Cứu trợ là tùy tâm nhưng phải thiết thực

GNO - Vừa qua, Giác Ngộ online đăng ý kiến của thầy Thích Giải Thiện về bài viết của tác giả Huệ Thi “Cứu trợ bão lụt: Sao cứ phải mì tôm, nước mắm?” đăng trên báo Người Lao động và nhiều trang thông tin. Sau khi ý kiến được đăng, nhiều chia sẻ của bạn đọc đã gởi về tòa soạn, Giác Ngộ tiếp tục giới thiệu bài viết của Cộng tác viên Mai Thắng về công tác cứu trợ…

Ai cũng biết, cũng hiểu cứu trợ là tùy tâm, tức là có cái gì cứu trợ cái đó, tiền, gạo, sách vở, mắm muối… đều được. Đó là cứu trợ “của ít tình nhiều” của người dân tự nguyện đóng góp cho một tổ chức, hay mạnh thường quân nào đó, hoặc đơn giản là một người đứng ra “thu nhận” của bà con rồi bỏ tiền xe đến nơi xảy ra lũ lụt để tặng cho bà con.

Còn cứu trợ có tổ chức, theo tôi nhất thiết phải tìm hiểu người dân cần gì nhất; những nhu cầu thiết yếu, nhu cầu của người dân đang cần là gì để mua hàng cứu trợ cho phù hợp. Việc làm này vừa tránh lãng phí, vừa thiết thực cho bà con.

 
anh.JPG

ĐĐ.Thích Thiện Giác, chùa Giác Hạnh (TP.Vũng Tàu) tặng quà từ thiện
đến bà con dân tộc huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - Ảnh: Mai Thắng

Truyền thống của dân tộc, người dân mình là hễ địa phương nào có thiên tai, bão lũ, bị thiệt hại nặng nề là có phong trào cứu trợ. Ở các cơ quan dân chính Đảng, quân đội, trường học, công chức nhà nước, doanh nghiệp… việc cứu trợ thông qua tự nguyện góp một ngày lương được phát động mỗi khi nơi nào đó xảy ra thiên tai, lũ lụt. Tiền được chuyển đến người dân thông qua các tổ chức như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương đó, có thể bằng quà, có thể bằng tiền. Điểm lại những lần cứu trợ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phần nhiều vẫn là mì tôm, nước mắm… là chủ yếu.

Trong lúc bão lũ trôi hết nhà cửa, nước dâng tận ngọn cây, tấm áo không che lưng, manh quần không đủ che chân, lấy đâu ra tiền mua mì tôm, nước mắm nên có mì tôm, nước mắm lúc đó cũng là hạnh phúc rồi.

Và thực tế, mì tôm và nước mắm không chỉ phát huy tác dụng rất tốt, mà còn là thực phẩm phát huy tác dụng tại chỗ hữu hiệu nhất đối với đồng bào bị lũ. Trong khi nước dâng sát nóc nhà, gạo, lúa ướt hết, vật dụng trôi sạch, việc nấu ăn là không thể, vậy thì mì tôm là thực phẩm phát huy tác dụng nhất trong lúc này. Bởi, không cần đun nấu, mà người dân vẫn có thể duy trì sự sống ngay trên mặt nước, ngọn cây cả tuần không sợ bị… chết.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào khi bão lũ đi qua cũng đều “trắng tay”, nhà cửa cũng trôi sạch. Nhiều gia đình nước lũ chỉ “ngâm chân giường”, có địa phương bão chỉ quét qua, thiệt hại ít nên gạo, mắm dự trữ còn dư, vẫn nấu ăn bình thường thì việc cứu trợ mì tôm là không cần thiết. Thay vào đó, là những vật dụng khác thiết thực hơn. Dĩ nhiên, để thống kê được nhu cầu những hộ dân này, không ngoài ai khác là trưởng thôn ở địa phương đó, chứ đoàn cứu trợ có tài năng đến mấy cũng không thể làm được.

Từ suy nghĩ và đề xuất của tác giả Huệ Thi qua bài báo “Cứu trợ bão lụt: Sao cứ phải mì tôm, nước mắm”, tôi thiết nghĩ, cứu trợ là cái tâm, mà đã là cái tâm thì không ai có quyền đòi hỏi.

Song, đây cũng là dịp để mỗi người cũng cần nhìn lại việc từ thiện cứu trợ của mình, nhằm cứu trợ đúng, trúng, không lãng phí nhưng lại thiết thực và hiệu quả nhất.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.