“Cõi Niết-bàn” tuổi thơ

GN - Quê tôi, làng Nguyệt Áng*, một làng nhỏ ở miền Trung. Cách làng một quãng đồng, phía Nam, có một ngôi chùa nhỏ. Cửa chùa mở về hướng Tây, nhìn về Thần Đinh, ngọn núi linh thiêng thuộc dãy Trường Sơn.

Chùa được xây khoảng vào đầu thế kỷ XX, nằm giữa đồng vắng, bốn bề nắng gió. Lên năm, sáu tuổi, tôi vẫn chưa một lần vào chùa nhưng tôi cảm nhận được qua tiếng chuông, qua lời mẹ tôi. Khi gà gáy phiên cuối, tôi còn mơ ngủ, mẹ tôi chuẩn bị gồng gánh đi chợ Cổ Hiền*, bố tôi pha ấm trà đặc trầm ngâm nhìn ánh trăng hạ tuần chiếu qua khe cửa là lúc tiếng chuông thức giấc. Tiếng “boong, boong” thả vào khoảng không mờ đục, xuyên qua làn sương sớm, lay động giọt trăng đậu trên cành lá. Tiếng ngân dài lan xa, rất xa rồi chìm vào tiếng sóng của dòng Kiến Giang* có mái chèo khua nhẹ, xuôi theo tiếng gió tràn qua phá Hạc Hải* mênh mông. Tiếng ngân như tiếng hò khoan, lúc thưa lúc nhặt, như tiếng lúa hát, như lời mây bay. Tiếng chuông đưa mùi hương cốm ai giã sớm, bay xa, hòa vào tiếng dế ríu ran thành bản nhạc. Tiếng chuông như bàn tay chị nhẹ nhàng đánh thức giấc ngủ vùi. Tiếng chuông dìu mặt trăng xuống núi, nâng mặt trời từ biển lên, một ngày mới bắt đầu.

50398454.jpg
Đình làng Nguyệt Áng - Ảnh: Internet 

Mẹ tôi không theo đạo Phật, tôi đoán thế, vì bàn thờ không treo ảnh Phật Bà Quan Âm, nhưng ngày rằm, mồng một bà vẫn thường ăn chay. Rằm tháng Bảy, nghe tiếng chuông lúc trầm lúc bổng, mẹ tôi bảo đó là ngày người dương thế gặp người cõi âm nên tiếng chuông cũng vậy. Tiếng trầm là âm thế, tiếng bổng là trần gian. Khi tiếng chuông nằm lại, cũng là lúc những nén nhang đã tàn. Mẹ tôi rắc gạo muối quanh vườn và cầu khấn. Mẹ nói là cầu mong có chốn lưu thân cho những âm hồn phiêu bạt.

Tôi lớn lên trong tiếng chuông chùa, sự vật đổi thay, tiếng chuông cũng khác. Năm đói kém, tiếng chuông buồn thao thiết như cố làm đầy chén cơm vơi nửa của tôi. Mùa lạnh giá, tôi run cầm cập đến trường, tiếng chuông ngắn lại như áp vào tấm lưng nhỏ bé ngọn lửa ấm. Mùa lũ lụt, tiếng chuông đục ngầu trôi nổi lênh đênh…

Tôi thường theo mẹ lên thăm cô tôi ở thôn Trường Dục (*), con đường mòn nhỏ đi qua trước cửa chùa. Cách vài chục bước, tôi thấy mẹ thường chỉnh lại áo quần, cất nón trên đầu và nhắc tôi im lặng. Mẹ tôi bảo để cho Phật tịnh tâm cõi Niết-bàn.

Lần đầu tôi sợ hãi khi thấy trước cổng tam quan những ông Hổ nhe răng, vuốt móng, những Quan hàm én cầm búa cầm đao. Mẹ bảo, các ông ấy dữ nhưng là dữ với cái ác, che chở cái hiền. Phật ở trong tâm, mình làm điều lành Phật thì phù hộ, trời cao thấy hết chúng sinh. 

Năm tháng đi qua, tôi đã là niên thiếu, mẹ tôi thành người cõi âm. Một mình lên thăm cô tôi, nghe lời mẹ, tôi xõa quần, xách dép và lặng lẽ khi đi qua cửa chùa. Những lúc trời tối, tôi không sợ vì có ông Hổ, ông Quan che chở cho mình.

Vài năm sau, phong trào chống mê tín dị đoan rầm rộ, cúng tế thưa dần và tiếng chuông chùa cũng tắt lịm. Một đêm, trăng sáng đến nỗi tôi không nhìn thấy trời, trời chỉ là bóng đen u uất. Bọn trẻ xúm nhau nhỏ to gì đó rồi chạy về phía chùa, tôi chạy theo. Đến nơi, tôi chen qua đám đông và lẫn vào trong. Lần đầu tiên trong đời tôi được vào chùa. Chỉ có mấy năm vắng tiếng chuông mà ngôi chùa như nhà hoang, mái ngói hở ra từng mảng, ánh trăng rách rát chảy xuống rưng rức vỡ tan dưới nền nhà loang lổ. Những ông Phật già nua, ốm o lưng trần lạnh lẽo, mặt đầy bụi, mắt ngấn lệ. Những ông Phật áo xống tả tơi chau mày đau khổ như gánh hết cơ cực của nhân gian. Phía góc xa, chân hương gió bạt. Ở chính điện nước mưa đọng vũng bệ thờ.

Người ta đưa Phật đi về phía Bình Thôn*, ở đó cũng có một ngôi chùa.

Tôi không biết vì sao đêm ấy trăng sáng đến thế. Trăng sáng để soi rõ mặt người, tôi nghĩ thế.

Tôi nhớ lời mẹ dặn “trời cao thấy hết chúng sinh”.

Vài ngày sau, dân quân súng ống, cuốc xẻng đập chùa một cách rầm rộ, họ san bằng như bom phá. Ông Hổ, ông Quan dưới tay họ lặng lẽ đầu hàng và tan tác từng mảnh.

Người ta xây trên nền chùa một lò gạch, do có nền cao không bị ngập lụt.

Mỗi lần tôi lên thăm cô tôi, trời tối không còn ông Hổ, ông Quan che chở, tôi sợ hãi cắm cổ chạy thật nhanh.

Lớn lên. Xa làng. Về quê, tôi trở lại thăm nơi chùa cũ. Trong tiếng còi inh ỏi, tiếng nhạc xập xình giữa khu dân cư đông đúc. Trên nền đất, trong phế tích vẫn còn hồn xưa nếp cũ, cỏ vẫn xanh rì mải miết như cố níu lại hơi ấm chân người qua đây một thuở có còn không?

Tôi cởi giày, bỏ mũ, lặng im như lời mẹ dặn thuở nào. Những hồi chuông giội vào hồn tôi, từng hồi, từng hồi mừng rỡ như gặp lại người xưa, như nức nở sẻ chia những oan ức nghiệt ngã. Tiếng gươm đao, tiếng hổ gầm giữa thời loạn lạc. Tiếng kinh cầu râm ran trong khói hương huyền ảo, tiếng đất dậy sóng một thời. Trong tiếng kinh cầu đó có tiếng sám hối của những người đập chùa hay không???

Cũng vầng trăng đó, cũng bầu trời đây, thiếu tiếng chuông chùa thế gian cô đơn như đời tôi vắng mẹ. Rằm tháng Bảy, có còn ai vẩy gạo muối trong vườn để những âm hồn trẻ thơ đỡ phần hờn tủi.

Mấy chục năm rồi, đau đáu trong tôi câu hỏi, những ông Phật giờ lưu lạc nơi nao???

Bỗng vang lên thong thả tiếng chuông chùa và câu hát mẹ ru tôi còn văng vẳng đâu đây:

Ru ru riến riến rà rà

Voi ông đi trước ngựa bà đi sau

Đi sau lủng lẳng con cau

Ngó nhà mấy cột ngó cau mấy buồng.

Cõi Niết-bàn là nơi Cực lạc. Với tôi, tuổi thơ cơ cực nhưng cám ơn đời đã cho tôi đã gặp cõi Niết-bàn. 

Từ Sâm

______________     

(*) Địa danh thuộc xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.