Ông Trần Duy Việt có buổi nói chuyện chuyên đề về đất tôn giáo đến Tăng Ni của Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự |
Theo ông Trần Duy Việt, đất liên quan tôn giáo có giấy tờ hợp pháp từ trước ngày 1-7-2004 đều thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất tôn giáo.
Luật đất đai 2024 có 22 Điều liên quan đến sử dụng đất của tổ chức tôn giáo gồm:
Người sử dụng đất và người chịu trách nhiệm trong việc sử dụng đất (Khoản 2 Điều 4 và Khoản 4 Điều 6);
Phân loại đất (Khoản 3 Điều 9), nhận quyền sử dụng đất (Khoản 1 Điều 28), quyền và nghĩa vụ (Điều 32 và 34), điều kiện thực hiện các quyền (Điều 45);
Thu hồi đất để xây dựng công trình tôn giáo (Khoản 11 Điều 79), thẩm quyền thu hồi đất (Điều 83) và bồi thường về đất khi thu hồi đất tôn giáo (Điều 95, 97, 100);
Chế độ sử dụng đất tôn giáo (Điều 118), thẩm quyền giao đất và cấp Giấy chứng nhận (Điều 123, 136); Quy định chi tiết về cấp Giấy chứng nhận (Điều 145, Điều 149); Thời hạn sử dụng đất tôn giáo (Khoản 8 Điều 171); Quy định chi tiết về đất tôn giáo (Điều 213); Sử dụng đất tôn giáo kết hợp đa mục đích (Điều 218); Giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đất tôn giáo (Điều 236); Quy định chuyển tiếp (Điều 260).
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức và chư tôn đức tham dự |
Nội dung chi tiết ở Điều 4: Người sử dụng đất trong Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể Luật năm 2013 liệt kê người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo (Phật giáo) gồm chùa, niệm Phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo, nội dung chính là mục đích sử dụng đất, mà không phải là người sử dụng đất.
Người chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất (Điều 6): Là người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, so với Luật cũ là người đứng đầu cơ sở tôn giáo, hiện nay xác định cụ thể là người đại diện.
Tại Điều 23 quy định, các hình thức nhận quyền sử dụng đất của tổ chức tôn giáo, đó là: Nhà nước giao đất làm cơ sở thờ tự; Nhà nước cho thuê đất; Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng (Điều 145); Nhận quyền sử dụng đất thông qua hòa giải thành về tranh chấp đất đai.
Điều 136: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - thừa ủy quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh - ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu; Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố đăng ký biến động đối với trường hợp đã có Giấy chứng nhận.
Các trường hợp đăng ký biến động đất đai: Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; Đổi tên, thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất; Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận...
Thượng tọa Thích Thiện Quý |
Nghị định số 101/2024/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất - Điều 28 hướng dẫn Thành phần hồ sơ nộp cấp Giấy chứng nhận gồm:
a) Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 05/ĐK;
b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137, khoản 4, khoản 5 Điều 148, khoản 4, khoản 5 Điều 149 của Luật Đất đai (nếu có);
c) Bản đồ hiện trạng vị trí hoặc trích lục Bản đồ địa chính;
d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất theo Mẫu số 05a/ĐK;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Về phía cơ quan Nhà nước, theo Điều 32:
Kiểm tra hiện trạng (phối hợp UBND cấp huyện và cấp xã;
Lấy ý kiến các cơ quan liên quan (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Tôn giáo, Ủy ban nhân dân cấp huyện); Phê duyệt Bản đồ hiện trạng vị trí (xác định quy hoạch);
Trình Ủy ban Nhân dân Thành phố ký Quyết định số xác định hình thức sử dụng đất;
Tiếp đó, Điều 36: Dự thảo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Trình ký Giấy chứng nhận và trao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Chư Tăng, Ni tham dự chuyền đề vào ngày thứ 7 của Tuần huân tu |
Ông Trần Duy Việt cũng trình bày nhiều Điều, khoản của Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến sử dụng đất đa mục đích, tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai…
Trong khuôn khổ của buổi thuyết trình, Tăng Ni tham dự chuyên đề đã đặt nhiều câu hỏi liên quan trong quá trình thực hiện đề nghị cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất tôn giáo như: quy trình thủ tục hồ sơ, sáp nhập đất cá nhân vào đất tôn giáo, hạn mức quy định đất, đất đai cho - tặng, vấn đề cư trú liên quan, đất chùa trong khu quy hoạch lộ giới, thời gian trả lời hồ sơ, trường hợp hồ sơ bị cho là thất lạc, chuyển dời vị trí cơ sở tôn giáo,… và được ông Trần Duy Việt giải đáp tại chỗ; một số vấn đề ông Việt ghi nhận và sẽ rà soát, tham khảo vì liên quan tới chức năng ngoài đơn vị ông công tác.
Trong buổi sáng hôm nay, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.400 tự viện (chùa, tu viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường...), tuy nhiên chỉ có khoảng 40% trong số đó được cấp Chứng nhận đất tôn giáo. Ông Trần Duy Việt cho biết số lượng cơ sở tự viện được cấp Chứng nhận đất tôn giáo như vậy là quá ít; ông ghi nhận thông tin này và sẽ báo cáo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tìm phương thức để thúc đẩy công tác này một cách tốt hơn.
Cũng tại buổi thuyết trình, trong phần trao đổi, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo TP.HCM, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ phát biểu cho biết sẽ trình Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM để lập chuyên trang kết nối với các cơ quan chức năng nhằm giải đáp thắc mắc đồng thời hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử cập nhật những điểm mới, nắm rõ các quy định và quy trình hành chính, trong đó có nội dung liên quan tới đất tôn giáo.
Tải tại đây: Nghị định 101; nghị định 102; Luật đất đai năm 2024
Hình ảnh Tăng Ni thảo luận các vấn đề liên quan đến đất tôn giáo: