GN - Quan sát bản thân và cuộc sống, chúng ta thấy rất rõ những người có tâm tính và sở thích giống nhau thường tìm kiếm để tụ hội với nhau. Sự phong phú và đa dạng của những câu lạc bộ, hội, nhóm chuyên về tôn giáo, tư tưởng, thi ca, nghệ thuật, âm nhạc, ăn uống, giải trí v.v… đã phản ánh chính xác điều này.
Cùng đi trên đường an vui - Ảnh minh họa
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những người có chung sở thích thường bị cuốn hút vào nhau tạo thành một giới. Trong xã hội có nhiều giới, từ giới tu hành, giới tinh hoa, giới văn nghệ sỹ, giới trí thức… cho đến giới lao động, giới bình dân, thậm chí có cả giới ăn nhậu, cờ bạc, lừa lọc, trộm cướp. Theo nhà Phật, khi có cùng cộng nghiệp thì họ thường tự lôi cuốn tập hợp lại với nhau.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội cảnh giới? Khi chúng sanh tâm hành bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện. Khi tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học như vậy, chủng loại sai biệt của giới thiện.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 445)
Phật dạy thật rõ ràng “Chúng sanh tâm hành bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện. Khi tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện”. Vấn đề ở mỗi con người là thiện tâm cũng nhiều mà ác niệm cũng lắm. Ta cũng cầu mong tu sửa bản thân, hướng về điều thiện lành nhưng đồng thời cũng dễ sa ngã trước những cám dỗ, thấy vui liền bị cuốn theo. Vì thế “chọn bạn mà chơi” là điều ai cũng biết, thậm chí là kiến thức vỡ lòng nhưng lại trở nên vô cùng cần thiết.
Cho nên, một khi đã thấy được tác hại của việc đi theo hội chúng bất thiện “gần mực thì đen” cần phải nhanh chóng thay đổi để “gần đèn thì sáng”. Những vị thầy hiền, bạn tốt; những hội chúng thanh tịnh, đạo đức, sống cho người chính là thiện tri thức, là đuốc sáng soi đường cho chúng ta. Cần phải tìm cách để nương tựa, sống chung để học hỏi, noi gương họ nhằm tự hoàn thiện mình. Đó là những cộng nghiệp thiện lành nâng đỡ, trợ duyên cho chúng ta làm lành, lánh dữ, tăng thêm phần phước.
Để duy trì và phát khởi thiện tâm, trước hết chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác. Nhờ thấy rõ điều ác cùng các quả báo xấu nên sợ hãi và tránh xa các hội chúng bất thiện. Nhờ biết rõ điều thiện cùng các phước báo thù thắng nên ưa thích gần gũi các bậc thiện tri thức, siêng năng làm các việc lành. Cụ thể là mỗi tháng ít nhất nên có hai ngày ăn chay, đến chùa lễ Phật, niệm kinh, nghe pháp, cúng dường, tu tâm dưỡng tánh. Kết duyên với những pháp lữ và những hội chúng thanh tịnh để cùng nhau học tập, thực hành lời Phật dạy. Chính nhờ gắn kết thiện duyên với những hội chúng thực học, chân tu mà mỗi người có thể giữ mình trong sạch trước cám dỗ và những thói hư tật xấu để ngày càng hoàn thiện mình hơn.