Đạo Phật giữa thời đại chúng ta

Đạo Phật giữa thời đại chúng ta
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong thời đại của chúng ta, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, rất nhiều cấu trúc, thiết chế xã hội cũng như quan niệm truyền thống đã và đang dần bị tác động, phá vỡ. Mạng xã hội là một điển hình như vậy.

Nếu trước đây, để nắm bắt thông tin thời sự, mọi người phần lớn dựa vào báo chí, truyền hình, thì hiện nay, mạng xã hội dường như đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho số đông với ưu thế tốc độ. Một sự việc, biến cố vừa mới xảy ra, chỉ chưa đầy vài phút sau, thậm chí dường như tức thì, thông tin đã xuất hiện tràn lan trên Facebook hoặc Twitter…

Vài năm trở lại đây, nhiều thông tin về những sự vụ đáng tiếc diễn ra trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam đều được lan truyền từ mạng xã hội. Bên cạnh việc gây xôn xao trong dư luận, tạo nên những ý kiến trái chiều, những sự vụ nói trên cũng đặt ra nhiều vấn đề để các cấp Giáo hội cũng như những ai lưu tâm tới nền Phật giáo nước nhà cùng suy ngẫm và tìm lời đáp phù hợp.

phatgiao.jpg

Chư Tăng Ni trong lễ hội hoa đăng nhân Đại lễ Vesak LHQ 2019 tổ chức tại Hà Nam

Đơn cử như hai sự vụ liên quan đến ứng xử của Tăng Ni trên mạng xã hội và cách thức nuôi dạy người xuất gia nhỏ tuổi xảy ra gần đây. Mặc dù Giáo hội đã đưa ra phương thức giải quyết nhanh chóng và phù hợp, tuy nhiên, hướng giải quyết căn bản dành cho mọi vấn đề nêu trên vẫn nằm ở mặt nhận thức. Không ít người trong chúng ta vẫn tán thành và cổ vũ những quan niệm giáo dục không còn mấy hợp thời như “thương cho roi cho vọt”, muốn giữ sự áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của người lớn lên người nhỏ tuổi hơn, dù hiện nay việc thay đổi phương thức tiếp cận, hoằng pháp và giáo dục để phù hợp với tâm lý xã hội hiện đại luôn được kêu gọi và thực hiện. Chúng ta thường xuyên được học hỏi những lời dạy của Đức Phật về ý thức trong lời nói, hành động phù hợp với Chánh pháp, nhưng sự mất kiểm soát trong ứng xử trên mạng xã hội của một số Tăng Ni, Phật tử vẫn là vấn đề cần quan tâm.

Nếu không có sự thay đổi ngay từ trong quan niệm, tư duy, có lẽ không ai trong chúng ta dám chắc những sự việc đáng tiếc từng xảy ra sẽ không tái diễn. Thay đổi về tư duy, quan niệm, dám nhìn nhận thiếu sót không hề làm cho một cá nhân hay tổ chức Phật giáo yếu đi, mà là nền tảng để sửa đổi, hoàn thiện hơn cho tổ chức ấy. Đó cũng là một trong những phương thức góp phần giúp tổ chức Phật giáo đứng vững trước sự xáo động do công nghệ và thời đại gây ra, là cách để mỗi cá nhân tôi rèn sự tự chủ cho bản thân, phân biệt được đúng sai, phải trái, điều gì nên làm và không nên làm để không tổn hại đến Đạo pháp, danh dự và uy tín của tổ chức hay đoàn thể Phật giáo.

Trong một bài viết của mình, Giáo sư Cao Huy Thuần đã từng nêu lên nhận xét súc tích về tinh thần tự chủ trong Phật giáo: “Tự chủ, chính là để sống đẹp, sống có ích với thế giới chung quanh. Nhưng hơn thế nữa, (...) tự chủ trong Phật giáo cốt là để chế ngự, chiến thắng những dục vọng xấu, ham muốn xấu, xung động xấu, ý nghĩ xấu. Chiến thắng để làm gì? Để dấn thân vào xã hội mà vẫn thảnh thơi, thanh thản trong lòng. Đây là chỗ mà Phật giáo có thể bổ túc cho giáo dục ngoài đời”. Tinh thần tự chủ ấy cũng chính là bài học mà Đức Phật đã từng rất nhiều lần căn dặn chúng đệ tử thời còn tại thế, cũng chính là sự tự chủ cần thiết mà mỗi người con Phật cần phải có khi sống giữa cuộc đời, dấn thân phụng sự cuộc đời. Trên hết, đó còn là công cụ hữu hiệu giữ chúng ta không bị hòa tan và đánh mất bản thân giữa biến chuyển của thời đại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.