Đằng sau biến cố lớn nhất của đời người

0:00 / 0:00
0:00
GN - Giữa nỗi đau thương vì có thân nhân qua đời do Covid-19, chính sách lo hậu sự chu toàn cho người mất vì dịch bệnh của TP.HCM phần nào an ủi họ cũng như hương linh người đã khuất.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Đó là đạo lý ngàn đời được truyền lại để người sống, trong khả năng của mình có thể chăm lo chu đáo nhất cho người đã chết, không cần biết lúc sống họ có thân phận ra sao. Những ngày này, ngoài cứu chữa bệnh nhân Covid-19, chăm lo đời sống người dân trong các vùng xanh, vùng đỏ… thì việc lo cho người chết vì dịch bệnh cũng là điều cần thiết.

Với quyết định nhân văn của lãnh đạo TP.HCM - trích ngân sách để lo hậu sự cho nạn nhân Covid-19, đồng thời giao quân đội thực hiện việc đưa tro cốt người mất do Covid-19 về nhà, trường hợp vì lý do nào đó thân nhân chưa nhận thì tạm gửi ở chùa - có thể nói là rất được lòng người dân, nhất là thân nhân của họ.

Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự quận 7 trao cho cốt tại chùa cho gia đình ông Hai theo nguyện vọng - Ảnh: Độc Lập
Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự quận 7 trao cho cốt tại chùa cho gia đình ông Hai theo nguyện vọng - Ảnh: Độc Lập

Có những hoàn cảnh thật đáng thương, họ kiệt sức vì dịch bệnh với những đợt giãn cách liên tiếp hơn ba tháng qua. Ngay cả người sống còn phải trông chờ vào tiền trợ cấp từ các gói hỗ trợ của Nhà nước, nhận cứu tế từ các đầu mối từ thiện thì việc lo cho người chết chu đáo là ngoài khả năng.

Ai không muốn chăm lo cho người thân được hậu sự đàng hoàng, chôn cất theo lễ nghi truyền thống, nhưng trong tình cảnh quá khó khăn, nhất là để an toàn trong chống dịch, những đám tang phải diễn ra vội vàng, trong thiếu thốn. Nỗi đau mất mát cộng với nỗi buồn vì không thể làm gì khác hơn trước cái chết của thân nhân mình đã được lãnh đạo chính quyền lắng nghe, chia sẻ.

Thực sự, trong lúc chống dịch cam go này, rất cần những chủ trương, chính sách thuận tình hợp lý, hợp với lòng dân như vậy để tạo ra những năng lượng tích cực cũng như sự ủng hộ của người dân. Sự đồng lòng và giảm thiểu nỗi lo, chia sẻ bớt khó khăn, an ủi phần nào mất mát của người dân trong dịch bệnh cũng là việc làm an dân.

Xưa, Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Bình Ngô đại cáo) thiết nghĩ vẫn luôn nguyên giá trị đến ngày nay, kể cả trong cuộc chiến chống dịch này. Tất nhiên, yên dân ngoài những việc làm nhân văn kể trên thì chấn chỉnh kỷ cương trong chống dịch, xử lý rốt ráo cán bộ vi phạm hoặc thiếu năng lực trong công tác phòng, chống dịch ở vài địa phương thuộc TP.HCM là một răn đe để những vị khác có trách nhiệm, dấn thân hơn.

Cầu siêu

Đến ngày 25-9, theo thống kê, cả nước đã có 18.017 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Việc hạn chế số ca tử vong, tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng, thí điểm điều trị F0 tại nhà, phủ rộng tiêm chủng là cách xử lý khi TP.HCM có số ca nhiễm quá cao như hiện nay, bên cạnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Mong rằng, với hướng này, khả năng kéo giảm ca tử vong sẽ thành công trong thời gian tới để nỗi đau mất mát không tiếp tục nhân lên ở nhiều gia đình khác.

Hình ảnh những người lính mang tro cốt người chết do Covid-19 về tận nhà và người thân chỉ kịp quỳ xuống lễ vài lạy rồi đón nhận có lẽ sẽ ám ảnh chúng ta khá lâu. Nhưng, đó cũng là hình ảnh xúc động, trang nghiêm và ấm cúng nhất có thể đối với người quá cố cũng như thân nhân họ.

Đại lễ cầu siêu đồng bào tử nạn trong đại dịch Covid-19 ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn

Đại lễ cầu siêu đồng bào tử nạn trong đại dịch Covid-19 ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn

Với truyền thống của người Việt Nam cũng như đạo Phật, thì lo cho người chết là một việc làm quan trọng, nhân văn, vì “nghĩa tử là nghĩa tận”. Hơn nữa, hương linh người mất cần được trợ duyên để có thể tỉnh thức, sinh vào cõi an lành hơn. Âm siêu thì dương thái.

Chăm sóc hậu sự cho người mất thực ra cũng là trợ sinh - giúp người còn sống cảm thấy an lòng hơn khi thân nhân họ ra đi, từ đó chấp nhận được nỗi đau, mất mát người thân của mình để sống tiếp và sống tốt. Vì vậy, ngoài phần khai thị cho hương linh, những tang lễ theo tinh thần Phật giáo cũng có phần sách tấn, an ủi, khai thị cho người sống về sự vô thường, lẽ hiển nhiên của sinh-tử nơi cõi Ta-bà này để không chấp giữ, dính mắc…

Rất nhiều người sau khi người thân mất, nhờ được hộ niệm từ chư tôn đức, các đạo tràng Phật tử đã ngộ lý vô thường, tìm tới chùa, nương nơi giáo lý Đức Phật để sống nhẹ nhàng, bình an hơn ở hiện tại và tin rằng đó là sự chuẩn bị để “chết bình an”.

Với cái chết tất yếu, hình thức chết như thế nào hoặc cách thức tang lễ không còn làm cho người hiểu lý vô thường, thấy thân giả tạm mượn vay khổ sở, lo lắng. Họ nguyện sống tùy duyên và chết tùy duyên. Dù trong hoàn cảnh nào họ cũng có thể quán chiếu nhân duyên để an được. Khi đó, họ thấy và sống được với điều quan trọng nhất là giữ cho tâm an để nhẹ nhàng trong mọi duyên mọi cảnh.

Trở lại với việc chăm sóc cho con người lúc lâm vào biến cố quan trọng quyết định sự tái sinh của một đời sống khác, Phật giáo có thể làm tốt nhất việc này bởi vì gần gũi với văn hóa dân tộc. Một trai đàn cầu siêu tập thể tại TP.HCM cho những nạn nhân Covid-19 là việc cần làm sau dịch. Thiết nghĩ Trung ương Giáo hội có thể đề nghị các tỉnh thành lập đàn cầu siêu người mất do Covid-19 trong một thời gian chung, khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Tháng Bảy âm lịch, mùa Vu lan, các chùa đã phát huy được tinh thần này khi hướng tâm đến hương linh nạn nhân Covid-19; đồng thời phát tâm làm thiện sự cho người khó khăn. Nhiều Tăng Ni, Phật tử còn đăng ký tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch.

Từ nay đến khi thành phố đẩy lùi được dịch bệnh, chắc chắn vẫn còn thêm nhiều ca nhiễm mới, ghi nhận thêm ca tử vong… Do vậy, Ban Trị sự Phật giáo từng quận huyện ở TP.HCM, các tỉnh thành có thể liên hệ qua điện thoại thăm hỏi người có thân nhân mất do Covid-19, lấy danh sách hương linh để giao về các chùa cầu siêu, ký tự hương linh…

Chắc chắn, với những việc làm nhân đạo này, người mất được lợi lạc mà thân nhân họ cũng phần nào vơi đi nỗi xót xa vì đột ngột không còn người mình yêu thương. Âm siêu dương thái, nỗi đau cần được chữa lành từ hai phía để cuộc sống sớm trở lại bình thường…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.