Cung điện Potala: Bảo tàng văn hóa - tâm linh sinh động

GN - Potala được xem là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hóa Tạng truyền. 

Potala được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, đánh dấu cuộc hôn nhân gắn kết hai dân tộc Hán - Tạng giữa quốc vương Thổ Phồn Songzanganbun và công chúa Văn Thành, con gái vua Đường Thái Tông. Cung điện đã bị phá hủy hầu hết vào thời Trung cổ và đến thế kỷ XVII mới được trùng tu. Phải mất hơn 50 năm công trình mới hình thành quy mô như ngày nay.

Potala2.jpg

Bảo tàng văn hóa - tâm linh sinh động

Potala tọa lạc trên đỉnh Hồng Đồi (Red Hill hay Marpori) cao 300m so với mặt bằng thành phố Lhasa. Ngọn đồi được tin là tượng trưng cho Quán Thế Âm Bồ-tát, và cũng là một trong ba ngọn đồi thiêng của thủ đô Lhasa. Hai ngọn đồi còn lại gồm: đồi Chokpori, tượng trưng cho Kim Cương Thủ Bồ-tát, và đồi Pongwari, tượng trưng cho Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát.

Cung điện Potala cao 117 mét, gồm 13 tầng, chiếm diện tích khoảng 130.000m2. Tường thành dày từ 1 mét trở lên, có chỗ dày đến 5 mét, dùng những hòn đá to để khảm vào. Trên những bức vách cung điện đều có các bức bích họa với những màu sắc rực rỡ, nghệ thuật đặc sắc, nhiều chủng loại. Vật liệu xây dựng cung điện chủ yếu là đất, đá và gỗ được vận chuyển thủ công.

Cung điện Potala gồm ba bộ phận: Khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi và khu hồ phía sau núi. Khu cung thành có ba cửa Đông, Nam, Tây và hai gác lầu. Trong thành có các cơ quan quản lý và phục vụ cung điện.

Leo lên con đường bằng đá rộng rãi là tới khu cung thất. Khu này là một quần thể kiến trúc lớn mà chủ thể của nó là Bạch Cung và Hồng Cung.

Nằm phía Đông của khu kiến trúc là Bạch Cung với tường trát đất sét trắng. Tòa nhà Cuokin lớn nhất Bạch Cung là nơi các vị Dalai Lama cử hành các nghi thức tôn giáo, chính trị quan trọng. Trong Bạch Cung có điện thờ Phật, thư viện lưu trữ các kinh sách quan trọng và cả phòng in kinh sách. Cách trần thiết ở đây đều rất lộng lẫy và trang nghiêm. Các cửa sổ được thiết kế dạng ô hướng ra ngoài, rất hiệu quả trong việc lấy ánh sáng và gió.

Potala1.jpg

Nét đẹp của Potala khi về đêm

Phía Tây là Hồng Cung trát đất sét màu đỏ. Kiến trúc chủ thể của Hồng Cung là các tòa tháp thờ linh cốt của các vị Dalai Lama đã viên tịch. Thân tháp dát vàng lộng lẫy. Ngôi tháp của Đức Dalai Lama đời thứ 13 cao 21 mét, dùng bạc ròng chế thành, bên trên nạm khảm bảo thạch. Trên nóc tòa Hồng Cung có 8 tháp bằng vàng, biểu tượng cho 8 vị Dalai Lama, có tháp phải dùng đến 9 vạn lượng vàng để đúc nên. Trong ngoài điện và nóc điện có nhiều tháp, tượng Phật, tượng linh vật, chuông cổ quý báu nạm vàng.

Cung Potala xứng đáng là một kho tàng văn hóa của Phật giáo Tây Tạng. Tại đây còn lưu giữ một cuốn kinh Phật được viết bằng tay với chữ bằng vàng. Và có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đa sắc màu cùng những bức họa ghi chép các sự kiện về cuộc đời Đức Phật theo truyền thống văn học dân gian và đời sống của người dân Tây Tạng thời xưa.

Bên cạnh đó còn có nhiều tượng Phật, đồ thờ cúng như lư hương, đèn, bình hoa… toàn bằng vàng, bạc, đồng, ngọc trai, mã não và nhiều loại đá quý khác. Trong đó có ngôi tháp nổi tiếng nhất thế giới, có gắn hơn 2.000 viên ngọc trai lấp lánh đủ màu sắc. Trong các tủ xưa còn lưu giữ nhiều bộ đồ ăn uống như chén, bát, đĩa, thìa, nĩa, đũa, ấm trà, chén trà, bình đựng trà, bình đựng sữa, chén uống sữa… đủ kiểu, đủ màu, được làm bằng vàng, bạc, sứ, men… qua các thời đại ở Trung Quốc và nhiều nước khác.

Cung điện Potala là một điểm đến văn hóa - tâm linh nổi tiếng thế giới, thu hút ngày càng nhiều khách hành hương trong nước và quốc tế. công trình này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, và được chương trình truyền hình của Hoa Kỳ Good Morning America và báo USA Today xếp vào một trong bảy kỳ quan mới của nhân loại. Theo các chuyên gia, Cung Potala được bình chọn vì nó mang ý nghĩa quan trọng trong lịch sử tôn giáo và là một trong số các công trình kiến trúc quý hiếm của thời Tây Tạng cổ còn sót lại.

Minh Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.