Để từ đó, các MC Phật giáo có thể điều phối chương trình một cách hiệu quả nhất, góp phần truyền tải Phật pháp rộng rãi đến với đông đảo người tham dự.
Khóa đào tạo “MC Phật giáo” đầu tiên
Cứ vào thứ 7 hàng tuần, các học viên Khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” do Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức lại trở về tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) để lắng nghe chư tôn đức, người dẫn chương trình, giảng viên, nhà báo… chia sẻ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cũng như kinh nghiệm về vai trò của người dẫn chương trình một cách tự tin trước công chúng.
Phật tử Nguyễn Minh Hương |
Phật tử Nguyễn Minh Hương, một người dẫn chương trình chuyên nghiệp, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Golden, thành viên Ban Giảng huấn, đã chia sẻ: Đối với chị, được đóng góp điều gì đó cho các thầy cô, cho đạo Phật là việc làm mà bản thân rất mong đợi và hạnh phúc. Chị cho biết thêm trước đây cũng từng tham gia các hội thảo, lớp giảng dạy, workshop trao đổi kiến thức về truyền thông, kỹ năng dẫn chương trình đến các tu sĩ Phật giáo. Vì vậy, khi được Thượng tọa Thích Trí Chơn mời về tham gia xây dựng chương trình cho khóa học, chị hưởng ứng ngay. Sau đó chị còn mời bạn bè, đồng nghiệp tham gia chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm dẫn chương trình tại khóa học này.
“Có nhiều kiến thức về dẫn chương trình mà các học viên có thể tham khảo, và cũng có những điều nghe chỉ để biết vì chúng không phù hợp đối với các chương trình Phật giáo. Tuy nhiên, những vấn đề mà các giảng viên chia sẻ có thể cung cấp thêm các góc nhìn về công việc này, các thầy cô có thể vận dụng để truyền tải thông điệp Phật giáo đến với mọi người một cách hiệu quả hơn”, chị Minh Hương nhấn mạnh trong một buổi nói chuyện với các học viên.
Thượng tọa Thích Minh Quang |
Là người dẫn chương trình quen thuộc trong các sự kiện lớn của Giáo hội, Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký, Phó Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình cũng tham gia chia sẻ những điều cần lưu ý đối với người dẫn chương trình Phật giáo đến các học viên. Bằng những kinh nghiệm tự thân, Thượng tọa hướng dẫn các học viên vận dụng những phương pháp thiền định hơi thở, để qua đó giúp bản thân người dẫn chương trình bình tĩnh, làm chủ bản thân hơn khi điều phối chương trình.
Nhận định về khóa đào tạo đặc biệt này, Thượng tọa cho rằng đây là một khóa học thiết thực và ý nghĩa, bởi người dẫn chương trình Phật giáo không chỉ là người điều phối dẫn dắt một chương trình mà thông qua đó góp phần chuyển tải thông điệp Phật pháp, lan tỏa các nội dung ích đạo lợi đời đến với công chúng.
“Muốn làm tốt việc này thì các vị dẫn chương trình phải được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng, kinh nghiệm khi cầm micro, từ đó tạo nên sức lan tỏa rộng hơn khi truyền bá Phật pháp, thu hút mọi người đến với Phật giáo nhiều hơn”, Thượng tọa nói thêm.
Với thời gian đào tạo 12 buổi, có sự tham gia của chư tôn đức, người dẫn chương trình chuyên nghiệp, giảng viên, nhà báo… có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dẫn chương trình phụ trách truyền đạt kiến thức.
Nội dung nhằm trang bị cho học viên các kỹ năng cơ bản về nghệ thuật dẫn chương trình lễ hội Phật giáo. Những kiến thức cơ bản đó sẽ giúp trau dồi nghị lực và đạo lực cho Tăng Ni, Phật tử vững chãi trước hội chúng đông người, đủ kinh nghiệm để điều khiển một chương trình lớn trong hoạt động, sự kiện văn hóa của Giáo hội. Sau khi hoàn thành khóa học và đạt yêu cầu, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ của khóa đào tạo lần đầu tiên do Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức.
MC Phật giáo - người truyền tải đạo vào đời
Sư cô Thích nữ Huệ Giác |
Biết được thông tin về khóa đào tạo trên báo Giác Ngộ, là một trong 150 học viên được chấp thuận được tham dự khóa đào tạo, Sư cô Thích nữ Huệ Giác (TP.HCM) bày tỏ sự thích thú với nội dung của chương trình. “Tôi rất thích những kiến thức về dẫn chương trình được các giảng viên chia sẻ trong các buổi học, nhờ vậy mà bản thân thấy tự tin hơn khi đứng trước công chúng. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, tôi sẽ vận dụng thực hành những điều đó trong các sự kiện tại chùa", Sư cô Huệ Giác nói.
Trú xứ tại tỉnh Phú Yên xa xôi tuy nhiên Sư cô Thích nữ Kiều Tuệ Quang vẫn đều đặn tham dự các buổi học vào mỗi thứ 7 hàng tuần. Sư cô cho biết bản thân từ lâu đã mong muốn tham gia một khóa học như vậy, nhưng từ trước đến nay chưa từng có một khóa đào tạo về lĩnh vực này dành cho Tăng Ni. Bản thân có thể đăng ký học ở bên ngoài nhưng nhận ra những kiến thức đó chỉ phù hợp với xã hội, chứ không áp dụng được đối với các chương trình tôn giáo.
Sư cô Thích nữ Kiều Tuệ Quang |
Cũng theo sư cô thì mặc dù mới học được 7 buổi nhưng bản thân học hỏi thêm rất nhiều kiến thức mới từ các vị trong Ban Giảng huấn. Điều đó không chỉ giúp bản thân tự tin hơn trong việc cầm micro điều phối chương trình, cũng như cách tổ chức sự kiện Phật giáo mà còn có thể mang ra áp dụng trong việc quản lý ngôi chùa của mình, thu hút Phật tử tham gia các sự kiện.
“Đại lễ Phật đản tới đây, bản thân tôi sẽ mang tất cả những kiến thức được học để tổ chức một chương trình chỉn chu, đầy đủ ý nghĩa và có thể truyền bá được Phật giáo rộng rãi đến nhiều người tại địa phương hơn”, Sư cô Tuệ Quang chia sẻ về dự định sau khi hoàn thành khóa học.
Không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản của người dẫn chương trình mà khóa đào tạo còn giúp các học viên nhận thức được đặc thù riêng của một người MC trong các sự kiện Phật giáo. Làm sao để vận dụng những kiến thức đã học mà không quá cứng nhắc hay tránh tình trạng lạm dụng tính hoạt náo dẫn đến mất đi sự trang nghiêm trong các sự kiện Phật giáo, cũng như hướng dẫn các học viên sử dụng chánh ngữ và chánh tư duy, để mang lại kết quả cao nhất cho một người dẫn chương trình.
Cư sĩ Quảng Đức Chí |
Với cư sĩ Quảng Đức Chí thì mặc dù đã tham gia nhiều khóa đào tạo MC bên ngoài xã hội nhưng đây là khóa đào tạo đặc biệt đối với anh. Khóa học giúp anh nhận ra rằng “ngoài kiến thức, năng lực chuyên môn thì nội lực tự thân là điều mà một người dẫn chương trình Phật giáo bắt buộc phải có”.
Nội lực đó được xây dựng qua quá trình tu tập, thực hành những điều Phật dạy hàng ngày để tâm mình thật sự định tĩnh, lúc đó cầm micro mới có thể nói ra những lời nhẹ nhàng, truyền tải giáo lý của Đức Phật đến với người tham dự sự kiện một cách hiệu quả nhất.
Thượng tọa Thích Trí Chơn |
Trong nhiều năm qua, Phật giáo có nhiều người dẫn chương trình nhưng lại thiếu kỹ năng, vận dụng quá cứng nhắc, chú trọng đến tính hoạt náo nhiều hơn, làm mờ nhạt chất đạo khi dẫn chương trình các sự kiện Phật giáo. Bên cạnh đó, các sự kiện trong Phật giáo rất nhiều vì vậy nhu cầu đào tạo người dẫn chương trình là cần thiết hơn bao giờ hết.
Sau khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình ngắn hạn do Ban Văn hóa T.Ư tổ chức vào cuối năm 2019, khóa đào tạo “MC Phật giáo” lần đầu tiên do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chỉ đạo Ban Văn hóa GHPGVN tổ chức tại tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni trẻ mà còn mang ý nghĩa đào tạo đúng nghĩa, với các vị giảng viên của Giáo hội, Đài Truyền hình, các tổ chức sự kiện và chuyên gia về đào tạo người dẫn chương trình.
“Đây chỉ là khóa đào tạo cung cấp những thông tin cơ bản, còn nếu muốn thực hiện tốt thì phải có thêm một vài khóa nâng cao để thực tập. Tùy thuộc vào sự chỉ đạo của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM mà thời gian tới Ban Văn hóa theo đó thực hiện, giúp cho Giáo hội có được lực lượng kế thừa, cũng như góp phần tạo nên một người dẫn chương trình biết truyền tải chất đạo đến với người tham dự trong tất cả các sự kiện Phật giáo”, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức khóa đào tạo chia sẻ.