Con đã từng… rất ghét cha

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Con đã từng... rất ghét cha. Từ khi còn nhỏ cho tới khi đã trưởng thành, trong mắt con, cha là người đàn ông gia trưởng, khó tính, cộc cằn, chưa bao giờ nói lời nào dịu dàng với vợ con.

Trên khuôn mặt cha thường thiếu vắng nụ cười. Thay vào đó là sự cau có, giận dữ, khó chịu. Mỗi lần cha bực bội điều gì đó là cả nhà ngay đến việc thở mạnh cũng không dám. Mấy đứa con cứ tìm cách lỉnh đi chỗ khác để cha không nhìn thấy. Cha gọi tên đứa nào là đứa ấy run như cầy sấy, chực khóc. Những lần như thế trở thành nỗi ám ảnh. Đến tận bây giờ, đôi khi nhớ lại, con vẫn còn thấy tiếng rơi vỡ trong lòng.

Con là một đứa con gái khá nghịch ngợm, luôn bày ra những trò với con thì rất thú vị nhưng với người lớn thì thật sự phiền toái. Ngày nhỏ, người ngợm con chẳng bao giờ hết lấm lem, trầy xước hết chỗ này tới chỗ khác, quần áo không mấy khi lành lặn, không rách đầu gối thì cũng sút chỉ một đường dài.

Mỗi lần như vậy, cha lại ra gốc cà phê bẻ cây roi nhỏ, trên thân đầy những chùm mấu, quất tới đâu, đau thấu tới đó. Mỗi trận đòn cha chỉ đánh ba roi. Con đứng yên chịu đựng, cố để không bật khóc. Chỉ sau khi cha đánh xong mới trốn vào góc nào đó nức nở, vì đau thì ít mà vì tủi thân thì nhiều.

Cha là người đàn ông chẳng mấy khi làm việc nhà. Việc quét tước, dọn dẹp, nấu nướng đều là mẹ và mấy chị em con làm. Có lần, mấy mẹ con làm đồng tới trưa trầy trưa trật mới xong việc. Ai cũng chắc mẩm ở nhà cha đã nấu cơm canh xong xuôi. Thế mà, khi trở về, nhà cửa vẫn lạnh tanh, căn bếp nguội ngắt.

"Mẹ ơi, con đói", con mếu máo.

"Để mẹ nấu, nhoáng một cái là xong". Mẹ lật đật nhóm lửa, bắt cơm…

Lúc ấy, cha vẫn nằm ngủ im lìm nơi chiếc giường đơn đặt cạnh cửa sổ. Nắng trưa gay gắt, mặt đất nóng rẫy và giọt mồ hôi rơi vào miệng con mặn chát.

Con đã từng rất ghét cha bởi con nghĩ cha chính là nguyên nhân của những tiếng thở dài nặng nề mà mẹ đã thả vào thinh không trong suốt thời thơ dại của con, nhiều không đếm hết. Những trận cãi vã giữa hai người thường chỉ có tiếng cha vang vang trong căn nhà cũ kỹ. Mẹ nhẫn nhục và cam chịu. Mẹ luôn nói: "Nếu không vì chúng mày, mẹ đã bỏ đi lâu rồi". Chẳng phải vì cha mà chúng con trở thành gánh nặng của mẹ, khiến mẹ không thể tìm được hạnh phúc trọn vẹn hay sao?

Vì cha, nhà mình ai cũng đã từng phải rơi nước mắt…

Đã vô vàn lần, con gào thét trong câm lặng: Con ghét cha! Con đã không có cuộc trò chuyện nào thật sự với cha trong khoảng thời gian rất dài và có thể còn lâu hơn nữa nếu như con không lấy chồng, sinh con, quay quắt trong nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Mỗi lần được rảnh rang một chút, con thường muốn về nhà, nơi có mẹ có cha, có mảnh vườn nhỏ mẹ trồng rau xanh tốt, có cánh đồng gió thổi mát rượi quanh năm. Rồi một lần, con giật mình nhận ra mái tóc của cha đã bạc trắng, tai cha đã kém lắm rồi. Trong cùng cực khổ sở vì những biến cố, con đã đọc được một câu nói, đại ý: Chúng ta thường bao dung với người ngoài nhưng lại khắt khe với người thân. Trong khi chính người thân mới là những người chúng ta cần bao dung và đối xử tốt nhất.

Con bàng hoàng, bừng tỉnh. Thì ra bấy lâu nay, tâm mình quá hẹp hòi. Và trí nhớ của con người thật lạ. Nó sẽ được chọn lọc theo chính cảm xúc của người ấy. Khi ta không ưa ai đó, ta chỉ toàn nhớ tới những chuyện không vui. Khi ta thương yêu một ai, kí ức chỉ chọn những gì tốt đẹp nhất của người ấy để lưu giữ. Con tìm về quá khứ, chợt đau lòng vì bản thân đã quá đỗi vô tâm.

Nhà mình sáu người, ruộng rẫy đều ít ỏi, mình cha lèo lái, vật lộn. Lo cho con cái ngày đủ ba bữa ăn no, có quần áo lành lặn để mặc đã là một điều thực sự khó khăn. Cha đi làm thuê đủ thứ nghề: Bổ củi, hái cà phê, gặt lúa, phun thuốc cỏ, thuốc sâu… từ sáng sớm cho tới khi trời tối mịt mới về. Chỉ sau này, khi đã phải tự lo cho mình, cho con, con mới thấu hiểu được sự cực nhọc của cuộc mưu sinh.

Có lẽ mỗi lần thấy con cái nghịch ngợm, làm rách quần, xước áo, cả người xây xát, cha xót lắm, vừa xót vừa tiếc. Những trận đòn cũng chỉ là muốn mấy chị em nên người. Bởi cha đã quen với quan niệm của ông bà từ ngày xưa để lại: "Thương cho roi, cho vọt…". Và cũng bởi vì bận rộn làm lụng quá nhiều, sự mệt mỏi về mặt thể chất cộng với những đè nén vô hình về mặt tinh thần đã vắt kiệt đi sức lực của cha, lấy đi những nụ cười vui vẻ mà cha xứng đáng được có.

Con nhớ lại ngày nhỏ, mỗi lần đi đâu, cha thường chở con theo trên chiếc xe đạp cũ. Khi ấy, con đã rất vui và cười nói với cha rất nhiều. Con đã đánh rơi bao nhiêu khoảnh khắc quý giá như thế ở nơi nào, để bây giờ tóc cha pha sương mới quay về nhặt nhạnh, vá víu lại trái tim đã tổn thương, nứt vỡ?

Ngày con học cấp một, con thường bị bạn bè bắt nạt. Con mách cha, cha vì con mà bỏ dở cả buổi làm, tới tận trường tìm bạn bắt nạt con nói chuyện. Con cũng chẳng biết cha đã nói gì, chỉ thấy những ngày đi học sau đó yên ổn hơn hẳn.

Con nằm viện nửa tháng trời trên bệnh viện tỉnh, chính cha là người chăm sóc con từng li từng tí, dành những đồng tiền ít ỏi cuối cùng để mua cho con đồ ăn ngon, còn cha mỗi bữa chỉ ăn cơm trắng với cá khô, cá khô hết thì chỉ ăn cơm trắng.

"Sao cha không ăn cơm với thức ăn? Con không thấy ai chỉ ăn cơm không như vậy cả", có lần, khi cha đang ăn, con ngó vào chén cơm, hỏi nhỏ.

"Cha thích ăn vậy", cha trả lời, giọng cũng nhỏ không kém giọng con, chừng như sợ những người đang ở trong phòng bệnh nghe thấy.

Cái ngày mấy mẹ con phải tự nấu cơm khi đi làm đồng về trong khi cha nằm ngủ ngon lành cũng là ngày cha bị ốm sau những ngày đi làm thuê cật lực trước đó. Sức lực con người có hạn nhưng nỗi lo lắng ngày ấy của cha thì mênh mông, vô cùng. Có lẽ chỉ có mẹ thấu hiểu đến tận cùng những vất vả, cơ cực của cha nên mẹ mới chọn ở lại bên cha đến tận bây giờ. Nếu không có mẹ để trò chuyện, để cằn nhằn, để cãi vã thì chắc cha đã bị nhấn chìm trong sự cô đơn, lạnh lẽo.

Sống hết nửa đời người, con học lại cách bao dung và yêu thương người thân, điều đáng lẽ con phải học được từ rất lâu rồi mới phải. Cha trở thành ông ngoại, luôn mong ngóng mấy đứa cháu trở về. Nhìn ông cháu cười đùa, trò chuyện con biết mọi thứ vẫn chưa quá muộn màng. Ngày xưa, cha con mình cũng đã từng có những lúc hạnh phúc như thế, dù ít ỏi thì cũng đã từng có, phải không cha?

Một mùa Vu lan nữa lại về, con mong những vết thương con đã có, con sẽ tự chữa lành. Những ấm áp, vui vẻ mà con đã có, con sẽ dần tìm lại. Những ký ức tốt đẹp con từng đánh mất, con sẽ đưa chúng trở về. Cuộc đời hữu hạn, con sẽ chọn giữ lại những gì quý giá nhất, để trái tim vẫn còn biết đập những nhịp yêu thương, để khi nhìn nhau, cha con mình vẫn có thể nở những nụ cười tươi, cha nhỉ?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.