Tháng giêng là tháng của đất trời giao hòa, tháng của lễ hội, tháng của những cuộc hành hương để lòng thanh thản, bình an. Chuyến hành hương đất Phật Kinh Bắc trong tiết mưa xuân hây hẩy…
Kinh Bắc không chỉ được xem là miền đất cội gốc của nước Việt mà còn là cái nôi của Phật giáo. Thứ tôn giáo đã thẫm đẫm vào nguồn mạch dân tộc. Quốc lộ 181 đưa chúng tôi đến Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam, khi các vị thiền sư từ đất nước Ấn Độ xa xôi lần đầu tiên đặt chân và thuyết giảng trên đất Luy Lâu. Bóng dáng của chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp do trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thiết kế đã chìm khuất sau bao giông gió của thời cuộc nhưng những gì còn sót lại cũng đủ khiến ta bồi hồi.
Tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, trên khuôn mặt toát lên màu đồng hun hay màu của thời gian chuyển luân. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Apsara Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc nơi Huyền Trang đi thỉnh kinh.
Giữa sân chùa, Tháp Hòa Phong vươn cao giữa trời xanh. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Có câu thơ lưu truyền dân gian: Dù ai đi đâu về đâu/Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về. Trong tháp, treo một quả chuông đồng và một chiếc khánh được đúc cách đây hơn hai trăm năm.
Cách chùa Dâu chừng 2km, men theo con đường nhỏ hướng ra bờ đê sông Đuống, chúng tôi tìm đến Chùa Bút Tháp. Chùa nổi tiếng với sư trụ trì là Hòa thượng Chuyết Chuyết, người Phúc Kiến sang Việt Nam thuyết giáo. Tương truyền dưới thời Tự Đức khi nhà vua tuần du qua đây thấy có một cây tháp đá hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp.
Mái chùa Bút Tháp
Đến chùa Bút Tháp, người ta không thể không nghiêng mình trước pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật. Ánh mắt thư thái, quảng đại của Đức Phật như thấu suốt mọi nỗi buồn phiền của chúng sinh.
Gần như nằm trên một đường thằng và chỉ cách nhau chừng 2km nhưng từ chùa Bút Tháp để đến được chùa Phật Tích người ta phải vòng qua cầu Hồ hoặc đi đò qua sông Đuống.
Chùa Phật Tích nằm ở sườn phía Nam núi Lạn Kha. Sân chùa dưới những gốc cây là những vạt cúc vàng đang khoe sắc nhưng ngày xưa xửa đây là vườn hoa mẫu đơn, nơi xảy ra câu truyện Từ Thức gặp tiên. Trước đây chùa mở hội Hoa Mẫu Đơn hàng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng để nhân dân xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ.
Những pho tượng có tuổi đời nghìn năm
Pho tượng ngọc nguyên khối với những vết tích từ thời chiến tranh Pháp còn sót lại
Hai bên chùa có 10 tượng thú bằng đá cao 10 m, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa, mỗi loại hai con, nằm trên bệ hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn. Nhưng quan trọng nhất là pho tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh ngồi thiền định trên tòa sen đặc trưng của mỹ thuật thời Lý.
Con đường lên đại phật tượng vi vu trong tiếng gió giữa rừng thông. Tượng có chiều cao 27m, nặng hơn 30000 tấn, đặt ở độ cao 108m so với mặt nước biển-con số thiêng của Phật giáo-có thể quan sát thấy từ cách xa hàng cây số.
Nghiêng mình trước tượng Phật, ta thấy lòng thư thái, bình an như mọi ưu phiền tan biến. Những ca từ trong bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm như muốn níu chân kẻ “tín đồ” trước ngưỡng cửa phật gia: Về Kinh Bắc phải đâu em nhắm mắt/Gài mảnh gương giàn thiên lí đợi tua rua/Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch/Tượng Quan Âm má ửng bồ quân…