Đạo Phật đào tạo để sử dụng

Đạo Phật đào tạo để sử dụng

(Bài giảng cho Tăng Ni tại Học viện Phật giáo TP.HCM, ngày 26-10-2014)

GN - Như mọi người đã biết, khu đất mà chúng ta đang ở đây nghe pháp, ngày xưa là vùng chiến tranh được gọi là vành đai trắng, bom được thả tự do. Vì vậy, cánh đồng hoang như thế này còn chất chứa nhiều uẩn khúc, nhưng kể từ khi Giáo hội giao cho chúng tôi xây dựng Học viện nơi đây thì mọi việc đã đổi khác một cách tốt đẹp.

Trước nhất, Học viện Phật giáo TP.HCM đào tạo Tăng Ni để sau này quý vị gánh vác Phật sự, nhưng một việc quan trọng nữa là còn có những con người vô hình có thể nghe chúng ta tụng kinh và họ tu được giải thoát, đó là mục tiêu mà chúng ta chọn mảnh đất này làm trường.

Từ khi chúng ta nhận khu đất này, sức sống ở đây được hồi sinh rõ tệt. Thật vậy, từ cánh đồng hoang đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Sáng nay, Tăng Ni và Phật tử về tham dự rất đông, các thầy cô thấy cơ sở này từng bước phát triển mà lúc đầu tưởng chừng không làm nổi. Có thể nói do sức tập trung cầu nguyện của chúng ta, hay nói cách khác là do đạo lực của Tăng Ni, Phật tử mà tạo thành Học viện hôm nay. Với đà phát triển tốt đẹp như vậy, năm tới sẽ chuẩn bị khai giảng niên khóa mới Học viện ở đây.

Trong lúc đang lo tiến hành xây dựng Học viện thì một điều khác không ngờ là mùa Phật đản năm nay, chính quyền đã mời thầy đến giao đất để xây dựng Việt Nam Quốc Tự trở thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, cùng một lúc chúng ta vừa xây dựng Học viện, vừa xây dựng Việt Nam Quốc Tự. Chúng ta làm được việc khó như vậy là nhờ công đức tu hành của Tăng Ni, Phật tử tạo thành sức mạnh ảnh hưởng đến xã hội chúng ta đang sống và ảnh hưởng đến người có thế lực ủng hộ Phật giáo. Thầy nói điều này để Tăng Ni, Phật tử nhận thấy được ngoài hình thức còn có nội dung sâu sắc phi thường không thể tưởng. Đó là thầy muốn nói đến giáo dục của Đức Phật hay của đạo Phật để chúng ta cố gắng thực hiện đúng đắn phương hướng Đức Phật đề ra làm cho Phật giáo tồn tại và phát triển.

Giáo dục của Phật giáo không giống giáo dục ngoài xã hội. Ở xã hội, người ta đặt vấn đề chuyên môn và đào tạo những con người chuyên môn. Nhưng có lúc, có nơi, việc đào tạo chuyên môn lại không thích hợp với thực tế cuộc sống; từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người tốt nghiệp có bằng cấp nhưng không sử dụng được.

Phật giáo chúng ta đào tạo để sử dụng được. Tuy nhiên, thử nghĩ xem chúng ta đào tạo Tăng Ni để sử dụng vào việc gì và đào tạo như thế nào. Nếu nói về mục tiêu đào tạo Tăng Ni là chúng ta đào tạo những vị Phật tương lai, đào tạo Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời để làm lợi ích cho chúng hữu tình, đó là Phật giáo có định hướng rõ rệt.

Thật vậy, Phật đã nói rằng Ngài là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành. Vì đường hướng của Phật là muốn tất cả mọi người đều thành Phật thì thế giới chúng ta sống chuyển thành Cực lạc, hay Niết-bàn. Nói cách khác, đó là mục tiêu chúng ta đào tạo Phật, đào tạo Bồ-tát để chuyển hóa thế giới này hoàn toàn tốt đẹp, thanh tịnh như thế giới Phật, nhưng chúng ta thực hiện được hay không. Có thể khẳng định rằng nếu chúng ta đi đúng con đường của Phật đã chọn và vẽ ra, chắc chắn chúng ta sẽ chuyển đổi xã hội khổ đau thành Cực lạc, hay thiên đường và con người ở đây sẽ thành Bồ-tát, hay Chuyển luân Thánh vương.

Chúng ta thấy mô hình Cực lạc của Đức A Di Đà mà Phật Thích Ca giới thiệu là thế giới hình thành do con người có tư cách là bậc thượng thiện nhân và ở chỗ tập hợp toàn thượng thiện nhân tất yếu sẽ thành Cực lạc. Vì vậy, đào tạo thượng thiện nhân là mục tiêu giáo dục của Đức Phật. Không phải đạo Phật đào tạo người ăn hại không sản xuất, chỉ tiêu thụ như cái nhìn sai lầm của một số người. Nhưng thực ra người ngoài đánh giá người tu vô dụng cũng do lỗi của chúng ta.

Xưa kia, khi Đức Phật vượt thành xuất gia, đi tìm đạo. Ngài tìm hết tất cả những gì mà người trước đã phát hiện và áp dụng. Ngài nhận thấy các tôn giáo, các đoàn thể thiếu mặt này, mặt khác, nên không tồn tại,  phát triển; vì vậy, mặc dù mục tiêu tốt nhưng kết quả trở thành xấu. Từ đó, Đức Phật đưa ra mô hình đào tạo mới, đó là chọn người.

Pháp môn Tịnh độ ra đời chủ trương tất cả mọi người niệm Phật để vãng sanh và chỉ cần niệm mười danh hiệu Phật Di Đà nhứt tâm bất loạn thì sanh về Cực lạc. Nghiên cứu pháp môn Tịnh độ, thầy thấy Phật Thích Ca giới thiệu thế giới Cực lạc cách Ta-bà mười muôn ức Phật độ, tức để tới đó, có một khoảng cách thật xa, khoảng cách giữa ta và Phật Di Đà, khoảng cách giữa thế giới đau khổ này và Cực lạc xa như vậy để làm gì?

Đầu tiên chúng ta nghĩ rằng người thường không đi tới Cực lạc được. Muốn tới đó, phải có sự chuẩn bị tư lương để đi. Đức Phật cho biết ở Cực lạc toàn là thượng thiện nhân, trong khi chúng ta không phải là thượng thiện nhân thì có vô đó được không. Thiết nghĩ muốn vào thế giới Cực lạc, chúng ta cũng phải chuyển đổi con người mình từng bước trở thành tốt. Vì vậy, đào tạo Phật, Bồ-tát là tạo thành Cực lạc, còn chúng sanh, chúng sanh nghiệp và chúng sanh phiền não thì nhất định là Ta-bà khổ đau.

Và đào tạo thượng thiện nhân, phải nghĩ ngay đến người có điều kiện; nói cách khác là đầu vào có thi tuyển. Người có khả năng hiểu biết mới truyền trao hiểu biết được. Hiểu biết tới đâu thì chỉ trao tới đó thôi, sự thật là vậy.

Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, Ngài quan sát thế giới này, coi người nào có khả năng vào Niết-bàn, Ngài mới chỉ con đường tiến đến Niết-bàn; không phải ai cũng chỉ được. Đầu tiên, Phật nhắm vô năm anh em Kiều Trần Như, vì Ngài thấy năm người này quyết tâm đạt đến Niết-bàn, quyết tâm cầu giải thoát, nhưng họ không biết con đường đúng đắn, không biết Niết-bàn ở đâu, nên cứ luẩn  quẩn không ra khỏi thế giới khổ đau. Riêng đối với chúng ta, trên bước đường tu, muốn có kết quả phải nhứt tâm, hay quyết tâm thì cánh cửa đạo mới mở ra được. Có Phật hay không, chúng ta cũng quyết tâm tu.

Phật thấy định hướng của năm anh em Kiều Trần Như và hoàn cảnh của họ như vậy, Ngài mới đến khai ngộ. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là nói cái gì mà người muốn và chỉ họ cách làm có kết quả. Đạo Phật rất thực tế. Chúng ta học đạo Phật, nhưng không học cái thực này thì không phải đạo Phật, mà chỉ là học hình thức. Người muốn gì, nghĩ gì và có khả năng làm được thì chúng ta mới chỉ bày cho họ. Kinh Pháp hoa nói rằng vì người cầu Thanh văn, Phật nói pháp Tứ Thánh đế. Không  phải ai cũng nói Tứ Thánh đế. Một số Tăng Ni cố chấp cho rằng Phật chỉ nói Tứ Thánh đế thôi, không nói gì khác. Điều này nên suy nghĩ lại.

Tứ Thánh đế là pháp giúp người ra khỏi sanh tử. Họ bị bế tắc, nên chỉ họ cách ra khỏi sanh tử. Đối với người tu, đầu tiên là cầu giải thoát, chúng ta chỉ cách tu giải thoát là Đạo đế, hay ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đức Phật thực hiện điều này có kết quả. Ngài dạy năm anh em Kiều Trần Như là những người quyết tâm tu, hết lòng thực hiện pháp Phật, nên chỉ trong ba tháng, họ đắc La-hán, hay chứng Niết-bàn. Còn chúng ta tu từ năm này đến năm kia rồi mệt mỏi, chán nản cho đến bỏ cuộc thì phải xét lại xem có thực hành đúng pháp Phật hay không.

Đạt Niết-bàn là chúng ta đạt được giải thoát ngay trên cuộc đời này, đó là không hệ lụy xã hội đang sống và không bị thiên nhiên chi phối. Chúng ta đạt đến nhứt tâm và từ điểm này hướng về Cực lạc của Phật A Di Đà thì liền bứt phá mười muôn ức thế giới, ngự lên hoa sen. Đi được đến Cực lạc là như vậy.

Từ giáo lý Nguyên thủy qua Đại thừa là một. Nếu Nguyên thủy bác Đại thừa là không đúng, nhưng nếu chúng ta xem thường cội gốc thì làm sao vãng sanh. Vì vậy, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là pháp tu quan trọng nhất mà Tăng Ni phải thực tập cho rốt ráo, dù chúng ta không về Cực lạc, không lên Niết-bàn, nhưng cuộc sống của ta đã là Niết-bàn, Cực lạc. Phật gọi đó là Hữu dư y Niết-bàn.

Tôi quan sát các vị cao tăng phạm hạnh, thấy tướng đi, dáng ngồi và lời dạy của họ, thấy họ giải thoát thực sự trên cuộc đời này. Học Phật, thực tế là thực tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Tăng Ni xuất gia, tu hành phải nhắm đến mục tiêu này để rèn luyện, sửa đổi con người mình đạt được tám điều căn bản của Bát chánh đạo. Giáo hội chúng ta lấy hoa sen tám cánh làm huy hiệu tiêu biểu cho Bát chánh đạo. Chúng ta thực tập xong Bát chánh đạo mới nói đến việc khác. Bát chánh đạo mà không chứng được thì tất cả pháp khác chỉ là ảo tưởng.

Các vị nghiệm lại xem chúng ta học nhiều, nhưng quan trọng nhất là phải thực tập để đứng trên Bát chánh đạo thật vững. Bát chánh đạo nằm trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Vì vậy, nhìn một người, chúng ta biết họ đứng ở lập trường Phật, hay ngoại đạo, hay đứng ở lập trường chúng sanh.

Đầu tiên ta nhìn bề ngoài của Tăng Ni là nhìn tứ oai nghi trước. Tôi quan sát coi tướng đi, tướng đứng, tướng ngồi của Tăng Ni để phán đoán vị này tu đến mức độ nào, ở địa vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, hay A-la-hán. Tu Phật, học Phật có sự chuyển hóa từ Tu-đà-hoàn lên quả vị A-la-hán là đạt được trọn vẹn Bát Chánh đạo. Nếu quý vị  mới thực tập được pháp Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc là thành tựu mười hai pháp này thì đạt đến quả Dự lưu, nghĩa là bước được một chân vào con đường Phật. Chưa được mười hai pháp này là còn ở trong sanh tử, dù xuất gia hay tại gia.

Thực hiện được Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc là chúng ta ở trong đạo rồi thì dáng đi, dáng đứng, dáng ngồi có lực tập trung. Chủ yếu của Tăng Ni là oai nghi, nhìn oai nghi biết họ tu lâu hay mới tu, tu thiệt hay tu giả. Nghe tiếng mõ, tiếng chuông, thấy dáng lạy Phật, hay tiếng tụng kinh, biết họ tu bao lâu. Đào tạo của chúng ta thực chất là như vậy, không phải đào tạo một mớ kiến thức.

Tôi còn nhớ Hòa thượng Trí Thủ dạy rằng vị Thánh La-hán đạt trọn vẹn Bát Chánh đạo thì dáng đi nhẹ nhàng như mây bay. Bốn mươi năm trước, tôi thường suy nghĩ điều này. Chúng ta làm sao có dáng đi của A-la-hán, của Đức Phật. Phật đi, không thấy Ngài đi, nhưng Vô Não chạy theo không kịp. Người Tây Tạng tập đi nhanh qua thuật phi hành. Thuở nhỏ, tôi thường luyện tập oai nghi này, đi mà người không thấy mình đi. Áo của thầy tu rất rộng, nếu chắp tay trước ngực thì đi dễ coi. Nhưng thầy Lệ Trang nói có thầy đi như chim cánh cụt, không phải là dáng đi của chư Tăng. Ta tu hành thành Phật, không phải thành chim. Những gì sửa được, sao không sửa. Từ lúc mới tu, tôi luôn tập lúc nào đi tay cũng chắp trước ngực.

Tu chung với chư Tăng Nhật Bản hay Hàn Quốc, tôi thấy họ đi khoảng cách người trước và người sau đều tám tấc và mắt người sau dán ngay ót của người trước, thể hiện sức tập trung của họ. Đi ba, bốn người cách hàng đều nhau, không lay chuyển, là dáng đi của người giải thoát có lực tập trung

Học Phật là học tập trung vào cái gì để tránh phan duyên. Chúng ta thường nghĩ lăng xăng, nhìn đủ thứ, liếc qua liếc lại, nên mắt không ngay. Tập học Phật, đi ngay, nhìn ngay là ứng vô nghiệp, lấy giới luật cột, không cho thân tâm phan duyên để tập trung một chỗ. Rèn luyện con người mình có sức tập trung sẽ dẫn thân chúng ta đi như mây bay.

Đứng như tùng bách, nên chỗ ở của chư Tăng gọi là tùng lâm. Tùng bách đứng thẳng, không chen nhau; dáng đẹp của chư Tăng là vậy. Hòa thượng Trí Thủ nói rằng vị Tăng đi, ở xa thấy dáng đẹp, tới gần thấy đẹp hơn là trang nghiêm thanh tịnh, tức có sức tập trung tư tưởng. Đến gần thấy đẹp hơn là gì? Vì mắt chư Tăng không láo liên, nhìn thẳng, nhìn xuống là bước ban đầu của vị Tăng tu thiệt và đi xa như mây bay, đến gần, nhìn kỹ thấy đẹp hơn là vậy.

Điều thứ ba, sống chung với Tăng, người sẽ cảm nhận được an lạc; đó là người tu theo Phật giáo, không phải theo ngoại đạo thuyết phục người theo mình. Thực tế cho thấy thầy nào tu có tâm an lạc, đời sống an lạc, quần chúng tự tìm tới. Nếu đến gần kẻ ăn cướp, giết người, tâm chúng ta bất an; nhưng tới gần người tu thiệt, chúng ta thấy tâm mình được an, dù hoàn cảnh nguy hiểm, vì tâm như như bất động của vị chân tu đã tác động cho tâm ta an. Lịch sử cũng ghi nhận ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng tại chiến trường, nhưng Phật đến đó thì tâm an nhiên của Ngài đã hóa giải tâm sát hại của hai đạo binh khiến họ buông bỏ vũ khí và hòa bình được lập lại.

Khi gặp những việc bức xúc, khủng hoảng, buồn lo, người ta tới chùa để thấy Phật, gặp Tăng giúp họ có được sự an tĩnh và khi có duyên được sống chung với chư Tăng hòa hợp, thanh tịnh, họ thấy cuộc sống an lạc hơn. Tinh thần đào tạo đúng như  pháp của đạo Phật theo hướng như vậy.

Đạo hạnh của vị Tăng viên mãn Bát Chánh đạo là thể hiện đầy đủ Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh niệm, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh tư duy và Chánh định trong cuộc sống. Người có đủ tám điều hoàn mỹ như vậy, họ muốn lên Niết-bàn hay về Cực lạc, thiên đường tùy ý. Đó chính là tiêu chuẩn đào tạo mẫu người sống trên nhân gian để cứu đời. Kinh Pháp hoa nói rằng vị La-hán không cứu đời thì không phải là La-hán thiệt, vì người đắc La-hán không còn sợ thế giới này và có ý niệm cứu độ chúng sanh, nên họ hiện hữu ở nhân gian, nếu còn sống là Bồ-tát nhân gian cứu chúng sanh, nếu  muốn về Cực lạc thì về một cách tự tại.

Hòa thượng Trí Hải trước khi mất, nói rằng ngài tụng kinh Pháp hoa và niệm Phật Di Đà để về Cực lạc thăm Đức Di Đà vài ngày, rồi tiếp tục trở lại thế giới này hành Bồ-tát đạo.

Đối với người không bị thiên nhiên, không bị hoàn cảnh xã hội chi phối, Niết-bàn hay Cực lạc so với Ta-bà không khác. Khi tâm chúng ta là Niết-bàn, Cực lạc thì ở đâu cũng là Niết-bàn, Cực lạc. Còn tâm chúng ta là Ta-bà thì ở đâu cũng là Ta-bà. Hiểu như vậy, quý vị cố rèn luyện tâm mình đúng như Phật dạy.

Đào tạo của Phật, đầu tiên là đào tạo A-la-hán trước theo khuôn Ba mươi bảy phẩm trợ đạo cho đến đỉnh cao là Bát Chánh đạo, bấy giờ mới có được cái nhìn đời chính xác. Riêng tôi luôn trải nghiệm pháp này, thử nghĩ xem ta nhìn một người, một sự việc đúng hay chưa. Nhìn đúng, không sai lầm, ta được một điểm. Nhìn người biết được nghiệp duyên quá khứ của họ là thêm một điểm. A-la-hán đoán được tương lai của người, điều này khác với người bói toán. Họ không có cái nhìn chính xác từ pháp tu Bát Chánh đạo mà chỉ nói mò, do tưởng tượng, nên hoàn toàn sai.

Nhìn người biết tốt xấu không sai lầm. Từ cái thấy rõ này, chúng ta nhìn về quá khứ của con người, vì hiện tại này là tập hợp của quá khứ, nên nhìn hiện tại thì biết quá khứ của họ và nhìn hiện tại cũng biết được tương lai.

Khi sang Nhật tu học, tôi và thầy Long Nguyệt đi một lượt. Hòa thượng Thiện Hòa lúc bấy giờ là Giám đốc Phật học đường Nam Việt. Ngài đã đến gõ cửa phòng tôi và đưa cho tôi một số tiền. Ngài ký thác rằng tôi sang đó cố gắng học để sau này về nước phục vụ đạo pháp. Đó là Hòa thượng thấy tương lai, thấy tâm nguyện của tôi, thấy mục tiêu của tôi, nên ngài ký thác, gởi gắm. Còn không thấy mà nuôi dạy, người không nghe lời khiến mình phiền não là sai.

Tăng Ni học Phật là thực chất thấy được hiện tại của người, thấy nghiệp nhân quá khứ của họ, thấy họ có căn lành hay nghiệp ác mà biết được tương lai họ làm được gì. Điển hình như Vạn Hạnh thiền sư thấy Lý Công Uẩn sau này làm vua, nên đã đầu tư cho ông thành vua. Còn Lý Khánh Vân đào tạo ông làm sư sao được.

Phải nhìn thấu căn lành bên trong của từng người, nếu là La-hán thì đào tạo thành Thánh được. Còn không thấy bề trong thì rơi vô tình trạng như người xưa than rằng đào tạo nhiều, nhưng không sử dụng được mấy. Học cực khổ, nhưng không dùng được. Vì vậy, cần nhắm vô đào tạo để sử dụng. Thấy rõ người không học được thì không cho học. Hòa thượng Thiện Hoa nói với tôi rằng khi còn là học Tăng, có thầy thông minh, học giỏi, nhưng bác sĩ khám bệnh cho biết thầy này không thọ, đừng học, nên lo tu để chết tốt đẹp. Người thứ hai mà tôi biết khi sang Nhật, ông này học giỏi, nhưng đậu vô đại học, bác sĩ bảo học là chết và khuyên ông về  nước, thì đúng như vậy, về Việt Nam, ông chết. Còn người Việt Nam thường quan niệm học rồi chết cũng được, điều sai lầm này phải suy nghĩ lại.

Một thầy khác đi chung với tôi sang Nhật, Hòa thượng Giám đốc không đầu tư cho ông cũng đúng, vì ông học kinh doanh, đỗ Tiến sĩ rồi làm việc cho Nhật, ở luôn bên đó, không về.

Trên bước đường tu, chúng ta nhận ra, thấy được nếu đào tạo theo Tiểu thừa là đào tạo được Thánh quả La-hán. Tăng Ni cố gắng thực tập cho được thành quả này và dạy người khác cũng nhắm vô mục tiêu này, nghĩa là dạy họ có cái nhìn chính xác, lời nói chính xác và phán đoán không sai lầm. Mẫu người như vậy rất cần trong cuộc sống này là phương cách đào tạo của đạo Phật. Và đời sống của họ thể hiện chánh niệm, không làm cho cuộc đời xấu đi, mà chỉ làm tốt thêm. Ngoài Chánh nghiệp, Chánh mạng, việc làm siêng năng của chúng ta (Chánh tinh tấn), đóng góp của chúng ta là đào tạo người cứu đời. Thành tựu được như vậy, xã hội ghi công, Phật giáo hưng thạnh. Nếu ăn hại thì Phật giáo suy đồi, diệt vong.

Tăng Ni còn học ở trường, ngoài việc trau dồi giáo lý, làm sao đạt được Hiền vị, Thánh vị từ Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán. Từ sơ quả bước lên quả vị Tư-đà-hàm, A-na-hàm, quý vị thực tập thêm Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần. Khi có Thất Bồ-đề phần thì được gì? Tôi thường nói phải chọn pháp môn tu thích hợp với mình để áp dụng vào cuộc sống có kết quả nhất định.

Riêng tôi học nhiều, nhưng tôi chọn kinh Pháp hoa, lấy Bồ-tát đạo để suy nghĩ và hành đạo. Và chọn được pháp thích hợp với mình thì thực tập nhất định đạt kết quả tốt, gọi là trạch pháp. Vì mỗi người có khả năng khác nhau, nên pháp tu cũng sai biệt. Vì vậy, Phật cũng có mười Đại đệ tử tiêu biểu cho mười trường phái, hay mười khoa khác nhau, tức đào tạo con người truyền bá pháp Phật ở khắp mọi nơi. Tôi phụ trách khoa Hoằng pháp, lấy Phú Lâu Na làm Tổ, làm đối tượng để chúng ta đi tới.

Quý thầy cô thích hợp với khoa nào thì theo khoa đó. Ai muốn dấn thân làm công tác xã hội có thể vào khoa Công tác xã hội. Và trường chúng ta vừa mở thêm khoa Sư phạm mầm non, để sau này quý vị phát tâm đi vào cuộc đời, mỗi chùa có thể có lớp mẫu giáo để đào tạo những mầm non cho đạo pháp. Ở Việt Nam, phần nhiều người già đi tu. Tôi nghĩ rằng những người này cho kết duyên với Phật để chết, tái sanh lại, họ đi tu sớm hơn, vì đời này chưa đi tu được. Còn trẻ nhỏ học mẫu giáo, chúng ta đào tạo các em có tâm hồn hướng thượng theo Phật giáo, sau này làm việc lợi ích cho đạo, đóng góp tốt đẹp cho xã hội.

Trong mười khoa, ai có khả năng thích hợp với khoa nào thì ghi danh học để sau phục vụ, không phải học để lấy bằng cấp. Thầy cô đã qua năm thứ nhất, thứ hai, đến năm thứ ba chọn chuyên khoa để dồn năng lực vào việc này sẽ có được kết quả tốt.

Thời Phật tại thế, ngài Ca Diếp chọn hạnh đầu-đà, Ưu Ba Ly chọn trì luật, A Nan chọn đa văn là chọn biết nhiều, nhớ nhiều. Ai theo hạnh của A Nan, sau này có thể tham gia kiết tập Kinh tạng, phiên dịch kinh điển.

Trước kia, trường chưa phân nhiều khoa, nhưng nay có nhiều khoa để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chúng ta học Phật, tu Phật để giải thoát, nhưng được giải thoát rồi, phải vào đời hành Bồ-tát đạo. Nếu xã hội có nhiều vị phát tâm hành Bồ-tát đạo, từng bước xã hội đó sẽ thay đổi tốt hơn, cho đến không có người xấu, người ác, người tà thì chuyển đổi trần gian đau khổ này trở thành thiên đường. Thực tế cho thấy trên thế giới ngày nay có một số nước văn minh tiên tiến, họ đào tạo trẻ em từ mẫu giáo trở lên theo hướng tốt, nên xã hội đó tương đối ổn định. Còn xã hội chậm tiến thì rõ ràng có quá nhiều việc phức tạp.

Ngày nay, tại Học viện Phật giáo TP.HCM có nhiều Tăng Ni theo học. Sau này quý vị dấn thân phục vụ cho xã hội chúng ta đang sống, chuyển hóa trở thành Cực lạc tại Việt Nam. Thiết nghĩ mặc dù thế giới này là Ta-bà, nhưng có người hành Bồ-tát đạo, cứu đời thì từng bước biến nó thành tiểu Tịnh độ, biến đạo tràng này thành Tịnh độ nhỏ, là một vệ tinh của Tịnh độ Phật A Di Đà. Muốn như vậy, Tăng Ni, Phật tử cần thực tập Bát Chánh đạo và Thập Ba-la-mật của Bồ-tát để chuyển hóa tiểu Tịnh độ của chúng ta làm trạm dừng chân lý tưởng cho mọi người hướng về tu tập.

Đầu tiên, chúng ta xây dựng tòa nhà này là xây dựng Tịnh độ cho Tăng Ni trong tương lai. Trước kia, chúng ta chưa có cơ sở, phải ở ngoài. Về sau có trường này, Tăng Ni ở luôn nơi đây và phía trước, chúng ta còn 18 hecta đất là cửa ngõ để Phật tử ở đó hướng đến tương lai.

Tôi thừa kế sự nghiệp của Hòa thượng Minh Châu. Mong rằng Tăng Ni có duyên học ở Học viện Phật giáo TP.HCM sẽ là người tiếp nối sự nghiệp này và phát triển làm cho trường chúng ta trở thành Tịnh độ thực sự ở ngay thành phố Hồ Chí Minh. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.