GN - Vào các ngày 10, 11 và 18-4, tại chùa Từ Đàm (Huế) và chùa Xá Lợi (TP.HCM) lần lượt diễn ra các Hội thảo khoa học “Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám và những đóng góp đối với Hội An Nam Phật học” và “Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt”.
|
Trao đổi với Giác Ngộ trước các Hội thảo, TT.Thích Đồng Bổn (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo VN chia sẻ:
- Từ nhiều năm trước, Viện Nghiên cứu Phật học VN mà cụ thể là Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo VN muốn tổ chức nhiều hội thảo khoa học để vinh danh các bậc danh tăng và đại cư sĩ Phật giáo VN qua nhiều thời kỳ. Với tinh thần này, năm 1997, chúng tôi đã tổ chức khá thành công Hội thảo về cụ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, một trong những vị cư sĩ đầu tiên của Phật giáo VN ở phía Bắc thời cận và hiện đại có nhiều công trình nghiên cứu Phật học nổi tiếng. Sau thành công đó, trong chúng tôi hình thành nên mong muốn tiếp tục tổ chức Hội thảo về người sư sĩ đại diện miền Trung là cụ Tâm Minh - Lê Đình Thám và miền Nam là cụ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền.
Tuy vậy, do một số trục trặc về quan điểm và nhận thức từ nhiều phía nên đến thời điểm hiện tại, các hội thảo khoa học về hai vị cư sĩ này mới được tiến hành. Đây là dịp các nhà nghiên cứu và học giả ngồi lại, cùng trao đổi, thảo luận và trình bày các kiến giải để đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đối với Hội An Nam Phật học, của cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt để làm rõ những đóng góp của hai ông trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo Tăng tài, báo chí và hoằng dương Phật pháp trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo; góp phần khẳng định hai vị cư sĩ là những Phật tử có công lớn, có vai trò quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX.
Qua hội thảo, Ban Tổ chức cũng mong muốn đề xuất các giải pháp nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trí tuệ của cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đối với Hội An Nam Phật học; của cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt.
* Thượng tọa vừa đề cập đến vai trò của người cư sĩ đối với hoạt động nghiên cứu và truyền bá Chánh pháp tại VN trong quá khứ. Chúng ta đánh giá ra sao về vai trò này?
- Trong quá khứ, phần lớn các vị cư sĩ đều có tâm nguyện thành lập các Phật học hội, đứng bên cạnh với Giáo hội để kêu gọi và tập hợp các thành phần trí thức cùng tham gia tu học, nghiên cứu Phật học, xiển dương đạo Phật như một minh triết, phương pháp hành trì để chuyển hóa khổ đau hơn là các nghi lễ cúng kiếng theo quan niệm thường thấy.
Như chúng ta thấy, vào năm 1932, cư sĩ Tâm Minh đã cùng chư vị Hòa thượng lúc bấy giờ lập ra Hội An Nam Phật học, lãnh sứ mệnh gánh vác công cuộc hoằng dương Chánh pháp. Chính ông đã làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Khi vừa thành lập, Hội đã bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức: tổ chức thuyết pháp hàng nửa tháng cho tín đồ nghe tại chùa Từ Quang; mở trường đào tạo Tăng tài cho Giáo hội sau này; mở thêm các chi hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương Chánh pháp khắp các tỉnh; thành lập Thanh niên Đức dục; xuất bản tờ báo Phật giáo là Nguyệt san Viên Âm; góp phần thiết lập các tòng lâm để chư Tăng tu học, và đào tạo Tăng tài…
Đối với cư sĩ Chánh Trí, sau khi thấm nhuần giá trị của đạo Phật, ông đã vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt để tổ chức các lớp học phổ thông, thỉnh chư tôn đức đến diễn giảng; vận động xây chùa Xá Lợi, xuất bản tạp chí Từ Quang cùng nhiều Phật sự quan trọng khác góp phần làm nên thành công của chí nguyện chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ.
Rõ ràng tấm gương của cư sĩ Tâm Minh đối với Hội An Nam Phật học (hậu thân là Hội Việt Nam Phật học, từ năm 1948), của cư sĩ Chánh Trí đối với Hội Phật học Nam Việt góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đạo đẹp đời của người Phật tử và Phật giáo Việt Nam, tạo động lực, tinh thần mới trong việc bảo vệ Chánh pháp, phát triển đạo Phật trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp, giới thiệu phong trào và tinh thần học Phật đến quảng đại quần chúng nhân dân.
* Từ vai trò của các vị cư sĩ tiền nhân, theo Thượng tọa, bài học về việc phát huy sức mạnh và khả năng của các thế hệ Phật tử tại gia đối với các sinh hoạt Giáo hội là gì?
- Hiện nay, cách tổ chức Giáo hội chúng ta thiên về phát huy sức mạnh của Tăng đoàn, thành phần xuất gia, còn sự tham gia của người cư sĩ chưa cao. Trong đào tạo cũng vậy, chúng ta đang có các trường Phật học cho chư Tăng, chư Ni nhưng thiếu các trường đào tạo chính quy dành cho cư sĩ, chỉ là những lớp giáo lý, khóa tu theo định kỳ.
Tôi có nhiều dịp đi dự các hội thảo khoa học về Phật giáo và nhận thấy có nhiều vị cư sĩ có trình độ khá uyên thâm, am hiểu sâu rộng, có những trải nghiệm tu tập, cung kính chư Tăng Ni nên cách viết, trình bày của họ về đạo Phật khá tốt và sâu sắc. Đây là những dấu hiệu đáng mừng, đáng trân trọng.
Từ thực tế này, ở một góc độ nào đó, nếu được đầu tư và chăm lo đúng mức, người cư sĩ Phật tử, ngoài việc ngoại hộ cho Tăng đoàn, cũng có khả năng trở thành những nhà nghiên cứu Phật học xuất sắc và trong sáng, có khả năng kiến giải và truyền bá Chánh pháp bằng quá trình hành trì, tu tập tự thân.
* Chân thành cảm ơn Thượng tọa!
Bảo Thiên thực hiện