Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị có văn bia Phật giáo; trụ trì các chùa có văn bia cùng các nhà nghiên cứu khoa học và chuyên gia Hán Nôm.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và chuyên gia Hán Nôm đánh giá cao kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học "Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch văn bia Phật giáo Nghệ An".
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh phát biểu tại hội thảo |
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã dập thác bản, dịch nghĩa và giải nghĩa 25 văn bia tại 19 ngôi chùa, đưa ra tổng quan về 7 giá trị nội dung của văn bia Phật giáo Nghệ An: phản ánh lịch sử du nhập và phát triển lâu đời của Phật giáo Nghệ An; phản ánh đặc trưng chùa làng của vùng đất xứ Nghệ; phản ánh cuộc sống thanh bình, niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương; phản ánh cấu trúc ngôi chùa đặc trưng của xứ Nghệ cũng như việc trùng tu, tôn tạo di tích; phản ánh tục bầu Hậu ở xứ Nghệ; phản ánh tính chất tam giáo đồng nguyên trong đời sống tôn giáo - tín ngưỡng của người Nghệ An.
Đồng thời, văn bia Phật giáo Nghệ An cung cấp thêm thông tin về hành trạng và sự nghiệp, tư tưởng cũng như tín ngưỡng của nhiều danh nhân lịch sử.
Qua công trình nghiên cứu, nhóm tác giả kiến nghị các ngành, các cấp hữu quan, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm văn bia đã bị mất; hoặc tiếp cận văn bia một cách gián tiếp qua nguồn sử liệu quốc gia và địa phương, qua thần tích, thần phả, các dòng họ, qua các cơ quan lưu trữ…
Đại đức Thích Hải Tân dịch văn bia đá cổ tại chùa An Thái (Quỳnh Lưu) |
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và chuyên gia Hán Nôm cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của công trình nghiên cứu như: về tên gọi một số ngôi chùa, tài liệu tham khảo, cách triển khai nhiệm vụ, dịch nghĩa các văn bia...; trên cơ sở đó, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa để xuất bản thành sách, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của nhân dân địa phương.
Đề tài khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch văn bia Phật giáo Nghệ An” do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn tỉnh (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề tài là khôi phục nguyên văn, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải toàn bộ hệ thống văn bia Phật giáo trên địa bàn Nghệ An; nghiên cứu giá trị của văn bia Phật giáo Nghệ An trên các phương diện: lịch sử, văn học, văn hóa, địa lý, giáo dục; đính chính, bổ cứu những vấn đề chưa thỏa đáng, thiếu sót của một số văn bia... Từ đó, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn bia Phật giáo trên địa bàn Nghệ An.