Cùng với niềm hân hoan đó, nhiều ưu tư cũng được bộc bạch, với ước mong Đại lễ Phật đản ngày mỗi lớn hơn, được phổ biến hơn trong đời sống xã hội, xứng đáng với truyền thống Phật giáo trong quá khứ và với lịch sử hiện hữu, gắn bó với dân tộc hơn 2.000 năm qua.
Vesak - Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - ấn tượng khó phai
Có thể nói ấn tượng về Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc cách đây 2 năm đã thực sự thỏa lòng mong ước của người Phật tử Việt Nam. Lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, hình ảnh lá cờ Phật giáo được tung bay trên khắp nẻo đường, thông tin về Đại lễ Phật đản được truyền thông trên các cơ quan báo chí, được truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình quốc gia… Người Phật tử Việt Nam hân hoan thấy quá khứ lịch sử được tái hiện, như nhiều nghiên cứu đã khẳng định: Đại lễ Phật đản từng là sự kiện quốc lễ của đất nước ta ở một số triều đại, giai đoạn lịch sử.
Nếu ai từng được sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng với chúng ta như Thái Lan, Miến Điện, Hàn Quốc, Đài Loan… vào dịp Đại lễ Phật đản (ngày Vesak) thì không khỏi ngậm ngùi khi nhìn lại sự kiện văn hóa mang tính nhân loại ấy trên quê hương Việt Nam.
Khắp nơi, không kể các trung tâm Phật giáo, các ngôi chùa…, từ các khu dân cư, các điểm công cộng như siêu thị, sân bay… các lễ đài Đức Phật đản sanh được thiết trí trang nghiêm, để mọi người có thể lễ bái, cầu nguyện và thực hiện nghi thức tắm Phật cầu phúc, chúc phúc cho người thân, gia đình. Đó là chưa kể đến các lễ hội Phật đản được xã hội hóa, trở thành một lễ hội văn hóa có tác dụng tạo dựng những giá trị sống đầy tình thương cho số đông.
Sự hiện diện của các lễ đài và lễ hội như thế có ý nghĩa rất thiết thực, như nhắc nhở con người về những giá trị sống nhân văn trong bối cảnh khủng hoảng đạo đức, sự mất cân bằng trong đời sống tinh thần của con người.
Ngẫm đến ta
Hàng năm, đất nước ta có đến hàng trăm lễ hội. Với chủ trương của Nhà nước là tìm về cội nguồn dân tộc, nhiều lễ hội được phục dựng sau thời gian đi vào quên lãng. Có những lễ hội có ý nghĩa tốt, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, nhưng rất nhiều lễ hội, xét về góc độ đạo đức, có sự kích thích tính bạo động và hung dữ của con người, chẳng hạn như những lễ hội đâm trâu, chọi trâu…
Một nghịch lý nhưng lại ít thấy sự phản biện, đó là những lễ hội có sự kích thích tính bạo động và hung dữ trong con người kia ra đời trong những bối cảnh đặc biệt của xã hội đặc thù nông nghiệp, có rất nhiều khác biệt so với xã hội chúng ta ngày nay, lại được đề cao và gắn cho cụm từ "bản sắc dân tộc", rồi được các phương tiện truyền thông đưa tin, được phổ biến tận hang cùng ngõ hẻm một cách sinh động và hình ảnh cụ thể qua truyền hình, trong lúc chúng ta đang kêu gào rằng đạo đức lối sống đang bị xuống cấp trầm trọng, giá trị sống bị lung lay gốc rễ… Phải chăng chúng ta đang "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong tiến trình xây dựng đời sống văn hóa, lối sống văn minh?
Trong lúc đó, sau Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, Đại lễ Phật đản trong thế giới thông tin ở nước ta rất hời hợt, ít được chú ý.
Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Phật giáo. Điều đó đã được khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, tư tưởng ở trong và ngoài nước. Như Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định: "Đạo Phật gắn bó với dân tộc từ thuở bình minh của lịch sử. Phật giáo luôn là ngọn đuốc soi sáng ở xứ ta". Điều đó cũng được các nhà đầu tư nước ngoài nhận diện khi đến làm việc ở Việt Nam, chẳng hạn qua phát biểu của chủ thầu người Nhật Bản trong lễ khánh thành cầu Cần Thơ mà Giác Ngộ có đề cập trong mục Câu chuyện trong tuần trước đây không lâu. Thế nhưng, những thông tin về Đại lễ Phật đản - một lễ hội văn hóa tâm linh mang tính toàn cầu và một sự kiện lớn nhất của Phật giáo ta lại được diễn ra trong âm thầm, chưa được giới truyền thông chú ý đúng với tầm vóc của nó.
Có những người Phật tử nhiều ưu tư cũng đã có sự so sánh với lễ Giáng sinh của tôn giáo bạn. Mật độ xuất hiện của lễ Giáng sinh hầu như dày đặc trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên sóng truyền hình, cả những nơi công cộng. Những so sánh như thế cho rằng đang có một sự không bình đẳng trong khi chúng ta đang thực hiện chính sách bình đẳng tôn giáo. Cách suy nghĩ như thế có thể là chưa chính xác, nhưng nhìn vào thực tế, điều đó là có căn cứ qua hình ảnh trực quan sinh động đã và đang diễn ra, có dấu hiệu ngày mỗi mạnh mẽ hơn.
Thực tế này có nhiều nguyên nhân, nhưng người dân thường ít có đủ cứ liệu để biết, để hiểu các nguyên nhân sâu xa, cho nên cũng cần có những giải pháp để điều chỉnh, tránh cho người dân có những phân biệt không tích cực, cản trở việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là đối với bộ phận người dân có tín ngưỡng.
Mong ước
Hầu hết người Phật tử ai cũng có mơ ước về những chương trình Mừng Phật đản trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên sóng truyền hình quốc gia.
Vào những dịp Giáng sinh, các phát thanh viên, biên tập viên một số chương trình mở đầu và kết thúc bằng câu: "Chúc Giáng sinh an lành". Người Phật tử, với tư cách là khán giả, một khách hàng tất nhiên cũng có mong muốn các phát thanh viên, biên tập viên kia có lời "Chúc Phật đản an lành" trong mùa Phật đản. Thực ra, đó là mong ước giản dị, mà không phải là sự đòi hỏi. Thực tế họ đủ sức và thừa lý do để đòi hỏi một điều nhỏ nhoi như thế.
Tất nhiên, họ cũng mong ước được thưởng thức những chương trình âm nhạc Phật giáo trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các trang nhà điện tử là các cơ quan báo chí thuộc các đơn vị Nhà nước chủ quản. Bởi kho tàng tân nhạc Phật giáo không phải nghèo nàn, mà ngược lại rất phong phú, giàu chất nhân văn.
Một tin vui, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế đã phối hợp cùng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế truyền hình trực tiếp Lễ Thắp sáng Bảy Hoa Sen trên sông Hương trên kênh HVTV tối 21-5 (tức 8/4 âm lịch) vừa qua. Một tín hiệu vui trong mùa Phật đản PL. 2554. Hy vọng sen không chỉ nở trên sông Hương, ở khu vực miền Trung, mà sẽ được nở trên khắp đất nước ta vào mùa Phật đản năm sau.