GNO - Nghĩ lại nhà mình cũng thuộc kiểu nhà đông con, chị nhỉ? Có đến sáu chị em cơ mà, thêm ba má nữa là lên tám người, gần bằng một đội bóng đá rồi còn gì.
Cứ mỗi lần Tết nhứt, cả nhà lại sum họp bên nhau không thiếu một ai, ấy vậy còn cộng thêm số rể, dâu và đàn cháu nhỏ. Thử hỏi làm sao nhà mình không rộn vang tiếng cười chứ! Thế nhưng đến mồng 6, 7 trở đi là ai cũng quay lại đi làm, căn nhà chỉ có hai người già…
Út gái nhà mình - Ảnh: Sanh Võ
Em là út ít ở trong nhà nên nhiều lúc được cưng hơn chị là phải, mặc dù chị cũng được “mệnh danh” là con gái út vì chị và em đều là những đứa con sinh ra sau cùng của má nên 2 đứa được xem là út trai và út gái.
Nhớ cái thời điểm má đã sinh đủ sáu đứa nhưng má vẫn còn đi buôn tận Sài Gòn, Đà Nẵng, hết đợt hàng thì má lại về rồi đi ngay, thế nên chị em mình có bao giờ biết giọt sữa ngọt ngào của mẹ là gì đâu? Vì sữa lon không mua nổi nên em mới được mọi người cho uống loại “sữa đặc biệt” được chế từ gạo, phải canh lúc nồi cơm sôi lên, lấy vá gạn cái nước cơm ở trên cùng, thêm tí đường cát, hòa tan, rồi cho em uống. Ấy vậy mà em và chị vẫn lớn lên nhòng nhòng như lũ trẻ trong xóm nhỏ đấy thôi.
Thú thực đến bây giờ em thèm cái nước cơm ấy mà cũng đâu có kiếm được vì bây giờ nhà nào cũng nấu cơm bằng bếp điện cả rồi.
Nhà mình ai cũng thương em nhưng người bên em nhiều nhất và hiểu em nhất chỉ có mình chị.
Những tháng năm “tung hoành” Sài Gòn…
Ngoài giờ ở giảng đường, hai chị em đã làm thêm không biết bao nhiêu việc để trang trải cho cuộc sống nơi phồn hoa đô hội này.
Em nhớ những con đường hẻm hóc nào mà chị em không từng đi qua, bến xe nào mà không từng ghé đến.
Có lần em chở một lúc nhiều bao hàng trên chiếc xe Wave cũ kỹ ra bến cho kịp chuyến xe đò cuối cùng, nhìn không thấy em đâu vì em hơi nhỏ con nên cứ tưởng chiếc xe hàng tự chạy, chị vói theo: “Mày chở được không? Đừng có ráng nha”.
Em vọng lại chắc nịch: “ Chị yên tâm, em lớn rồi mà”.
Cũng đến lúc se duyên…
Chị rời Sài Gòn trở về mảnh đất miền Trung nắng gió, chỉ còn một mình em ở Sài thành tấp nập. Lúc đây em thực sự nhớ, nhớ chị nhiều lắm. Em cảm thấy cô đơn khi không có chị bên cạnh vì chị là người hay tâm tình với em nhất.
Chị với em có chung sở thích đó là “phượt”. Chị có nhớ mùa hè năm đó không? Em ra Đà Nẵng thăm chị, rồi hai chị em quyết định không đi tàu lửa mà lại chạy xe máy về quê. Trên đường về hai người nảy sinh ý nghĩ chớp nhoáng và tưởng chừng như không thể thực hiện được: Khám phá Mỹ Sơn. Đây là những di tích còn lại của Chăm-pa được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, số đông du khách đến đây khám phá là người nước ngoài, còn người Việt Nam thì rất ít.
Bài đã đăng: Ngày tháng nào của mẹ? ll Viết cho mẹ ll Đóa hồng trong tim ll Mẹ yêu ll Người dạy tôi từ những vần thơ ll |
Hai chị em bắt đầu đóng vai Tây ba-lô rất cừ. Lúc đó đã là 1-2g chiều rồi, cái nóng của mùa hè như thiêu như đốt vạn vật, thế mà không hiểu sao hai chị em lại “máu” đến như thế. Vượt gần 100 cây số để đến nơi đây. Hai chị em ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ bí của những tháp Chăm cổ đại, nét chạm trổ tinh xảo, sinh động... Nếu lúc đó hai chị em không quyết tâm thì biết bao giờ mới có cơ hội đi.
… Rồi chị đã tìm được “nửa kia” của mình, em nhớ như in khoảnh khắc làm lễ rước dâu trước bàn thờ tổ tiên, mắt chị đã ướt lệ. Đối với em, giọt nước mắt ấy ý nghĩa thật, em biết đó chính là cái duyên, cái mặn mà của một người con gái đoan trang.
Giờ chị đang xây đắp cho một tổ ấm hạnh phúc cùng người mình thương. Em cảm thấy yên tâm hơn bao giờ hết, sau những tháng ngày vất vả, long đong của chị. Tuy giờ đây út gái không ở bên cạnh út trai để chăm lo như ngày xưa nữa nhưng em vẫn nhớ lời chị dạy. Em sẽ sống thật tốt và làm những gì mình thích. Vì em biết rằng “Cuộc đời là một hành trình, chứ không phải là đích đến”…
Sanh Võ
Lời chúc nào cho má? Má tôi ở nơi miền quê nghèo xa tít mù ấy chắc hổng nhớ hôm nay là 20-10, mà có nhớ chắc gì đã biết là Ngày Phụ nữ VN. Má tôi chắc cũng không rành lắm mấy cái lễ nghĩa ở đời, chúc tụng nhau qua lại kiểu của "người hiện đại" như chốn Sài thành thân thương này. Tôi biết điều đó, vì tôi hiểu má tôi, hiểu người mẹ quê chân chất một đời, tiện tặn một đời nên "tập khí" ấy đã thành thứ phản xạ đương nhiên như thế. Má không "quy ra thóc" những gì tôi sắm cho riêng mình hay làm cho người khác, nhưng má thường tấm tắc tiếc vì tôi mua một món nào cho má hơi hơi nhiều tiền... Má của tôi là vậy đó, nên tôi thương má tôi cũng vì như vậy đó. Má à, con thương má, con hiểu má, nên con không chúc má bằng thứ ngôn ngữ hoa lá cành mà con vẫn dùng trên những trang viết. Con sẽ chúc má tinh tấn, thường an vui trong giáo pháp. Rồi, con sẽ không mua quà cho má như má đã từng dặn mà con sẽ dành số tiền ấy, bỏ vào ống heo, cái ống heo con ghi mấy dòng ở ngoài, là, heo sẻ chia với những khó khăn quanh mình, heo của mẹ Hiền yêu thương... Má vui, nhen má! Thực ra, chúc má an vui, cũng là chúc mình an vui, vì má không an, không hạnh phúc trong Phật pháp thì con trai phương trời xa lắc này đâu thể có an vui. Cũng vậy, khi bạn chúc những người phụ nữ hạnh phúc, tròn đầy niềm vui, tặng cho họ những món quà và họ hoan hỷ thì cũng là bạn đang làm cho mình hoan hỷ đó. Đừng quên, những người phụ nữ là một nửa thế giới, đừng quên, họ có trong chúng ta... Và, đối với tôi, ngày nào cũng là ngày phụ nữ, điều đó nhắc tôi rằng, ngày nào tôi cũng cần phải biết tôn trọng, quý mến, biết ơn... những người phụ nữ chứ không phải dồn lại một năm chỉ có một vài ngày. Nên, đừng thắc mắc nếu tôi không nhắn tin chúc bạn theo kiểu hình thức chúc tụng như đã từng, nhen. L.Đ.L |