GN - Hoan hỷ chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, vào tối 19-11-2017, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Phật giáo đương đại tại Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Chư tôn đức giáo phẩm tham quan triển lãm
51 tác phẩm hội họa, 8 tác phẩm điêu khắc của 60 họa sĩ, điêu khắc gia, Phật tử trưng bày tại triển lãm đã hướng vào mỹ cảm với tâm từ bi và trí tuệ. Các bức tranh được bài trí theo 5 chủ đề phong cách nghệ thuật chính như: nội dung trong Tam tạng kinh điển Phật giáo; sự hòa nhập của đạo Phật trong đời sống của nhân loại; thể hiện sự tiệm ngộ trong quá trình tu tập, thực hành Phật pháp; tái hiện nghệ thuật Phật giáo theo phong cách truyền thống; tái hiện nguyên bản kinh văn, chân ngôn Phạn tự, chữ Tạng-Việt-Hán-Nôm, tranh tượng Phật giáo, mandala và thangka cổ xưa.
Phát biểu khai mạc triển lãm, TT.Thích Minh Hiền, Phó ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nhận định: “Nghệ thuật và tôn giáo vốn gắn bó tương duyên từ thuở hồng hoang của nhân loại. Trong đó, nghệ thuật Phật giáo với trên 2.600 năm phát triển luôn có nét đặc sắc riêng, mang tính phổ quát với khả năng truyền cảm sâu thẳm, khơi dậy tâm thức trí tuệ con người tìm về cội nguồn, dẫn dắt cái đẹp theo pháp môn Bất nhị và đồng hành cùng thời đại. Mục đích của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát nên nghệ thuật Phật giáo ca ngợi, tôn vinh sự giải thoát tối thượng, mỗi tác phẩm mỹ thuật đều là sự ngộ đạo theo từng mức độ khác nhau. Mỹ thuật Phật giáo xuất phát từ tâm từ bi của bậc Đại Giác ngộ, từ tam tạng kinh điển, từ trái tim mẫn cảm của mỗi nghệ sĩ, theo các cung bậc tình cảm luôn khác lạ của trí tuệ nhưng vi tế, vô cùng vô tận của vũ trụ và con người”.
TT.Thích Minh Hiền cho biết, hoạt động mỹ thuật Phật giáo nổi bật trong những năm vừa qua có thể kể đến các cuộc triển lãm mỹ thuật do các Phật tử mà nòng cốt là nhóm nghệ sĩ Mặc Hương - Đạo tràng Chân-Tịnh Hà Nội thực hiện tại một số tỉnh thành trong cả nước. Lần này, triển lãm Mỹ thuật Phật giáo đương đại tại thủ đô Hà Nội là sự kiện chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022). Đây cũng là dịp hy hữu để các văn nghệ sĩ Phật tử tụ hội, học tập, sáng tác và thưởng lãm nghệ thuật.
Với quy mô, số lượng tác phẩm và tác giả vượt trội hơn hẳn so với các kỳ triển lãm mỹ thuật Phật giáo trước đây, các tác phẩm trong triển lãm lần này hầu hết được sáng tác trong giai đoạn từ 2010 đến 2017. Trong đó, có sự tham gia của các danh họa chuyên môn cao, nhiều tác giả cao niên và trẻ tuổi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, được thể hiện với nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa, mực nho, đồng, gỗ, kính… tạo nên một không gian triển lãm đa dạng trong phong cách, chất liệu, trang trọng và đầy ấn tượng.
Ngay sau lễ khai mạc và nghi thức cắt băng khai trương phòng triển lãm, ngót một nghìn khách tham quan đã vào chiêm ngưỡng tranh. Bảo tàng của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mặt bằng rộng rãi thênh thang nhưng cũng không chứa hết lượng khách chiêm ngưỡng chật kín.
Trưng bày tại triển lãm không phải tranh vẽ phong cảnh Phật giáo, không tìm thấy hình ảnh chùa chiền hay thắng cảnh Phật giáo. Mỹ thuật ở đây sử dụng các thủ pháp siêu thực, trừu tượng, ước lệ, tượng trưng nhằm truyền tải giáo lý, minh triết Phật giáo.
"Lục diệp hoàng liên"
Sen là chủ đề không thể thiếu được trong các triển lãm mỹ thuật Phật giáo, bởi loài hoa này từ lâu được biểu trưng cho Phật tính, sự vô nhiễm trong tâm tưởng con người. Với khoảng hơn chục bức tranh vẽ hoa sen, tuy nhiên sen ở triển lãm lần này không mang những màu sắc rực rỡ tươi vui như những kỳ triển lãm trước, mà đẫm nét trầm uẩn trong sự tối giản của màu sắc nhưng đa dạng cách thể hiện suy tư đầy ắp tính triết học.
Ấn tượng nhất là bức tranh sơn mài khổ lớn kích thước dài 3 m, cao 1,6 m của họa sĩ Phật tử Nguyễn Quang Đức (Pháp danh Quảng Thái) mang tên “Lục diệp hoàng liên”. Chất liệu sơn mài vốn là thế mạnh của Quang Đức, khi chuyển tải vào sen, tác giả đã tạo nên hiệu ứng khác biệt. Cả đầm sen rộng bao la, cơ hồ như sen tràn ra cả bên ngoài, còn nữa, còn nữa ở phía bên ngoài tranh là sen nối sen bất tận đến chân trời.
"Liên chủng giác"
Bức “Liên chủng giác” của họa sĩ Lê Tiến Công vẽ hoa sen trong tâm. Sen ở đây không phải sen thường hằng hiện hữu trên thế gian, mà được họa sĩ sáng tạo cách điệu nhờ cấu trúc mandala, hút mắt người nhìn vào tâm điểm. Đóa sen tọa lạc giữa bức tranh để neo giữ hồn người. Xung quanh là các đường xoáy cuốn mọi suy tư trùng trùng vào tâm ảnh. Phía ngoài xung quanh nữa là vô vàn đóa sen được xếp thành những vòng tròn đồng tâm, đủ sức dẫn dụ người xem trở về bản thể chân như.
"Chuyển sinh"
Tác phẩm “Chuyển sinh” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Đậu lại vẽ những đóa sen đang tàn. Có bông chỉ còn bát sen và những hạt sen phơi ra như níu giữ một thuở hư quang, trong khi các cánh sen nửa vàng nửa đen đang rũa dần, rũa dần, rơi rụng lả tả. Cũng có bát sen trơ trọi, không còn cánh sen nào bấu víu. Chỉ có sắc đen xám và vàng xám, đẩy người xem vào tận cùng hoang lạnh. Nhưng vòng diệt sinh nằm ở đấy. Chỉ có sự héo tàn mới đủ sức làm nên cuộc sinh sôi.
Ở một góc nhìn khác, sen của Đặng Đức Thành lại cô quạnh, tối giản với những chiếc lá sen trầm uẩn nổi nênh trên mặt nước rộng thênh thênh. Với 9 chiếc lá sen nổi trên mặt nước, nhưng chỉ duy nhất một bông sen trắng mồ côi thấp thoáng phía xa xa như ném ánh nhìn người xem vào miền thảng thốt.
Bức “Giây phút tĩnh lặng” của Ngô Đình Nhi lại vẽ bông hoa sen đầy phá cách. Dù không giống sen từ cánh tới lá, nhưng người ta vẫn nhận ra đó là âm thanh của sen nhòa lẫn vào bầu trời không tưởng, để rồi soi bóng xuống mặt nước cuồn cuộn chân như. Ta nhìn thấy tĩnh lặng trong sự sục sôi, cơ hồ như những âm thanh thét gào vằn vện trên từng nhát màu lia xuống. Tĩnh lặng là sự im bằn bặt của âm thanh. Nhưng nếu tĩnh lặng mà im bằn bặt thì tĩnh lặng đã mất từ thời tám hoánh nào rồi. Rõ ràng, tác phẩm đã đẩy người xem vào cảnh giới khác của sự êm đềm.
"Giây phút tĩnh lặng"
“Như ý Luân Quán Âm” của họa sĩ Phật tử Quảng Lưu - Đặng Phương Việt là tác phẩm hội họa thuộc loại hình tranh thangka. Để lại dấu ấn rất đặc biệt, bởi đây là bức tranh sơn mài dát vàng lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Họa sĩ Đặng Phương Việt cho biết, để sáng tác bức tranh, phải kỳ công tạo tác suốt 1 năm mới hoàn thành, họa sĩ phải dùng 1 cây vàng đem nghiền bột, để dát lên mặt tranh tạo màu vàng. Những màu sắc khác như đỏ, trắng đều phải sử dụng những nguyên liệu son, ngà còn đắt hơn cả vàng.
Bức tranh “Cửa thiền” của Lý Trúc Sơn kiệm về hình, về màu nhưng đầy tính siêu thực. Tác phẩm “Tĩnh tâm” của họa sĩ Phật tử Pháp Lạc - Nguyễn Thị Nhàn thể hiện những bóng người đang ngồi thiền định, xa xa là bóng các chư Tăng mờ ảo đang đi trên cầu hội. Các thầy đang ngồi gõ chuông mõ, rất nhiều người đang nhòa trong bóng tối. Bức tranh “Nhận thức” của tác giả Lý Hùng Anh vẽ chiếc áo cà-sa đeo chuỗi tràng hạt lơ lửng trong không gian định tính, mà không có chủ thể người mặc. Bức tranh không áp đặt ý nghĩa, mà gợi cho mỗi người xem những suy nghĩ, cảm nhận khác nhau…
"Sự tồn tại"
Thưởng lãm các tác phẩm hội họa, được chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Phật, hình ảnh hoa sen, ta cảm thụ được triết học Phật giáo thông qua nghệ thuật tạo hình. Các tác phẩm mỹ thuật đa sắc, đa thanh và vô lượng nghĩa đã truyền tải tính sắc không cho người xem cảm giác thanh tịnh trong tâm hồn.
Triển lãm sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 29-11-2017, thời gian mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều để phục vụ khách tham quan thưởng lãm.