Dâng hương tưởng niệm và thăm các gia đình Thánh tử đạo trong Pháp nạn 1963 tại Huế

Thành kính tưởng niệm chư anh linh tại Đài Thánh tử đạo (TP.Huế)
Thành kính tưởng niệm chư anh linh tại Đài Thánh tử đạo (TP.Huế)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng ngày 27-5, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến dâng hương tưởng niệm anh linh chư Thánh tử đạo đã hy sinh trong Pháp nạn 1963 tại Đài Phát thanh tỉnh Thừa Thiên.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các Phật tử đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Thánh tử đạo

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các Phật tử đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Thánh tử đạo

Đoàn do Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu, cùng chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự và các Phật tử.

Đối trước anh linh chư Thánh tử đạo, quý vị giáo phẩm Tăng Ni và Phật tử đã thành kính dâng hương tưởng niệm, hữu nhiễu Đài Thánh tử đạo.

Đài Thánh tử đạo tại Huế hiện tọa lạc tại công viên Lê Lợi bên bờ Nam sông Hương, bên giao lộ Lê Lợi - Hùng Vương ở đầu cầu Trường Tiền, thuộc P.Vĩnh Ninh,TP.Huế (trước đây thuộc khuôn viên Đài Phát thanh Huế). Đây là một di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh đặc biệt không chỉ riêng đối với Huế và Phật giáo Huế mà còn có một vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như lịch sử dân tộc thời hiện đại.

Thắp hương cầu nguyện

Thắp hương cầu nguyện

Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tại Huế ghi dấu một trang sử bi tráng, hào hùng, được viết lên bằng máu, nước mắt và bằng cả sinh mạng của Tăng chúng, tín đồ Phật giáo Huế trong Pháp nạn năm 1963, nhằm phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Mở đầu trang sử bi hùng ấy chính là sự ngã xuống của 8 Phật tử với tuổi đời còn thanh xuân, và hàng trăm đồng bào Phật tử bị trọng thương dưới gầm xích của xe tăng, thiết giáp; bởi lựu đạn, súng trường của chính quyền đương cục trong một cuộc bố ráp lạnh lùng, chớp nhoáng diễn ra tại khuôn viên Đài Phát thanh Huế vào đêm rằm tháng Tư năm Quý Mão (8-5-1963), khi quần chúng Phật tử tập trung tại đây để yêu cầu phát lại chương trình lễ Phật đản được ghi âm vào buổi sáng ở chùa Từ Đàm.

Hữu nhiễu Đài Thánh tử đạo trong pháp nạn 1963

Hữu nhiễu Đài Thánh tử đạo trong pháp nạn 1963

Đài Thánh tử đạo được đặt đá xây dựng vào ngày 17-11-Ất Tỵ (1965) tại nơi các Phật tử đã bị thảm sát năm 1963, trước Đài phát thanh tỉnh Thừa Thiên (cũ), do kỹ sư Ngô Nẫm thiết kế và giám sát.

Tưởng niệm và tri ân những người đã hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc

Tưởng niệm và tri ân những người đã hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc

Sau gần 3 tháng tích cực thi công đến đầu tháng 2 năm Bính Ngọ công trình đã chính thức hoàn thành. Ngày mùng 8 tháng 2 năm Bính Ngọ (1966), nhân lễ vía Đức Phật Thích-ca xuất gia, Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên chính thức làm lễ khánh thành Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tại hoa viên Đài Phát thanh Huế. Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh, niêm hương an vị và sái tịnh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên cùng sự tham dự của hơn 2 vạn đồng bào Phật tử thuộc các khuôn hội, đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh, Gia đình Phật tử, quân nhân Phật tử từ khắp mọi vùng miền.

Đài Thánh tử đạo được tôn tạo theo đồ án của kỹ sư Ngô Nẫm

Đài Thánh tử đạo được tôn tạo theo đồ án của kỹ sư Ngô Nẫm

Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tại Huế là một di sản vô giá, cả về ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo xứ Huế cũng như Phật giáo Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tinh thần này là một trong những việc làm có ý nghĩa nhằm tỏ lòng tri ân đối với tiền nhân - những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc.

Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cử các đoàn đến thăm, thắp hương tưởng niệm tại các gia đình Thánh tử đạo và dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.