GNO - Một buổi trưa tôi dùng cơm chay ở quán Huế Thương (đường Bà Triệu, TP.Huế), thật bất ngờ khi thấy các em sinh viên xếp hàng mua vé, nhận cơm, đông vui và trật tự...
Từ “hiểu thương” đến… Huế Thương
Tôi đã dùng cơm ở quán chay này cách đây mấy năm khi quán còn ở đường Tố Hữu, TP.Huế. Lời anh La Thế Quang còn vang trong tôi: “Thấy nhiều em học sinh, sinh viên nghèo khổ nhưng vẫn nỗ lực học tập, mình không khỏi chạnh lòng. Vì vậy, ý tưởng giúp các em vững bước học tập và trong cuộc sống, không gì thiết thực hơn để các em ấm lòng chính từ những bữa ăn thường nhật”.
Dạo đó, tôi có làm một bài thơ lục bát những từ đầu là chữ “hiểu thương”, hiện nay, còn treo trên tường phòng ăn quán Huế Thương: “… Trao nhau một chút ân tình/ Hiểu thương cảnh khổ lung linh tình đời... Nâng tay dâng chén cơm đầy/ Gieo muôn hạnh phước mai này nở hoa”.
Các bạn sinh viên chọn món tại quán chay Huế Thương
Đây là một quán cơm chay trong số hơn mười quán cơm chay ở Huế, không đặt nặng vấn đề kinh doanh, mục đích tạo một điểm phục vụ cho học sinh, sinh viên nghèo đang học tập trên địa bàn thành phố. Chính vì thế, quán chỉ thu một suất ăn 5.000 đồng, một ly sữa đậu nành 1.000 đồng. Nếu các em mua về phụ thu thêm 1.000 đồng, tiền hộp xốp. Các em có thể ăn thêm 1 chén cơm nếu chưa no.
Nhân viên ở quán gồm hai chị nấu bếp, chị Thanh Nhàn và chị Hòa. Chị Thanh Nhàn trước đây là giáo viên THCS, chị nghỉ hưu làm ở quán từ hồi quán mới mở ở đường Tố Hữu. Và, năm sinh viên nam thường trực ở quán, cùng các em sinh viên tình nguyện. Các em lo xay đậu nành làm sữa, quét dọn, trông coi quán trong giờ quán đóng cửa, rồi cùng ba em sinh viên tình nguyện ở các cư xá đến.
Các em làm trong giờ nghỉ học, đến bán vé chia cơm, phục vụ cho các em sinh viên ngày hai bữa ăn chính. Bình quân mỗi ngày quán bán được hơn hai trăm suất cơm, trong đó còn có 10 đến 15 suất cơm miễn phí cho các cô chú bán vé số và các mệ (bà) neo đơn cơ nhỡ có nhu cầu ghé quán ăn cơm.
Tôi ngồi ăn chung với chị Nguyễn Thị Hoa - chị làm nghề bán vé số, nhà chị ở chợ Sam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Chị đi loanh quanh bán vé số, đúng bữa ghé ăn một suất cơm và 1 ly sữa, ngày hai bữa. Chị nói: “Chị là hộ nghèo, chồng chết nên phải một mình vất vả nuôi hai con ăn học. Sư cô Phước Thiện bảo lên đây ăn cơm miễn phí”. Cạnh bàn chúng tôi có các em sinh viên năm thứ II, Khoa Du lịch, Đại học Huế. Em Hồng Thương nói: “Cơm ngon, giá rẻ ”. Em Huỳnh Anh Tuấn, sinh viên năm thứ I, Đại học Y Dược Huế nói thêm: “Đồ ăn ngon, phong phú”. Sau khi ăn xong, tất cả mọi người đều tự tay rửa chén bát, sắp xếp gọn gàng rồi mới rủ nhau về cư xá nghỉ ngơi.
Chung sức vì ngày mai
Tôi trực tiếp gặp em Hoàng Thị Dạ Thảo, sinh viên năm thứ II, Đại học Sư phạm Huế đang bán phiếu cơm. Em nói: “Con là sinh viên tình nguyện, con nghỉ buổi sáng nên ghé quán lặt rau, sơ chế, dọn dẹp rồi ngồi bán phiếu cơm, ăn trưa xong con đạp xe đi học. Có khi vụng về, con cũng bị la nhưng con không buồn vì đó là các cô dì chỉ dạy cho con”.
Trước đây, quán cơm chay Huế Thương do thầy Từ Thông ở chùa Từ Hiếu (TP.Huế) thành lập, đi vào hoạt động từ quý III - 2012, từ ý tưởng muốn trợ giúp cho các sinh viên nghèo hiếu học. Đến tháng 9-2014, thầy Từ Thông bận công tác Phật sự ở Thái Lan nên đã bàn giao cho SC.Thích nữ Phước Thiện quản lý.
Sư cô Phước Thiện cho biết: “Hiện nay, quán đã được nâng cấp lên nhiều mặt, hàng tháng đều có ít nhất là 4 mạnh thường quân hỗ trợ tài chính để quán tiếp tục duy trì, phát triển bền vững hơn. Đặc biệt là sự chung tay góp sức rất hiệu quả của đội tình nguyện viên chính là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học thuộc Đại học Huế. Ngoài năm sinh viên nam thường trực, ăn ở tại đây, quán còn có một lực lượng tình nguyện viên lên đến cả chục người”.
Bình quân mỗi tháng, quán tiêu thụ 800kg gạo và khoảng 1.200 kg thực phẩm rau, củ, quả. Để có nguồn kinh phí ổn định, giúp quán hoạt động bền vững lâu dài luôn là bài toán nan giải, làm người quản lý phải luôn tìm tòi, suy nghĩ để có hướng đi thích hợp. Và, duy trì được một quán chay từ thiện có chất lượng, phải có những người giàu lòng từ bi như SC.Phước Thiện cùng hai chị đầu bếp giỏi là chị Hòa, chị Thanh Nhàn.
Các chị luôn sáng tạo ra những món ăn ngon, từ đó thực đơn cho sinh viên và khách hàng có thêm nhiều món ngon, rất phong phú. Được biết, chị Hòa trước khi đến với quán, chị đã tụng một biến kinh từ rất sớm, trong ngày nghỉ cuối tuần chị thường được mời đi tụng kinh ở các đạo tràng, hay nấu cơm chay cho khóa tu Bát quan trai ở chùa hoặc đám giỗ chay. Chị nói: “Tôi tự học nấu chay ở sách vở và ở những lần đi nấu thực tế với mục đích tự hoàn thiện mình để phục vụ cơm chay cho sinh viên ngày càng tốt hơn”.
SC.Phước Thiện cho biết thêm: “Chúng tôi đang tính đến việc thuê thêm tầng trên để mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu phục vụ các cháu sinh viên nghèo ngày một tốt hơn. Tất cả vì một hạnh nguyện góp phần nhỏ bé giúp các sinh viên nghèo có thêm nghị lực học tốt, để sau này thành người có ích cho quê hương, đất nước”.
Tạm biệt quán cơm chay Huế Thương, trong lòng tôi còn lưu giữ hình bóng trong sáng của các em sinh viên tình nguyện. Các em tất tả chia phần cơm, chạy tới chay lui, nhiệt tình phục vụ cho các bạn cùng lứa tuổi ăn cơm với gương mặt đầy hoan hỷ. Các em chung sức vì ngày mai tươi sáng…