Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025: Hội thảo quốc tế khép lại thành công sau phiên thảo luận thứ 3

Đông đảo các học giả tham dự Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - Ảnh: Nguyên Tài/BGN
Đông đảo các học giả tham dự Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - Ảnh: Nguyên Tài/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cuối giờ chiều nay 7-5, Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM thảo luận phiên cuối cùng, với 50 tham luận được trình bày tại 5 diễn đàn với cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Tại Diễn đàn 1 với chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Tiến sĩ Lye Ket Yong, Chủ tịch Trung tâm Thiền Trung Đông tại U.A.E, trình bày tham luận chủ đề “Hòa bình thế giới thông qua hòa bình nội tâm: Sức mạnh chuyển hóa của thiền định”.

Theo quan điểm của diễn giả, “Hiệu ứng lan tỏa của sự chuyển đổi nhận thức là không thể đo lường được ví như bắt đầu từ một cá nhân, nếu mọi người trên thế giới thực hành thiền định cho đến khi họ đạt được sự bình an nội tâm, một làn sóng năng lượng tích cực lan tỏa ra khắp các gia đình, cộng đồng, xã hội và quốc gia. Điều đó mang lại an ổn cho thế giới”.

Không khí làm việc khoa học và khẩn trương của Hội thảo

Không khí làm việc khoa học và khẩn trương của Hội thảo

Tại Diễn đàn 2 với chủ đề “Chữa lành bằng chánh niệm, con đường hòa giải”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt. “Từ bi kết hợp với trí tuệ, tình thương đi đôi với lẽ phải và lý trí, đó chính là nền tảng của triết lý sống của người Phật tử Việt Nam qua các thời đại. Thực là một lý giải hết sức giản dị. Nhưng quán triệt được nó vào trong cuộc sống, không phải chỉ là cuộc sống của lớp trí thức lãnh đạo, mà là cả cuộc sống hằng ngày của đông đảo những người dân bình thường. Đó quả là một công việc khó khăn và phức tạp. Thế nhưng, Phật tử Việt Nam, hay rộng hơn người dân Việt đã tùy theo những nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra đã thể hiện triết lý sống và hành động của mình, thành tựu được với những kỳ tích hào hùng và vinh quang trong dòng chảy lịch sử dân tộc.”, đó là quan điểm của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trình bày trong tham luận “Triết lý sống của người Phật tử Việt Nam trong việc xây dựng thế giới 'hòa bình' và 'hạnh phúc'”.

Tại Diễn đàn 3 với chủ đề “Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Tiến sĩ Hứa Thế Đức, nguyên giảng viên Đại học Montpellier (Pháp) trình bày tham luận “Phước và khoa học bi mẫn: Thực hành Phật giáo như con đường dẫn đến sức khỏe, hạnh phúc và lợi ích biểu sinh xuyên thế hệ”.

“Được xây dựng trên nền tảng từ bi, vị tha và chánh niệm, phước thường được hiểu là sự tích lũy công đức - lực lượng nghiệp báo không chỉ định hình cuộc sống hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.”, thông qua tham luận, diễn giả bày tỏ quan điểm của mình.

Hội thảo đúc kết được nhiều giá trị tri thức, phục vụ cho sự phát triển của Phật giáo

Hội thảo đúc kết được nhiều giá trị tri thức, phục vụ cho sự phát triển của Phật giáo

Tại Diễn đàn 4 với chủ đề “Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Tiến sĩ Lý Thị Ngọc Dung, Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận “Giáo dục thế hệ trẻ qua hệ thống triết lý Phật giáo: Từ bi, trí tuệ và nhân quả (nghiên cứu trường hợp sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)”.

“Triết lý Phật giáo là hệ thống tư tưởng giàu giá trị nhân văn, hướng đến việc nuôi dưỡng đạo đức, phát triển trí tuệ và xây dựng lối sống hài hòa cho con người. Cốt lõi của triết lý này nằm ở ba giá trị chính: từ bi, trí tuệ và nhân quả; hiểu và thực hành giá trị này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ.”, Tiến sĩ Lý Thị Ngọc Dung trình bày quan điểm của mình trước Hội thảo.

Tại Diễn đàn 5 với chủ đề “Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu”, Hội thảo được nghe 5 tham luận tiếng Anh và 5 tham luận tiếng Việt, trong đó Tiến sĩ Kalinga Seneviratne, sáng lập viên mạng lưới truyền thông Lotus, Australia trình bày tham luận “Truyền thông có chánh niệm mở ra con đường mới cho ngành báo chí vì hòa bình”.

“Tôi nghĩ tin tức phải mang tính phê phán, nhưng việc phê phán không nhất thiết phải mang tính đối đầu. Phê phán là nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan, nhưng cách tiếp cận để làm điều đó không nhất thiết phải mang tính tiêu cực. Chúng ta phải tìm ra một khái niệm để tìm ra một giải pháp cho báo chí hiện đang dựa trên mô hình báo chí đối đầu vay mượn từ phương Tây. Khi chúng ta nói về tính tiêu cực, bản thân tin tức không mang tính tiêu cực, mà là cách tiếp cận và giải thích tin tức.”, Tiến sĩ Kalinga Seneviratne bày tỏ quan điểm của mình.

Sau hơn 2 giờ làm việc tập trung, nghiêm túc và khoa học, phiên thứ 3 của Hội thảo kết thúc đúc kết được nhiều giá trị tri thức cho học thuật Phật giáo thế giới, chính thức khép lại thành công Hội thảo khoa học quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM với hơn 150 tham luận được trình bày tại các diễn đàn với hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.