Di ảnh Hòa thượng Thích Tôn Thắng tại chùa Phổ Đà |
Quang lâm chứng minh niêm hương tưởng niệm có chư tôn đức Chứng minh, lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng; đại diện Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện; chư Tăng Ni trụ trì các tự viện; Ban Giám hiệu, Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng và đông đảo Phật tử về tham dự.
Cố Hòa thượng Thích Tôn Thắng, pháp danh Trừng Kệ, pháp tự Như Nhu, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học và Phật học chuẩn mực, lại được nuôi dạy theo khuôn mẫu nên buổi thiếu thời ngài đã sớm được tiếp cận với kinh sách Thánh hiền.
Năm Giáp Thìn (1904), lúc lên 16 tuổi, ngài được phép mẫu thân đến cầu xuất gia với Hòa thượng Tâm Truyền, Tăng Cang chùa Báo Quốc và được Hòa thượng ban pháp danh là Trừng Kệ. Năm Bính Ngọ (1906), ngài được bổn sư cho thọ Sa-di giới và được ban pháp tự là Như Nhu.
Năm Quý Hợi (1923), ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Quang, tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Hoằng Tịnh làm Đàn đầu truyền giới.
Chư tôn đức thắp hương tưởng niệm |
Năm Giáp Tý (1924), ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Phước Trí chùa Tam Thai, núi Ngũ Hành, Quảng Nam được Hòa thượng phú pháp với pháp hiệu là Tôn Thắng.
Năm Nhâm Thân (1932), hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên ở khắp ba miền đất nước, ngài đứng ra sáng lập Đà Thành Phật học Hội và cung thỉnh Hòa thượng Bích Liên làm Hội trưởng. Trụ sở đặt tại chùa Phổ Thiên và cho xuất bản tạp chí Tam Bảo làm cơ quan ngôn luận chính thức của Hội trong việc hoằng dương Chánh pháp.
Năm Ất Hợi (1935), ngài vào khai sơn chùa Tịnh Độ tại thị xã Tam Kỳ, nay là tổ đình Tịnh Độ, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Năm Nhâm Ngọ (1942), việc hóa đạo khắp nơi đã khởi sắc do sự đóng góp tích cực của ngài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng ngài cũng không quên nghĩ về quê hương bản sở. Do đó, sau bao nhiêu năm trời xa cách ngài về lại Quảng Trị, việc đầu tiên là ngài thành lập ngay Phật học đường tại chùa Hội Quán và làm Giám đốc trong 3 năm.
Năm Ất Dậu (1945) do biến chuyển lớn của thời cuộc, ngài lại trở vào Đà Nẵng tiến hành trùng tu các chùa Phổ Thiên, Tịnh Độ và chùa Hội Quán.
Nhất tâm cầu nguyện |
Năm Bính Tuất (1946) ý thức về tiền đồ Phật giáo mai sau, ngài quyết định hiến cúng chùa Phổ Thiên (sau là chùa Phổ Đà) cho Giáo hội để mở Phật học viện có tầm vóc quy mô - chi nhánh Phật học viện Trung phần ở Trung Trung bộ.
Năm Giáp Thìn (1964), ngài được tiến cử làm Chứng minh Đạo sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thị xã Đà Nẵng.
Năm Bính Ngọ (1966), ngài được tiến cử vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm Canh Tuất (1970), ngài làm Chánh chủ Đàn tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, được tổ chức tại chùa Phổ Đà - Đà Nẵng (chùa Phổ Thiên trước đây). Từ đó đến năm Bính Thìn (1976), ngài được thỉnh làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngày 16-3-Bính Thìn (1976), ngài an nhiên thị tịch, trụ thế 87 năm, 53 hạ lạp. Môn đồ pháp quyến lập bảo tháp ngài tại tổ đình Tịnh Độ .
Thành kính đảnh lễ bậc tôn sư |
Như cánh nhạn bay qua sông, không còn vết tích nhưng người ở lại vẫn hoài niệm bậc tôn sư đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Đà Nẵng, đặc biệt là trong công tác Giáo dục Phật giáo. Từ đó, bao lớp Tăng Ni kế tục giữ gìn kỷ cương chốn thiền môn, hành hóa các phương giữ gìn mối đạo, ngõ hầu báo ân thầy tổ truyền thừa.