Dấu ấn Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức

 GN - Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tọa lạc trên giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM  đã được khánh thành 3 năm qua, là một trong những công trình văn hóa tâm linh quan trọng của TP.HCM, đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc đối với Tăng Ni, Phật tử. Công trình được Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện từ năm 2005 để ghi nhận sự xả thân của HT.Thích Quảng Đức trong cuộc đấu tranh vì đạo pháp, vì hòa bình, vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Công trình hoàn thành sau 3 năm thi công.

8.jpg
Dáng người ngồi "một thiên thu tuyệt tác"

Một công trình của nhiều công sức, tâm nguyện và lòng kính ngưỡng

Nói về Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tọa lạc tại số 70-72 đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM hiện nay, HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM cho biết: “Trước hết, công trình Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức đang hiện diện giữa trung tâm quận 3, TP.HCM ngày nay nếu chỉ Phật giáo thôi thì khó thực hiện được. Phải nói rằng, Phật giáo thành phố rất biết ơn Thành ủy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các ngành chức năng trực tiếp thực hiện, đặc biệt là ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đã trực tiếp chỉ đạo công trình với sự nhiệt tâm, nhiệt tình để công trình mang dấu ấn lịch sử này hoàn thành đúng như nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử cả nước”.

4.jpg

HT.Thích Thiện Tánh nhớ lại những ngày đầu năm 2005, Phật giáo thành phố biết được chắc chắn về dự án xây dựng Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức của Thành ủy, UBND thành phố, phải nói rằng đó là một tin vui của tất cả Tăng Ni, Phật tử. Tin vui đồng thời với sự lo lắng, đặc biệt là thời gian đầu công tác đền bù giải tỏa gặp không ít khó khăn. Bởi, năm 2005, UBND TP.HCM đã quyết định chọn mặt bằng Trạm xăng dầu số 70-72 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 thuộc Tổng Công ty Xăng dầu khu vực II và kho của Công ty Kho bãi thành phố, với diện tích 1.848m2, gần nơi Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân, để triển khai xây dựng công trình đài tưởng niệm.

Là người thay mặt Thành hội Phật giáo gắn với công trình ngay từ đầu, HT.Thích Thiện Tánh đã bám sát những giai đoạn thực hiện dự án này. Thời điểm lúc bấy giờ tại số 70-72 là vị trí của trạm xăng có doanh thu rất cao. Theo HT.Thích Thiện Tánh, ông Nguyễn Thành Tài đã từng tâm sự về diễn biến trong quá trình trao đổi đền bù giải tỏa, UBND TP từng đề nghị đổi vị trí đất cơ sở bằng 8 địa điểm ở nơi khác nhưng người đại diện Trạm xăng vẫn không đồng ý. Trải qua nhiều cuộc thuyết phục, trao đổi về ý nghĩa công trình của Thành ủy thì công tác di dời cây xăng mới thành công (tháng 6 năm 2007).

6.jpg
Lễ khánh thành tượng đài Bồ-tát cách nay 3 năm

Cũng trong năm 2007, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng Thành hội Phật giáo thành phố thực hiện việc chuẩn bị nội dung, tổ chức cuộc thi và chọn được mẫu tượng đài, phù điêu đoạt giải để thực hiện công trình từ ngày 6-11-2007.

Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức được hình thành từ biết bao tấm lòng, ở một góc ngã tư lịch sử, giờ đã là công viên xanh, một điểm văn hóa - tâm linh thiêng liêng của thành phố sôi động vào bậc nhất của cả nước này. Ngày ngày dòng người đi qua và được chiêm bái vẻ đẹp tâm linh sâu lắng của hình tượng Bồ-tát được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 6m, nặng 12 tấn; tấm phù điêu dài 16m, cao 3m, mô tả sinh động phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị Phật giáo, bảo vệ Chánh pháp năm 1963 của Tăng Ni, Phật tử. Toàn bộ các hạng mục bao quanh khu tượng đài gồm: Tượng đài, thảm cỏ, hồ sen, cây xanh... được xây dựng trên diện tích 1.850m2, thi công trong 3 năm với kinh phí đầu tư hơn 23 tỷ đồng.

Dấu ấn tâm linh của thế kỷ

Tại lễ khánh thành Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM (lúc bấy giờ) phát biểu trước Tăng Ni, Phật tử. Ông đã bày tỏ lòng tin tưởng rằng, hình ảnh sống động của Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và giáo dục tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của các thế hệ đi sau về một thời kỳ đấu tranh anh dũng nhưng hào hùng của dân tộc.

2.gif
Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức được chiếu sáng về đêm

“Chính từ ngọn lửa thiêng của Bồ-tát đã làm thổi bùng lên tinh thần đấu tranh dũng cảm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử và bao lớp người yêu nước, thúc đẩy phong trào cách mạng ở miền Nam thu đạt nhiều thắng lợi to lớn, giòn giã. Ngọn lửa Đại hùng lực, Đại từ bi của Ngài và hàng hàng lớp lớp chư Thánh tử đạo trong thời điểm lịch sử này đã góp phần quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chế độ thực dân mới, tiến đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất của toàn dân tộc”, ông nói.

Cũng chính nơi địa điểm văn hóa - tâm linh này, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã xúc động phát biểu trước lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, Tăng Ni, Phật tử, người dân thành phố: “Trong thế kỷ XX, có nhiều vị danh tăng Việt Nam xuất hiện và đã đóng góp rất nhiều việc lợi ích trong các phong trào chấn hưng Phật giáo và phong trào giải phóng dân tộc. Và trong số các bậc xuất trần thượng sĩ thời bấy giờ, chúng ta phải nhắc đến một vị sáng chói nhất là Bồ-tát Thích Quảng Đức.

 Ngọn lửa tự thiêu ngời sáng tinh thần Bi Trí Dũng của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã khiến cho thế giới phải kinh ngạc, phải xúc động và ca ngợi vô cùng. Ngọn lửa tự thiêu của Ngài cũng tỏa sáng cho các dân tộc thế giới biết đến sự hiện hữu kỳ vĩ của Phật giáo Việt Nam cộng tồn trong một đất nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến…

7.jpg
Cây cỏ xung quanh khu vực tượng đài được chăm sóc xanh tươi

Được thừa hưởng sức mạnh bất tử của Bồ-tát Thích Quảng Đức, chúng tôi tin tưởng rằng các thế hệ kế tiếp sẽ noi gương sáng của Bồ-tát để tạo dựng cuộc sống từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha, làm cho đạo pháp hưng thạnh và đất nước phồn vinh. Đó chính là điều mà Tăng Ni và Phật tử thành phố nói riêng và cả nước nói chung đều mong muốn…”

Bài: H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức rộng gần 2.000m2 với hồ sen, đường đi dạo, cây xanh, thảm cỏ... Trung tâm là tượng đài Bồ-tát uy nghiêm. Sau lưng tượng là tấm phù điêu dài mô tả cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp và dân tộc, trước mặt tượng là sân hành lễ… tất cả đều hài hòa, hiện đại.

Và có thể nói, những năm qua, Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức đã trở thành một góc nhỏ, một khoảng lặng nghiêm trang giữa nhịp sống hối hả ngay tại trung tâm thành phố. Điều quan trọng là từ thảm cỏ, cho đến những cây xanh, từ hồ sen quanh hồ cho đến cây bồ-đề sừng sững… tất cả đều có bàn tay chăm sóc một cách chỉn chu của các nhân viên, giữ gìn bảo vệ ngày và đêm nơi này… khiến công viên lúc nào cũng trang nghiêm, thoáng đạt và sạch sẽ, một ngọn đèn luôn cháy đỏ, hương sẵn cho bất kỳ ai ghé đảnh lễ, cầu nguyện.

Nếu một ngày nào đó có một lần có dịp dừng chân, bạn sẽ cảm nhận được những khoảnh khắc yên bình của nơi này, bởi màu xanh của cỏ, màu hồng của sen, bóng mát của những tàng cây cao, mùi thoang thoảng của hương… Tất cả sẽ cho bạn có những phút tĩnh lặng giữa những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống xung quanh. 

Xin cám ơn những con người hàng ngày đã thầm lặng chăm sóc, tô điểm cho công viên này để thành phố có được một công trình tượng đài đẹp nhất cả về giá trị môi trường và tâm linh. Thiết nghĩ, đó cũng là một trong những biểu hiện cụ thể nhất cho bài học về lòng nhớ ơn…

BTN_0035.jpg
Cây cỏ khu vực tượng đài được chăm sóc xanh tốt, sen nở quanh năm

TIỂU TRÚC

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.