạm hướng dẫn thực hành tâm linh, đạo đức, là người thầy trí thức của Phật tử tại gia, được vậy, mới đáp ứng nhu cầu của xã hội yêu cầu ở Phật giáo và xứng với truyền thống Phật giáo - dân tộc nhiều thế kỷ qua.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.