Đàn tràng Dược Sư do Giáo hội Thành phố tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Bảo Toàn
Phật thương tất cả chúng sanh, nhưng chúng sanh tiếp cận được Phật là việc không đơn giản. Thực tế nhiều người cầu nguyện không kết quả là lý do đó. Đức Phật thì quá cao quý, trong sạch; còn chúng ta thì thân tâm đầy nhơ bẩn. Giữa ta và Phật có một khoảng cách quá lớn như vậy, nên thân và tâm chúng ta không thể gần Phật được.
Khi người lập đàn cầu nguyện với thân tâm trong sạch, đàn này có kết quả tốt. Trái lại, thân tâm không trong sạch, thì cách Phật xa, nên cầu hoài cũng chẳng được gì.
Chư Phật và Bồ-tát đều có nguyện. Chúng ta cũng vậy, muốn cầu nguyện, quan trọng nhất là phải đồng nguyện với Phật, với Bồ-tát, nhất định có kết quả tốt. Khác nguyện thì không thể nào đạt hiệu quả.
Thế nào là nguyện giống Phật và thế nào là khác với Phật. Phật và Bồ-tát chỉ phát nguyện cứu độ chúng sanh, các Ngài hoàn toàn vị tha. Chúng ta thì trái lại, lập đàn cầu nguyện Phật và Bồ-tát cứu độ mình, nghĩa là hoàn toàn vị kỷ. Hai nguyện này tương phản nhau, nên không thể có kết quả tốt. Phải phát nguyện với tinh thần vị tha vô ngã mới tương ưng với Phật và Bồ-tát, mới thành tựu quả lành.
Chúng ta lập đàn cầu nguyện cho quốc thái dân an là chính, cầu cho mọi người tai qua nạn khỏi, không phải cầu cho riêng ta. Nếu cầu nguyện cho mình là trái với nguyện của Phật Dược Sư, không được kết quả tốt. Cầu nguyện cho xã hội, cho chúng sanh, thì đúng với nguyện của Đức Dược Sư, nên Ngài sẽ gia bị cho ta, để lời nguyện của ta có kết quả. Có kết quả là thế nào.
Thân Phật Dược Sư trong suốt như ngọc lưu ly, không tì vết. Nếu hiểu thân trong suốt như viên ngọc thật, thì không đúng, vì thân như vậy không phải là thân nữa.
Phải hiểu thân của Phật Dược Sư là thân đạo đức, hay thân giới đức không có lỗi lầm, nên ví như viên ngọc trong suốt. Tuy Phật cũng mang thân ngũ uẩn, nhưng là vô lậu ngũ uẩn, nên biến thành Pháp thân, mà mọi người nhìn vào thấy trong suốt, thuần tịnh, không chút tội lỗi.
Chúng ta thấy mọi người trên thế gian, Tăng cũng như tục đều khác nhau, không ai giống ai; nhưng chúng ta thấy tất cả Phật đều giống nhau, Phật nào cũng không có lỗi lầm, Phật nào cũng hiện 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tiêu biểu cho thân trong sạch trọn vẹn.
Khi chúng ta nhiếp tâm tụng kinh Dược Sư, cầu nguyện và được Phật Dược Sư gia bị, thân trong suốt của Phật Dược Sư đã ảnh hiện vào thân tâm ta, làm cho thân tâm ta cũng trở thành trong suốt, tất cả trần lao nghiệp chướng nhứt thời tự nhiên biến mất. Chính vì vậy mà người cũng nhìn thấy chúng ta không có tội lỗi. Đó là phần căn bản nhất thể hiện việc cầu nguyện của chúng ta có hiệu quả.
Nếu tụng Dược Sư mà người còn thấy ta tội lỗi là chưa đạt hiệu quả. Bản thân ta không có hiệu quả, vì cầu bằng tâm không trong sạch, Phật lực không gia bị được, chắc chắn không thể cầu cho người khác. Đức Phật Dược Sư có lời nguyện rằng ai thấy Ngài, nghĩ đến Ngài, nghe tên Ngài, tội gì cũng tiêu. Đức Dược Sư không gia bị cho chúng ta chứng tỏ chúng ta chưa nghĩ đến Ngài, chưa nghe tên Ngài, chưa thấy Ngài.
Tôi quán sát thấy đàn Dược Sư thanh tịnh, thì cầu nguyện được thành tựu; không thanh tịnh, chỉ là đàn tràng hình thức. Thật vậy, Phật lực không gia bị nên tất cả người tụng Dược Sư, lễ lạy, cầu nguyện, nhưng chúng ta thấy họ mệt mỏi, bệnh hoạn, buồn phiền, đau khổ. Trong một tháng, ai cũng mệt mỏi, trông chờ đàn tràng mau chấm dứt để nghỉ, như vậy đàn tràng này đã bị hư.
Tôi có kinh nghiệm điều này, trên bước đường tu, khi chúng ta đọc tụng lời Phật dạy đến mức say mê, thường không biết mệt mỏi. Nay tuy tuổi đã lớn, mà tôi lại làm việc nhiều hơn, là nhờ Phật lực gia bị, lòng thấy vui, nên sức sống mạnh mẽ hơn. Nhận được Phật lực gia bị, thì độ cảm về Phật lớn và ta thực hiện hạnh nguyện của Phật. Hai điều này tương giao là một, Phật là ta và ta là Phật, việc làm của ta mới trở thành Phật sự. Trên bước đường tu, điểm này quan trọng, không hiểu, không thực hành được, không thể đạt kết quả tốt, không vào cửa đạo được và cũng không thể tiến xa trên đường đạo.
Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta tu không kết quả tốt, vì thiếu nhất tâm, nên không thấy Phật, không cảm được Phật và không nghe được Phật.
Ta làm ở thế giới này, Phật ở thế giới khác, còn sự ngăn cách này, thì không thể đạt hiệu quả mong muốn. Chính vì vậy, đòi hỏi chúng ta lâm đàn cầu nguyện phải tắm gội sạch sẽ và mặc áo lễ. Sở dĩ chúng ta phải làm như vậy để cảm nhận được cuộc sống theo Phật pháp khác với cuộc sống đời thường của chúng ta. Mặc áo tràng gợi chúng ta ý thức thâm nhập đạo tràng, bắt đầu tu, thì không được nghĩ, nói và làm như người đời, tức phải giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh.
Phật tử tham dự Pháp hội Dược Sư do Giáo hội TP.HCM tổ chức đầu năm Đinh Dậu - Ảnh: Vũ Giang
Đạo tràng đông hay ít người, không quan trọng, quan trọng là phải thanh tịnh. Chúng ta không cần người đến đông, vì biết rằng nếu lực chi phối của chúng ta không trùm khắp, đạo tràng sẽ không thanh tịnh. Ai tu thì nhận biết điều này. Tâm và đức của ta trùm khắp đại chúng mới ảnh hưởng cho đại chúng thanh tịnh theo.
Thứ hai là nghiệp chúng sanh quá nặng và phước chúng ta quá mỏng, nên cũng không thể trùm khắp được. Phước đức chúng ta bao phủ được mười người, đạo tràng của chúng ta chỉ có mười người thanh tịnh. Nếu phước đức bao trùm một trăm người, đạo tràng tu được một trăm người. Chính phước đức của người lãnh đạo quyết định đạo tràng lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, phước đức chúng ta có thể bao trùm một ngàn người thanh tịnh, có tín tâm, nhưng không chắc là độ được một người chưa tín tâm. Điều đáng sợ là như vậy. Thí dụ đạo tràng gồm những người tín tâm, thanh tịnh rồi và tôi đến làm cho thanh tịnh thêm. Nhưng nếu một anh say rượu vào đạo tràng, vì anh đã mất bản tâm, không còn tự chủ, nên quậy phá, làm cho đạo tràng thành rối loạn. Nếu gặp người đa nghiệp chướng, thì càng khó hơn nữa.
Nghiệp chúng sanh nhiều vô số, tội lỗi cũng vô số. Đơn cử một thí dụ nhỏ như đạo tràng thanh tịnh hòa hợp, chỉ một người có ý không hòa vô đạo tràng sẽ làm tâm lý mọi người xáo trộn lên. Điều này thể hiện sự tương quan giữa tâm, một tâm ác xấu chen vô tâm thanh tịnh, thì khuấy động, khiến trở thành không thanh tịnh. Ví như một bể nước trong mà bỏ vào một viên mực đen, bể nước trở thành dơ. Nghiệp chúng sanh đem vào, thanh tịnh tự mất.
Thực tế chúng ta thấy một số chùa tu hành đang yên ổn, nhưng có một người sanh chứng, cả chùa náo động. Chỉ một người, nhưng làm hư cả chúng. Vì vậy, việc bố trí đạo tràng cho thanh tịnh để tu rất quan trọng.
Đối với đạo tràng Pháp Hoa, tôi có lời nguyện “Cầu xin Đại tướng Dược Xoa, đừng cho tà giáo, ác ma đến gần”. Ác ma đến gần đã phiền, nói chi đến thâm nhập đạo tràng.
Nhiều người mở đàn tràng Dược Sư, muốn quy tụ đông người để long trọng, nhưng thiếu cốt lõi nội đàn, thì hư hết. Chúng ta phải lựa một số người phát nguyện để lâm đàn Dược Sư, ít nhất có một đàn bảy người, nhiều thì có bảy đàn, bốn mươi chín người tạo thành thất khu, kết hợp thành sức mạnh và sức mạnh này tự tạo thế liên hoàn thủ hộ, ngăn chặn ác ma không thể chen vô được.
Tuy nhiên, đàn Dược Sư khép kín như vậy, ác ma bên ngoài sẽ tìm cách cài người vô phá chúng ta. Ác ma lựa trong bảy người hay bốn mươi chín người, tìm người nào đạo đức hay tinh thần yếu kém, nó tác động cho người này hư. Chỉ cần phá hại được một người là nó phá tiêu cả đàn tràng. Nó phá bằng cách nào.
Người tinh thần yếu là người thiếu sức tập trung trong thời khóa tu, nên đang tụng niệm trong đàn, họ vụt nhớ một việc nào đó, dù không phải việc xấu. Thí dụ một người ngồi đàn còn đang đi học, tự nhiên nhớ đến lớp học. Ác ma sẽ chen vào phá hư tâm của người này. Tâm của tất cả người trong đàn cũng sẽ bị hư theo, vì mọi người đang ở thế liên hoàn, nên chịu ảnh hưởng hỗ tương. Đàn Dược Sư không còn đạt kết quả tốt, vì đã bị ác ma phá hư, nên đàn không có sức sống.
Cần nhớ khi vào đàn, phải vứt bỏ mọi việc khác. Chỉ đến khi xả đàn, chúng ta mới xả tâm. Điều này ít ai làm được. Vì thế, các chùa không dám mở đại trai đàn Dược Sư lâu dài, chỉ mở một tuần. Vì tất cả bốn mươi chín người phải cố giữ tâm trong suốt bốn mươi chín ngày, thân tâm phải hoàn toàn trong sạch trong thời gian dài như thế, ít ai làm nổi.
Người ta thu hẹp lại, mở đàn trong bảy ngày với bốn mươi chín người hay bảy người tụng bảy ngày. Chỉ giữ tâm trong bảy ngày, thì có thể được. Tuy nhiên, suốt một tuần không khởi niệm gì khác, kể cả trong giấc mơ cũng là việc khó.
Thật vậy, giữ tâm trong lúc tụng kinh thì dễ, nhưng ngủ không nằm mơ là chuyện khó ai kiểm soát được. Tôi đã tập và có kết quả là trước khi ngủ, nên tụng một thời kinh ngắn, hoặc tụng Bổn môn Pháp hoa, hoặc tụng Hồng danh Pháp hoa, chúng ta niệm Phật và đi vào giấc ngủ. Tập như vậy quen, thì trong giấc ngủ, chúng ta vẫn niệm Phật, hoặc lên đàn Dược Sư tụng và trong giấc ngủ thấy được Phật Dược Sư, hay thấy thế giới Tịnh Lưu Ly của Ngài, hiệu quả càng cao hơn. Còn giấc ngủ không kiểm soát được, chúng ta thấy những điều không tốt, không lành, đàn Dược Sư cũng hư. Kết quả phần nhiều không cao, vì chúng ta chỉ có hình thức, phần thật tu còn yếu kém.
Ban đầu gội rửa thân chúng ta sạch sẽ, để ý thức mình bắt đầu cuộc đời mới. Và khi tâm nghĩ được Phật, thì Phật lực gia bị, tâm chúng ta cũng trở thành thanh tịnh trong suốt như ngọc. Chính tâm thanh tịnh này của ta tác động đến chúng sanh thấy ta cũng được thanh tịnh theo. Ta thấy Phật được thanh tịnh, người thấy ta cũng thanh tịnh, là họ thấy Phật qua ta. Đây là đàn thanh tịnh, nhờ đó người được thanh tịnh và phát tín tâm, thì cũng ngăn chặn được ác ma bên ngoài.
Dù họ thế nào, nhưng bước vào đàn Dược Sư, họ cũng phải sợ, không dám nghĩ bậy, nói bậy, làm bậy. Đây là lời nguyện của Phật Dược Sư, hễ ai thấy Ngài, nghe danh Ngài, nghĩ đến Ngài, tâm liền thanh tịnh, nghiệp không hiện ra mà phước hiện ra, nên người thấy ta là Phật, ít nhất là Phật trong giờ chúng ta làm lễ. Còn ra ngoài, thì nghiệp chúng ta hiện ra; lúc làm lễ, nghiệp chúng ta được thanh tịnh.
Ta bắt gặp được nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư, có được tâm thanh tịnh là phần cốt lõi tốt đẹp rồi, tất cả tai nạn, bệnh hoạn cũng theo đây tiêu mất. Thật vậy, chúng ta có nghiệp mới có bệnh, gặp tai nạn. Nhưng nghiệp thanh tịnh, bệnh phải hết, tai nạn phải qua.
Mở đàn Dược Sư tụng bảy ngày, nhờ bảy vị vào đàn thanh tịnh mà cảm được Phật Dược Sư. Bệnh nhân cảm Phật Dược Sư qua bảy vị này, nên bệnh họ hết, chữa lành bệnh từ tâm.
Chúng ta tu sai pháp, làm không đúng, lại bệnh hoạn, buồn phiền hơn. Không thấy cái sai của mình, mà lại phạm thêm sai lầm nữa, là nghĩ Phật không linh nghiệm. Kết quả tu sai của chúng ta làm cho người nghĩ Phật sai và họ cũng không dám tu, chúng ta phạm thêm tội phá pháp, một tội rất nặng.
Đức Phật Dược Sư có bảy vị Bồ-tát thị tùng là Nhựt Quang Biến Chiếu Bồ-tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát, Cứu Thoát Bồ-tát, Bảo Đàn Hoa Bồ-tát và Di Lặc Bồ-tát.
Bảy vị Bồ-tát này tiêu biểu cho bảy đàn được thành lập, hay một đàn có bảy người tiêu biểu cho bảy Bồ-tát. Đức Phật Dược Sư có bảy Bồ-tát trợ thủ, nên hiệu quả của Ngài rất cao.
Ở đây, nếu bảy thầy, hay bảy cô lâm đàn mà không tiêu biểu được cho bảy Bồ-tát, thì đàn không linh nghiệm. Bảy thầy, hay bảy cô phải hiện được thân của bảy Bồ-tát và có tâm lượng như các ngài, đàn mới linh nghiệm.
Nhựt Quang và Nguyệt Quang là hai vị Bồ-tát thượng thủ trong đàn của Phật Dược Sư. Nhựt Quang tiêu biểu cho ánh sáng của mặt trời chiếu vào nhân gian, thiêu hủy được trần lao nghiệp chướng của con người.
Trong đàn phải hiện diện một vị thượng thủ có uy đức như vậy, khiến mọi người kính nể, không ai dám có ý nghĩ gì, không dám nói gì, tạo thế thanh tịnh cho đàn. Ví như vị Chánh na ở chùa tiêu biểu cho người đức độ, quyền uy làm cho đại chúng thanh tịnh. Vị này đi vắng là chùa lộn xộn.
Nguyệt Quang Bồ-tát cũng tiêu biểu cho ánh sáng, nhưng ánh sáng mặt trăng mát dịu hơn. Kinh Hoa nghiêm diễn tả Bồ-tát Nguyệt Quang như sau:
Bồ-tát thanh lương nguyệt
Thường du tất cánh không
Chúng sanh tâm cấu tịnh
Bồ-tát ảnh hiện trung.
Nghĩa là tâm Bồ-tát này rộng lượng, bao dung, không lưu lại bất cứ điều gì trong lòng. Cần có một người như vậy để dẫn chúng, lấy tâm đại chúng làm tâm mình, nên được đại chúng thương mến.
Vì thế, Bồ-tát Nhựt Quang được ví như người cha có uy đức mà đứa con phải kính sợ. Ví Bồ-tát Nguyệt Quang như người mẹ với tình thương bao la. Bồ-tát Nguyệt Quang không bao giờ áp đặt điều gì cho người. Ngài chỉ tiếp nhận vui buồn của người, nên tâm chúng sanh dơ hay sạch, Bồ-tát cũng không quan tâm, ngài vẫn gần gũi, thân thương giúp đỡ họ.
Đàn tràng chúng ta cần người có tâm rộng lượng, bao dung mọi người, dù người đó thiện hay ác, giàu hay nghèo, họ cần là sẵn lòng giúp.
Ngoài ra, còn có Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng cũng rất đặc biệt. Dược Vương là hiện thân của Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ-tát. Tìm một người mà ai cũng thương mến để đứng vô đàn cũng khó. Người không được ai thương mến, ở trong đàn thì đàn hư. Bước chân vô đàn, thấy Bồ-tát Dược Vương, ai cũng hết buồn phiền, được mát mẻ, an vui.
Dược Thượng Bồ-tát là đại lương y luôn cứu giúp người. Bệnh nhân thấy ngài là hết bệnh. Chúng ta vào đàn Dược Sư, tụng kinh một trăm ngày không mệt, vì có Dược Thượng cứu. Đàn chúng ta thiếu vắng Bồ-tát Dược Thượng nên tụng kinh một lúc là xỉu.
Đàn Dược Sư thanh tịnh nhờ có bảy vị Bồ-tát thị tùng Phật Dược Sư. Các ngài cũng là Bồ-tát trong hội Pháp hoa của Phật Thích Ca. Chúng ta tu Pháp hoa, trì tụng Dược Sư, liên tưởng đến Pháp hoa và kết hợp được Phật và Bồ-tát trong Pháp hoa. Từ đó, tâm chúng ta được an vui, thanh tịnh; người khác cũng nương nhờ công đức này mà vượt qua tai nạn, khỏi bệnh, nghiệp tiêu.
Vì vậy, ngay trong Ta-bà, Phật Thích Ca khuyên chúng ta dựng đàn Dược Sư để cầu nguyện thế giới của Phật Dược Sư ảnh hưởng đến thế giới này, làm cho thanh tịnh như thế giới của Đức Dược Sư.
Phật dạy chúng ta dựng đàn Dược Sư đốt đèn tiêu biểu cho ánh sáng, cũng có nghĩa là tiêu biểu cho trí tuệ. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta đọc tụng, suy tư, dạy người làm phước, thì được công đức không thể nghĩ bàn, không phải chỉ đọc kinh, lập đàn treo phan thôi.
Lịch sử nước ta đã cho thấy bà Ỷ Lan mở kho bố thí cúng dường, bà nói rằng lương thực do dân làm ra, nên dân đói, phải chia sẻ cho dân trước; nhờ vậy, bà nổi tiếng là Quan Âm tái hiện. Mở kho bố thí, cúng dường chúng Tăng, làm người nghĩ rằng vua thương dân, lo cho dân, nên dân hết lòng với đất nước. Còn vua ác gom về cho riêng mình, để dân đói, sẽ dẫn đến việc dân nổi loạn, cướp phá.
Phật dạy đem thế giới của Phật Dược Sư đặt vào Ta-bà, Ta-bà thanh tịnh liền, bằng cách mở kho bố thí, thì sẽ không xảy ra ý niệm tranh cướp kho của nhà nước và khi dân đã no đủ rồi, dù có xúi giục họ chống đối, họ cũng không nghe theo.
Được thành quả như vậy, chúng ta đã thâm nhập đàn Dược Sư đúng pháp, không cô phụ lời Phật dạy, làm cho Phật pháp tồn tại trên thế gian lợi ích chúng hữu tình.
Quý vị đọc tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ về 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và phát tâm tu, thực hành đúng giáo pháp Phật dạy trong cuộc sống, chắc chắn tất cả đệ tử Phật đều tiếp nhận được Phật lực gia bị, đều thoát khỏi khổ đau, đều được thăng hoa phước đức, trí tuệ. Thành quả tu tạo được lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, tùy thuộc ở mỗi chúng ta thể hiện tâm lực, nguyện lực, hạnh lực đến mức độ nào trên bước đường đi theo dấu chân Phật.
Mong rằng tất cả hành giả của các đàn tràng Dược Sư đều thâm nhập được thế giới Tịnh Lưu Ly, diện kiến được Đức Phật Dược Sư, chư vị Bồ-tát, cùng 12 vị Dược Xoa thần tướng và tiếp nhận được lực gia trì của các Ngài, để thân luôn được bình an, trí luôn sáng suốt và gặt hái được những gì tốt đẹp nhất theo Phật dạy.