“Đại đế Asoka - Từ huyền thoại đến sự thật”

GNO - Đó là tên một đầu sách mới mà GS.Lê Tự Hỷ vừa cho ra mắt nhân dịp Đại lễ Phật đản năm nay, với buổi trò chuyện thân mật cùng chư Tăng Ni, Phật tử và độc giả tại khóa tu “Xuất gia gieo duyên” ở chùa Giác Ngộ (Q.10, TP. HCM) vào sáng nay, 30-4, trong sự chủ trì của TT.Thích Nhật Từ.

H_nh 1.jpg


TT.Thích Nhật Từ giới thiệu về buổi trò chuyện cùng
GS.Lê Tự Hỷ với tập sách “Đại đế Asoka - Từ huyền thoại đến sự thật

Với nhan đề “Đại đế Asoka - Từ huyền thoại đến sự thật”, GS.Lê Tự Hỷ đã một lần nữa kể lại câu chuyện về cuộc đời của vị vua Asoka, mà ở Việt Nam, Phật tử vẫn thường biết đến ngài với cái tên A Dục Vương. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần như những gì chúng ta vẫn biết về Đại đế Asoka, giáo sư đã tiếp nối vào “huyền thoại” đó một “sự thật” nói lên cuộc đời ngoại hạng của ngài, từ một bạo chúa với biệt danh Asoka - tàn ác, trở thành hoàng đế Asoka - Phật pháp, lưu truyền cho đến nay.

Qua những tìm tòi, nghiên cứu và thu thập từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt là những ghi chép, mẫu tự, bằng chữ Phạn trên các trụ đá do vua Asoka để lại, GS.Lê Tự Hỷ thông qua tác phẩm “Đại đế Asoka - Từ huyền thoại đến sự thật” đã thật sự tái hiện một cách sống động cuộc đời trước và sau khi trở thành Phật tử của một vị Đại đế cách đây ngót hơn 23 thế kỷ, với những chính sách cai trị xã hội rất mực tiên tiến, dựa trên đạo đức Phật giáo, ngài chăm lo hạnh phúc không chỉ cho thần dân của mình, mà còn cho cả thú vật và cỏ cây.

H_nh 22.jpg
GS.Lê Tự Hỷ tóm lược về câu chuyện cuộc đời ngoại hạng của vua Asoka

H_nh 3.jpg
Đông đảo Phật tử tham dự khóa tu hoan hỷ lắng nghe

Tại buổi trò chuyện, GS.Lê Tự Hỷ chia sẻ: “Thông qua quyển sách nhỏ này, với những gì tôi hiểu biết được, mong chuyển tải đến để tất cả mọi người cùng được biết như tôi. Đồng thời, với câu chuyện chuyển hóa của vua Asoka đến với con đường chánh thiện, tôi còn hy vọng đem lại cho cuộc sống của mọi người chút gì an lạc, chút gì niềm vui và lắng đọng, để có thể tìm đến với bờ giác như Asoka Đại đế đã từng làm được”.

Đồng thời, giáo sư cũng gửi đến thông điệp từ tác phẩm của mình rằng: “Là bất cứ ai, dù đã phạm phải lầm lỗi đến thế nào, dù đã tàn ác ra sao, đều có thể có cơ hội thay đổi, tất cả chúng ta đều có cơ hội để sửa chữa và thay đổi cuộc đời của chính mình, chuyển hóa nó một cách tích cực hơn. Vì vậy không cớ gì chúng ta vội vàng bỏ cuộc”.

H_nh 8.jpg


TT.Thích Nhật Từ khép lại buổi trò chuyện và cùng chụp hình lưu niệm với GS.Lê Tự Hỷ

Được biết, sự xuất hiện của tập sách lần này còn là dấu mốc đầu tiên cho việc lập một quỹ hỗ trợ việc học chữ Phạn do chính GS.Lê Tự Hỷ đề xuất, với ý nghĩa rằng việc học chữ Phạn là rất cần thiết đối với bất cứ ai, là các Tăng Ni, Phật tử, người nghiên cứu Phật giáo… để có cái nhìn am hiểu rõ nét, chân thực và sâu sát hơn về đạo Phật.

GS.Lê Tự Hỷ được biết đến là một nhà nghiên cứu chữ Phạn nổi tiếng của Việt Nam. Từng tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, hiện bên cạnh công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ông còn miệt mài tiến hành nhiều công trình nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước. Đặc biệt là niềm say mê chữ Phạn với việc truyền dạy miễn phí tại các tự viện Phật giáo cho quý Tăng Ni, Phật tử có mong muốn tiếp thụ tiếng Phạn ở Việt Nam.

H_nh 10.jpg
GS.Lê Tự Hỷ ký tặng sách cho độc giả

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.