Cơm chay tự chọn và những ưu tư

GN - Dù đã ăn chay nhiều nơi nhưng khi đặt chân đến đây, tôi lại rất ngỡ ngàng với mô hình cơm chay tự chọn kỳ lạ của quán chay Thiện Duyên, tọa lạc tại khu phố 3, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai.

Với giá 10.000 đồng cho một phần ăn, thực khách có thể tùy ý chọn lựa các món ăn đa dạng, phong phú phù hợp với khẩu vị của mình. Thực khách đến quán cũng sẽ là người tự phục vụ từ A đến Z. Dùng xong bữa, thực khách phải tự tay cho tiền vào thùng. Không có bất kỳ một người nào đứng ra thu tiền hoặc kiểm soát thực khách có bỏ tiền vào thùng hay không.

Chính vì lý do tự ý thức nên từ ngày quán chay Thiện Duyên mở cửa cho đến nay đã hơn 7 tháng, nhưng quán vẫn chưa có doanh thu ổn định nói chi đến có lãi.

ANH A (1).jpg

Sau khi dùng cơm chay, thực khách tự bỏ tiền vào thùng

Được biết, quán cơm chay tự chọn Thiện Duyên được thành lập do một nhóm thiện nguyện gồm 10 thành viên đã góp vốn, góp công cùng nhau đầu tư kinh doanh. Thế nhưng, mục đích ra đời của quán cơm không nhằm để kinh doanh mà là để gieo duyên lành cho mọi người có điều kiện dùng chay mỗi ngày. Chị Trang, một trong những thành viên của nhóm vui vẻ nói: “Mỗi ngày, chúng tôi cung cấp khoảng 300 phần ăn nhưng thu về chỉ hơn 2 triệu đồng. Tính theo khẩu phần bán ra thì mất hết 1 triệu đồng. Mọi thứ đều phải mua chứ không được ai cho hay ủng hộ. Vì thế, có hôm may mắn là huề vốn còn không thì là lỗ”.

Tôi thắc mắc “tại sao chỉ có huề vốn và lỗ mà không có lời?”. Chị Trang lắc đầu: “Đâu phải ai ăn xong cũng bỏ 10 ngàn vào thùng. Có người không bỏ tiền, có người chỉ bỏ 2, 3 ngàn cho có lệ. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến điều đó, miễn sao nấu cơm ngon, canh ngọt, đồ ăn tươi mới, hợp khẩu vị bà con là vui rồi”.

Với tình hình quán chay phục vụ với ý thức cá nhân còn kém, quán cũng chấp nhận “tình hình”, tuy nhiên nhiều người đến dùng chay cũng băn khoăn với hình thức kinh doanh này bởi nhóm sẽ khó xoay xở, liệu có duy trì trong thời gian lâu dài?

Biết là sẽ rất khó đòi hỏi ý thức cao, tuy nhiên những người thành lập quán đã xác định “Tới đâu hay tới đó, bây giờ, chúng tôi mua gối đầu từ gạo đến thực phẩm, nguyên liệu. Làm ở đây cũng như đi công quả ở chùa nên tiền công không ai có cả. Tiền vốn thì cả nhóm cùng bỏ ra nên nếu sau này đứt vốn thì có thể sẽ phải dẹp tiệm”, chị Trang cho biết thêm.

Khách ra vào quán ăn cũng khá đông, đông nhất là buổi trưa. Thành phần đến ăn chay ở quán cũng đa dạng, từ công chức, công nhân, sinh viên và cả người lao động nghèo. Thế nhưng, ý thức cá nhân của một số người vẫn còn rất kém. Lấy thức ăn quá nhiều so với sức ăn của mình để rồi đổ bỏ một cách lãng phí. Một số người lại lợi dụng quán ăn không có người kiểm soát nên ăn xong không trả tiền hoặc trả rất ít. Thậm chí có người còn lấy cơm và thức ăn đem về cho chó mèo.

 Hiện nay, số lượng quán ăn chay ở Việt Nam khá nhiều nhưng đây là hình thức phục vụ khá độc đáo và chịu nhiều “may rủi”. Song với những người có tấm lòng thiện nguyện sáng lập quán Thiện Duyên là điều đáng quý vì họ sẵn sàng phục vụ với mục đích phi lợi nhuận và dốc lòng vì bữa cơm ngon, giá rẻ cho các đối tượng khó khăn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.