Để blouse trắng đượm tình thương...

GNO - Ngày 24-4-2009, tờ Người Lao Động đưa tin, Việt Nam chỉ có 6,5 bác sĩ trên 10.000 dân. Trong khi đó, cũng bản tin này, cho biết Philippines, Trung Quốc, Brunei, Singapore có ít nhất khoảng 15-20 bác sĩ trên 10.000 dân.

1 nghe y.jpeg
Bác sĩ là bạn của bệnh nhân - Ảnh minh họa


Một thông tin khác, trên tờ Năng Lượng Mới ngày 5-11-2013 cho hay, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân còn quá thấp với 6 bác sĩ trên 10.000 dân. Trong khi các nước láng giềng như Philippines, Trung Quốc, Brunei, Singapore có tới 15-20 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ dược sĩ cũng chỉ đạt mức gần 1 dược sĩ trên 10.000 dân. Còn y tá mới chỉ dừng ở con số 1,5 y tá/ bác sĩ, mà yêu cầu đảm bảo chất lượng điều trị cần phải có 2-4 y tá/bác sĩ.

Còn tờ Tuổi Trẻ cuối tuần trong bài Đào tạo bác sĩ y khoa: Phẩm chất phải ưu tiên hàng đầu (đăng lại trên TTO ngày 28-9-2013) nêu con số: "Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam cứ 10.000 dân thì có 12 bác sĩ. Con số này tương đương (hoặc cao hơn) so với Thái Lan và Malaysia nhưng thấp hơn so với các nước châu Âu (khoảng 40 bác sĩ/10.000 dân)".

Đọc những thông tin ấy, có thể thấy, số lượng bác sĩ ở Việt Nam trên 10.000 dân thấp hơn nhiều nước (dẫu có tăng nhưng chậm), đó là điều đáng băn khoăn cho vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân. Cụ thể, chất lượng sống không tốt bằng đối với các nước có tỷ lệ bác sĩ cao hơn.

Tạm gác hệ quả tất nhiên ấy để thấy một chuyện khác, là áp lực của bác sĩ Việt Nam, chắc chắn sẽ cao hơn bác sĩ ở các nước khác, vì mỗi bác sĩ sẽ phải phục vụ nhiều hơn nhiều lần số bệnh nhân.

Nếu so sánh ở điểm này, có thể chúng ta sẽ cảm thông cho những điều chưa được - thuộc về thái độ ân cần đối với bệnh nhân vì bác sĩ Việt Nam bị chi phối bởi lỗi khách quan là áp lực nặng nề từ công việc. Thực ra, mỗi người chỉ có thể đảm trách tốt công việc trong giới hạn cụ thể nào đó của số lượng công việc giải quyết, nếu hơn, có thể người ấy sẽ không còn giữ được năng lực, tinh thần như cũ, dẫn tới phản ứng tiêu cực.

Đương nhiên, đó chỉ là một trong những lý do dẫn tới thiếu chu đáo, nhưng để đi đến kết quả ấy, có khi còn là áp lực hoa hồng từ các hãng dược đã đẩy bác sĩ tới chỗ kê toa thuốc, bắt bệnh nhân phải mua những loại thuốc mà đôi khi không nhất thiết phải uống vẫn được. Đó là nỗi đau thuộc về y đức mà chính người làm nghề y đã tự đánh mất bản thân, dẫu có khi hành động ấy không được phanh phui trên báo chí.

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, trên cộng đồng mạng Facebook chia sẻ suy nghĩ rằng: "Khi người làm nghề y (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng...) đã chịu kê đơn thuốc lãnh hoa hồng, hoặc đẩy mạnh tay với bệnh nhân để được nhận lót tay bồi dưỡng hoặc chích đau để được "bôi trơn" chích nhẹ nhàng... thì khi ấy người đó đã đánh mất phẩm chất làm nghề - một "bệnh nhân" mặc blouse trắng "xuất hiện". "Bệnh nhân" ấy cần phải được chữa trị, nếu không sẽ dùng dao mổ, toa thuốc, kim tiêm... "giết chết" nhiều người bệnh, thay vì thực hiện chức năng cứu người".

Đó là một suy nghĩ thú vị, tất nhiên không phải là tất cả, nhưng "con sâu" có thể "làm rầu nồi canh", huống hồ ngày càng có nhiều "sâu" thì làm sao không lấy đi niềm tin từ xã hội.

Sự hồ nghi về y đức cũng như nỗi ám ảnh lót tay, hoa hồng... cùng bao nỗi sợ trước những khuôn mặt thiếu vắng nụ cười của người làm nghề y được xếp chung trong nỗi buồn tha hóa đạo đức mà dư luận lo lắng, ngay cả trên nghị trường cũng được nhiều đại biểu băn khoăn, nhất là sau sự việc bác sĩ Tường ở Hà Nội gây ra vụ "thẩm mỹ Cát Tường" hồi cuối năm ngoái.

Nhưng, nói gì thì nói, ở hàng ngũ áo trắng blouse ấy cũng còn không ít tấm lòng tận tụy, hiến dâng cho đời những việc làm cao đẹp, gần gũi, thương yêu bệnh nhân. Không đâu xa, trong các hoạt động từ thiện Phật giáo thường có không ít bác sĩ nhín thời gian nghỉ để đi khám bệnh từ thiện cho bà con vùng sâu, vùng xa... Không ít những câu chuyện "lương y như từ mẫu" vẫn hiện diện đó đây trên trang báo - như một liệu pháp tinh thần xua đi những nỗi bất an, hồ nghi có vẻ đang lớn dần trong xã hội.

Nói như anh bạn bác sĩ của tôi nhân Ngày Thầy thuốc VN, 27-2 này thì mỗi người làm nghề tự thắp lửa tâm, giữ mình trong sạch để không chỉ chữa lành bệnh cho người thông qua y thuật, mà còn bằng y đức có thể xoa diệu nỗi lo lắng, xóa tan mặc cảm bệnh tật, nỗi đau tinh thần của bệnh nhân - những "người ơn" của mình, vì dù gì, họ cũng là khách hàng, là đối tượng để mình làm nghề, mưu sinh.

"Đó cũng là giữ tâm hồn mình trong sáng, khỏe mạnh, không để đồng tiền thành vũ khí giết chết lương tâm", anh nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.