Đại học Edinburgh ra mắt chương trình Thạc sĩ về Nghiên cứu Phật giáo

Đại học Edinburgh ra mắt chương trình Thạc sĩ về Nghiên cứu Phật giáo để giúp sinh viên hiểu biết toàn diện về triết học Phật giáo, đạo đức, nghệ thuật, văn hóa vật thể, kinh văn và các diễn giải hiện đại về Phật giáo
Đại học Edinburgh ra mắt chương trình Thạc sĩ về Nghiên cứu Phật giáo để giúp sinh viên hiểu biết toàn diện về triết học Phật giáo, đạo đức, nghệ thuật, văn hóa vật thể, kinh văn và các diễn giải hiện đại về Phật giáo
GNO - Đại học Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh) đã ra mắt chương trình Thạc sĩ Khoa học (MSc) về Nghiên cứu Phật giáo, nhằm cung cấp phương pháp tiếp cận đa ngành về lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo.

Chương trình mới này được thiết kế để giúp sinh viên hiểu biết toàn diện về triết học Phật giáo, đạo đức, nghệ thuật, văn hóa vật thể, kinh văn và các diễn giải hiện đại về Phật giáo. Chương trình phản ánh cam kết của trường đại học đối với nghiên cứu Phật giáo, mời gọi các học giả tinh thông trên nhiều ngành và trường khác nhau vào bên trong viện.

Giám đốc chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu Phật giáo, Tiến sĩ Paul Fuller, bày tỏ sự phấn khích khi hướng dẫn sáng kiến mới này. “Thật vô cùng phấn khích khi tôi trở thành giám đốc chương trình đầu tiên của Thạc sĩ Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Edinburgh”, ông chia sẻ với Buddhist Door Global. Tiến sĩ Fuller nhấn mạnh sự đa dạng của chương trình, lưu ý rằng chương trình bao quát phạm vi rộng lớn về địa lý, ngôn ngữ và nhiều quan điểm lịch sử về Phật giáo.

Tiến sĩ Fuller cho biết thêm: “Chúng tôi muốn chương trình này thử thách sinh viên, đổi mới, sáng tạo, để đạt được trình độ uyên thâm và có nền tảng học thuật vững chắc”.

Chương trình mới được cấu trúc để cung cấp cả tổng quan rộng lẫn các lựa chọn học tập chuyên biệt. Các khóa học cốt lõi bao gồm “Envisioning Buddhist Studies: Methods and Themes” (Hình dung Nghiên cứu Phật giáo: Phương pháp và Chủ đề) và “Approaches to Research in Divinity and Religious Studies” (Tiếp cận nghiên cứu về Thần học và các nghiên cứu tôn giáo), trong khi sinh viên cũng được yêu cầu hoàn thành luận văn dài 15.000 từ.

Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn từ nhiều khóa học tùy chọn, chẳng hạn như “Nghiên cứu Phật giáo trong thực hành”, “Phật giáo Theravada từ Benares đến Bangkok”, “Đạo đức Phật giáo” và “Nghệ thuật và tín ngưỡng ở vùng Himalaya”. Các khóa học với nội dung trải rộng này phản ánh bản chất liên ngành của chương trình, cho phép sinh viên khám phá các khía cạnh khác nhau của Phật giáo qua nhiều vùng khác nhau và qua các giai đoạn lịch sử.

Các khóa học với nội dung trải rộng này phản ánh bản chất liên ngành của chương trình, cho phép sinh viên khám phá các khía cạnh khác nhau của Phật giáo qua nhiều vùng khác nhau và qua các giai đoạn lịch sử
Các khóa học với nội dung trải rộng này phản ánh bản chất liên ngành của chương trình, cho phép sinh viên khám phá các khía cạnh khác nhau của Phật giáo qua nhiều vùng khác nhau và qua các giai đoạn lịch sử

Giáo sư Naomi Appleton, một thành viên của khoa Thần học, đã bày tỏ sự nhiệt tình đối với tinh thần hợp tác cho chương trình: “Chúng tôi rất may mắn tại Edinburgh khi có nhiều đồng nghiệp trên khắp đại học này tinh thông về các khía cạnh khác nhau của Nghiên cứu Phật giáo về mặt chuyên ngành, khu vực, thời đại và sở thích chủ đề”. Giáo sư Appleton đặc biệt hào hứng về khóa học mới “Nghiên cứu Phật giáo trong thực hành”, cho phép sinh viên tham gia vào các dự án thực tập, chẳng hạn như khám phá các hiện vật Phật giáo tại Bảo tàng Quốc gia Scotland hoặc tạo ra các nguồn tài nguyên giáo dục. “Sẽ rất thú vị khi được đi theo chương trình!”, bà nhận xét.

Tiến sĩ Yashaswini Chandra của Đại học Nghệ thuật Edinburgh đã nêu bật ý nghĩa đạo Phật với lịch sử và văn hóa, đặc biệt là tác động của Phật giáo đối với nghệ thuật và văn hóa Ấn Độ. Tiến sĩ Chandra lưu ý rằng: “Phật giáo đã có tác động vô cùng to lớn đến nghệ thuật, văn hóa, lịch sử và chính trị của Ấn Độ ngay cả sau khi Phật giáo đã biến mất ở quê hương Ấn Độ”. Nghiên cứu của bà tập trung vào sự lan tỏa của nghệ thuật và văn hóa từ tiểu lục địa Ấn Độ đến các khu vực khác của châu Á, đặc biệt quan tâm đến vai trò của vùng núi Himalaya như một ngã tư văn hóa.

Tiến sĩ Abigail MacBain, một học giả về Nghiên cứu châu Á tại khoa Văn học, Ngôn ngữ và Văn hóa, đã nhấn mạnh nền tảng liên ngành của chương trình. Bà cho biết: “Chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu Phật giáo của Đại học Edinburgh được xây dựng dựa trên nguyên tắc nền tảng nghiên cứu về tôn giáo vốn có tính liên ngành”. Nghiên cứu của Tiến sĩ MacBain tập trung vào sự truyền bá Phật giáo đến Nhật Bản thời kỳ đầu, đặc biệt quan tâm đến Phật giáo tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho việc trao đổi các kinh văn, ý tưởng và các biểu hiện văn hóa như nghệ thuật, âm nhạc và nghi lễ trên khắp Đông Á thời tiền hiện đại.

Việc đào tạo Thạc sĩ Khoa học về Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Edinburgh biểu thị sự bổ sung đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo, cung cấp cho sinh viên một chương trình giảng dạy vững chắc và đa dạng. Khi chuẩn bị chào đón nhóm đầu tiên, chương trình này hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm đầu đàn về nghiên cứu Phật giáo, được hỗ trợ bởi một nhóm học giả tận tụy với tinh thông chuyên môn rộng. Tiến sĩ Fuller, tóm tắt các mục tiêu của chương trình, tuyên bố: “Trên hết, chúng tôi muốn sinh viên của chương trình suy nghĩ lại về làm thế nào các ý tưởng và thực hành Phật giáo đã định hình cả nền văn hóa châu Á và hiện đại”.

Chương trình hiện đang tiếp nhận đơn đăng ký, với thông tin chi tiết có thể được tìm thấy thông qua công cụ tìm kiếm bằng sau đại học của Đại học Edinburgh.

Justin Whitaker

(Cao Huy Hóa dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.