Đạo Phật với người dân Lào

Với dân số khoảng hơn 6 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa cao nhất thế giới so với số dân. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa.

Một năm 365 ngày, từ tinh mơ người dân đã quỳ ở ven đường để dâng đồ ăn cho các nhà sư. Chứng kiến nghi lễ này, sẽ thấy được đạo Phật quan trọng như thế nào trong đời sống của người dân Lào.

wwwlao.jpg

5 giờ kém 15, tại bếp nhà bà Viêng Keo, mùi xôi nếp đã bốc lên thơm nức. Như vậy, ít nhất thì bà Viêng Keo cũng phải thức dậy từ lúc 4h15 để đồ xôi, giỏ xôi thơm ngon sẽ được đem đi dâng cho các nhà sư. Bà Viêng Keo làm việc này hàng ngày trong suốt nhiều năm nay.

Bản Hau Khua, quận Saysettha, thủ đô Vientiane là địa điểm mà người dân thường tập trung để dâng đồ ăn cho nhà sư. 5h30, các nhà sư từ nhiều phía bắt đầu nhẹ nhàng tiến về phía những người đang quỳ gối một cách thành kính với những giỏ thức ăn thơm ngon trên tay. Sau khi nhận đồ ăn từ người dân, các nhà sư sẽ niệm phật chúc phúc cho gia đình và người thân của người đã dâng đồ ăn cho nhà chùa.

Sau khi nhận đồ ăn từ người dân, các nhà sư cũng chúc phúc lại cho họ, tuy nhiên, những người phụ nữ không làm việc này chỉ mong nhận lại lời chúc phúc, mà họ làm với lòng thành kính đạo Phật, điều này đã trở thành một nét rất đẹp trong văn hoá của người Lào.

Nghi lễ dâng đồ ăn cho nhà sư vào buổi sáng diễn ra khá phổ biến ở trên đất nước Lào, tuy nhiên không nơi nào nhuộm vàng màu áo nhà Phật mỗi sáng như cố đô Luangprabang. Khi mà sương mờ còn phủ kín thành phố cổ kính, đã xuất hiện hàng đoàn nhà sư khất thực. Chân trần, áo vàng cam buông chùng, các nhà sư bước đi nhón nhón như sợ làm đau mặt đất còn lạnh toát sương đêm. Vai đeo giỏ, gương mặt thành kính, họ dừng lại trước những người dâng thức ăn đang quỳ xuống ở hai bên vệ đường.

Ông Birger Hansen, Khách du lịch người Đan Mạch nói: “Tôi tham gia là để hoà mình và cảm nhận rõ về nghi lễ thú vị này. Khi làm tôi cũng cầu nguyện sức khoẻ và sự may mắn cho mình và những người thân. Tôi yêu thành phố này”.

Hành trình khất thực của các nhà sư diễn ra không lâu, chỉ khoảng chừng 30 phút, khi trời ửng hồng mây sớm, các nhà sư nhẹ nhàng, khoan thai trở về những ngôi chùa cổ kính. Một ngày mới lại bắt đầu với một niềm tin tươi sáng…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.