Còn nhiều “hạt sạn” tại hội xuân Yên Tử

Dù chưa chính hội nhưng vào ngày đầu năm du khách thập phương đã nườm nượp đổ về Yên Tử (Quảng Ninh), bên cạnh những cố gắng của Ban tổ chức để có một lễ hội chu đáo, thì vẫn còn những “hạt sạn”.

Đặc sản rừng bị mài mòn?

Trước khi bước vào hội xuân Yên Tử, Ban tổ chức đã khẳng định sẽ xử lý nghiêm để giải quyết những vấn nạn làm ảnh hưởng đến lễ hội. Dọc đường vào ga cáp treo thỉnh thoảng vẫn bắt gặp từng nhóm du khách túm tụm xem, ngã giá những con vật như rùa đá, dúi, sóc… bày bán. “Rùa đá này con 400 nghìn đồng, mang về làm thuốc chữa được nhiều bệnh” -một phụ nữ cầm trên tay con rùa đá mời khách. Khi được hỏi rùa này được bắt ở đâu, chị này thản nhiên trả lời rùa đá, dúi bắt ở rừng đây chứ đâu nữa.

Rùa đá và sóc vẫn được bày bán.
Rùa đá và sóc vẫn được bày bán.

Có lẽ hành trình leo núi ở Yên Tử là gian nan, bởi các bậc đá cao dựng đứng. Bởi thế, suốt dọc con đường leo bộ từ phía sau chùa Giải Oan lên đỉnh chùa Đồng, cứ vài chục mét lại có một nhóm người ôm bó gậy trúc mời chào khách. Hỏi trúc ở đâu, người bán thản nhiên chỉ vào rừng nói “ở đó”. Giá chỉ có 5.000đ/2 gậy. Mỗi ngày, hàng vạn cây gậy bán ra là hàng vạn cây trúc bị đốn hạ. Nếu cứ đà này, nơi đây còn đâu “Trúc Lâm thiền tự”!

Dạo quanh chợ Yên Tử ngay dưới chân núi du khách sẽ thấy bất ngờ với những bàn bày bán thịt thú rừng công khai. Với đầu lợn rừng, đầu nai, hoẵng bày để quảng cáo với du khách. Sau khi làm quen với một chị bán hàng tại đây, chúng tôi hỏi liệu những bàn thịt thú rừng kia có phải là “treo đầu dê bán thịt chó”, chị này thật thà: “Không biết có phải thịt thú rừng thật không nhưng mua về ăn thấy giòn ngon hơn các loại thịt bình thường”. Mỗi kg thịt lợn rừng chỉ có giá 250 nghìn đồng, người bán hàng vừa rao vừa lật cả tảng thịt thui vàng ươm ra cho khách xem. Một du khách tỏ ra nghi ngờ, “đầu lợn rừng nhưng mình có khi lợn nái xề vì khổ thịt dày quá cỡ (!?)”.

Vẫn còn nạn chèo kéo và “chặt chém” khách

Trong những ngày đầu năm du khách đến đây cảm thấy bị phiền lòng bởi sự ùn tắc trên đường hành hương, cũng như ở khu vực ga cáp treo. Hay như việc bày bán thuốc nam dạo, nhưng tình trạng chèo kéo khách và giá cả “chặt chém” tại các dịch vụ nhà hàng vẫn làm khốn khổ du khách. Du khách chỉ cần bước chân xuống xe ôtô là đội quân bán gậy đã quây kín mời chào. Giá cả cũng rất linh hoạt “trông mặt mà bắt hình dong”. Nếu du khách là những nam thanh niên trẻ, họ giao giá 10.000đồng/chiếc, còn đối với phụ nữ trung tuổi, biết mặc cả thì giá thấp hơn một nửa 5.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, chỉ cần đi quá lên phía chùa Giải Oan, ngay dưới chân núi thì giá gậy tại đây chỉ 2.500đồng/chiếc, nếu mặc cả giá giảm còn 2.000đ/chiếc.

Tại khu vực chùa Hoa Viên mặc dù nhân viên an ninh của Ban tổ chức luôn ứng trực nhưng vẫn xảy ra cảnh nhốn nháo với việc chèo kéo cho thuê mâm đặt lễ. Chị Vũ Thu Thuỷ (Hải Phòng) nói: “Gia đình tôi vừa lên đã thấy có người chạy đến mời thuê mâm đặt lễ. Xong việc mới biết tại chùa đã có mâm dùng miễn phí cho du khách. Số tiền 20.000 đồng bỏ ra thuê không lớn, nhưng việc các đối tượng lợi dụng người lạ để trục lợi ngay tại chốn linh thiêng thì đáng buồn”.

Nạn chèo kéo làm phiền du khách.
Nạn chèo kéo làm phiền du khách.

Trên đỉnh chùa Đồng, trình trạng “đeo bám” mời khách chụp ảnh, bán ảnh chùa Đồng, đồ lễ cũng đã diễn ra khiến nhiều du khách không hài lòng. Chị Nga đến từ Nam Định nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đi lễ ở Yên Tử, không nghĩ ở chốn linh thiêng lại lộn xộn đến thế. Họ mời chào mua đồ lễ, đeo bám để mời khách chụp ảnh, mời mua ảnh cứ như ngoài chợ…”.

Khu vực chùa Đồng luôn lộn xộn bởi lượng người lên quá đông.
Khu vực chùa Đồng luôn lộn xộn bởi lượng người lên quá đông.
Sát đồng tiền vào chùa Đồng để lấy lộc hình ảnh thiếu văn hoá của du khách.
Sát đồng tiền vào chùa Đồng để lấy lộc hình ảnh thiếu văn hoá của du khách.

Mặc dù các hàng dịch vụ ăn uống, giải khát đã được Ban Quản lý di tích cho hoạt động bên trong chợ, nhưng hầu như quán nào cũng cho người đứng hẳn ra đường để mời mọc mỗi khi có khách đi qua. Giá dịch vụ tại đây cũng bị nhảy múa theo từng quán, với từng loại khách. Một bát phở bò lèo tèo mấy miếng thịt nhưng có giá 25-30 nghìn đồng, nếu không hỏi giá trước có thể bị “chém” tới 50 nghìn đồng. Các loại mặt hàng khác như nước uống, bánh kẹo, thuốc lá… đều đắt hơn so với giá bình thường 30 -50%. Nếu khách thắc mắc chủ quán thản nhiên trả lời đó là giá chung ở đây.

Nếu như bãi xe ô tô và bãi xe máy của Ban tổ chức thực hiện giá dịch vụ được chấp hành theo quy định thì tại bãi trông giữ xe phía trong chợ Yên Tử vẫn thu 10.000đ/lượt với xe máy. Nhân viên trông xe tại đây giải thích: Với giá 10.000đ/lượt không phải là đắt, vì gửi xe tại đây đi gần hơn, không phải trả thêm tiền trông mũ bảo hiểm…

Bãi trông xe này vẫn thu 10.000/xe với khách.
Bãi trông xe này vẫn thu 10.000/xe với khách.

Khi Hội xuân Yên Tử bước vào khai hội lực lượng chức năng sẽ vào cuộc dốt dáo hơn, tuy nhiên cùng với đó là lượng khách đổ về cũng đông hơn không biết những “hạn sạt” tại đây còn tái diễn?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.