Với người quê, cổ thụ không chỉ là một hình ảnh quen thuộc đi gặp về gặp mà còn chứa chan tình cảm. Từ hàng trăm năm qua, cây vẫn như những người khổng lồ canh giữ cho hồn thiêng xứ sở, chở che đùm bọc dân lành khỏi nắng mưa, bão lụt, tên đạn và ánh mắt thù địch. Cổ thụ cung cấp thức ăn, chốn ở cho nhiều loài chim thú, sâu bọ và người. Cổ thụ cũng gắn liền với những kỷ niệm thơ ấu, tình bạn, tình yêu, chuyện lao động sản xuất, việc nhà, việc xóm và tâm linh, tín ngưỡng thờ phụng của làng. Do đó, mọi người hay đặt bàn thờ, bát nhang ở những hốc hang, cành lá thâm nghiêm, hóc hiểm để cầu xin, cúng bái. Dựa vào sự to lớn, bề thế của cổ thụ, dân gian cũng hay dùng từ: cây đa, cây đại, cây đề chỉ những người nổi tiếng có đóng góp lâu năm với làng nước.
Cây đa đầu làng
Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Vạn Thái với anh thì về/ Làng anh có bóng cây đề/ Có chùa thờ Phật, có nghề cửi canh/ Hãy về Vạn Thái cùng anh/ Kinh kệ sớm tối tốt lành bên nhau/ Em về đến cội cây đề/ Gặp hai ông Phật ngồi kề hai bên (Ca dao).
Trong các loại cổ thụ thôn dã, đề là một cây cao bóng cả mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và linh thiêng nhất. Cây thường mọc ở khuôn viên chùa chiền như một biểu tượng của Phật giáo - một vị hộ pháp bảo vệ sự bình yên xứ Phật. Cây cũng cao ngang trời. Song không như đa, rễ phụ của đề không chẽ ngang, đâm thẳng từ cành xuống đất mà bám riết lấy thân cội, như một dạng dây quấn. Theo chuyện kể, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi tu hành, Ngài đã ngộ đạt đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác dưới gốc bồ đề. Vì vậy, trong tiếng Phạn, bồ đề có nghĩa là giác ngộ. Những ai bị lầm lỗi muốn tu thân sửa mình đều tìm tới gốc đề cầu nguyện.
Những cây đề cổ thụ luôn là những kỳ quan thực vật. Thân cây xù xì, nhiều vẩy sừng, có những đoạn rễ mọc từ trong lõi đâm xuyên qua vỏ khiến thân nứt toác. Nhìn ở góc độ nào, lá đề cũng giống những trái tim nhỏ đung đưa, khi mục nát thường chỉ phần thịt lá biến mất còn khung xương vẹn nguyên. Quả đề cũng tuyệt đẹp, tròn xoe xếp thành xâu chuỗi như tràng hạt. Từ lá, hoa, quả đề đều tỏa hương thơm lành giúp chúng sinh thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, khỏi sự quấy nhiễu của ma quỷ, nỗi u buồn và những tội lỗi tham sân si để tự giải thoát.
Đứng trước đề, người dân luôn cảm thấy thanh thản, êm ái. Trẻ em thường đu mình vắt vẻo trên cành nằm nghỉ ngắm ánh sáng soi qua kẽ lá và tưởng tượng đó như là những chiếc quạt mo. Các cụ già ngồi dưới gốc đề, thiền định và chiêm nghiệm cuộc đời. Dân gian xem về bên gốc đề là về với cái thiện, sự an lành với cả muôn loài.
*
Trắng trong và tinh khiết/ Đại nở đầy thềm xưa/ Không bàn tay níu giữ/ Hương thơm mát diệu kỳ (Mùa đại nở - M.C)
Ở quê cũng thường thấy những cây đại lớn mọc ven các công trình kiến trúc tôn giáo như một biểu hiện của sự tu đạo và góp phần thơm nức không gian. Người xưa kể rằng, thuở ấy Đức Phật đã giảng đạo lần đầu tiên cho các đệ tử tại vườn Nai. Sau đó, loài nai đã theo Ngài, cõng Ngài trên lưng để Ngài tiếp tục đi giảng đạo. Khi mất, nai đã hóa thành một loài cây có hình dạng đặc biệt, lá giống tai nai, thân cành giống sừng nai. Cây sống được trên mọi loại đất đá, cát sỏi trong điều kiện mưa giông nắng lửa, quanh năm trơ trọi, lêu đêu gần như chẳng mấy khi có lá, đầu xuân cây mới ra một vài lộc non, và đầu hè thì khai hoa trắng muốt. Khi chưa nở hoa, nụ thuôn nhọn và lúc nở năm cánh xòe rộng trên đỉnh sinh trưởng của cành. Vì lẽ đó, dân gian cho rằng, đại là tượng trưng của sự tu hành âm thầm song đạt tột đỉnh vinh quang. Mùa hoa đại nở rộ vào dịp Phật đản, và dân làng cũng như khách thập phương lại hành hương đến chùa lễ Phật, cầu mong quốc thái dân an: Yếm hồng thôn nữ tươi đường lúa/ Chùa lợp ngàn hoa đại trắng tinh (Anh Thơ).
Đại ở đâu cũng tươi tốt, hơn thế, còn tồn tại dai dẳng gắn với các công trình cho đến khi các công trình ấy đổ nát: Ngôi nhà cũ thay cổng và thay mái/ Cây đại già vẫn đó chẳng dời đi/ Lặng lẽ đời cây chìm vào góc khuất/ Có thể nhìn cây gạn lọc được điều gì (Cây đại trước hiên nhà - Nguyễn Đức Mậu). Bên mái chùa, mái đình rêu phong, cổ kính và rạn nứt do đó luôn có những nhành đại vươn thẳng như những nét bút viết lên trời xanh. Cây đại già lẳng lặng/ Trong heo may trầm tư/ Những ngón tay khô khẳng/ Hướng trời cao đợi chờ… (Cây đại - Hoàng Gia Cương).
Yêu hoa đại, đặc biệt là những cây đại cổ thụ vườn chùa, dân quê thường chiết cành về trồng cho thơm cửa thơm nhà, nhắc nhở con cháu tích đức, hành thiện. Trẻ già thường ngồi dưới gốc đại, hít sâu làn hương thơm sảng khoái. Hái hoa xâu vòng đeo cổ, cài đầu và ban tặng cho những người đạt thành tích. Dùng hoa cúng Phật, sắc vỏ cây để chế thuốc an thần, thanh nhiệt, hoạt huyết, chữa sưng tấy, nhức mỏi và tắm cho da dẻ hồng hào.
*
Sáng dậy khói bay choàng mái rạ/ Lẫn vào sương tỏa lẫn vào cây/ Cây xoan cây muỗm mờ trong khói/ Cả mái đình rêu cũng đắm say (Khói bếp - Vũ Quần Phương).
Không cô lẻ như đa, muỗm cổ thụ thường mọc thành rặng dăm bảy cây cách quãng. Bởi đây là một loại cây trồng vườn. Muỗm đứng sừng sững giữa đồng là một hình ảnh rất gần gũi với nông dân. Sau khi cấy hái, người quê tìm tới gốc muỗm trên gò cao ngả lưng đỡ mệt. Tiện thể trèo cây hoặc lấy sào tre chọc cho hoa quả rơi xuống ăn giải khát. Muỗm cho rất nhiều hoa thơm màu vàng bé bỏng song kết từng chùm, hoa nhỏ song cho quả to như tai tượng, mọng nước khi xanh hơi chua khi chín ngọt lịm.
Cùng với đề và đại, nhiều chùa chiền, đền miếu thường trồng muỗm trong khuôn viên với ý nghĩa đem tới sự khai sáng, thức tỉnh; đại ban phát hương lành và sự cảm thụ đức độ của nhà Phật; còn muỗm là nơi giàu bóng mát cho cô hồn trú ngụ thưởng hương hoa quả, nghe kinh Phật để siêu thoát. Lấm tấm hoa muỗm rụng/ Sân chùa vàng nắng soi/ Một tiếng chim lảnh lót/ Hay chuông đồng ngân vang…
Do là cây ăn quả, muỗm là loại cổ thụ tiêu biểu nhất của vùng quê cho thấy sự đa dạng sinh vật. Đây là chỗ sinh sống của nhiều côn trùng, dơi, sóc, chuột, đặc biệt là những đàn chim loan, phượng, khướu, chành chọe và quạ... Chiều về, chúng chao lượn trên ngọn cãi nhau chí chóe. Đêm đêm, trên cành lá xanh lét lập lòe ánh sáng đom đóm, và xung quanh văng vẳng những tiếng dơi đập cánh vù vù, tiếng mèo hoang ai oán khiến cảnh đêm thêm mù mịt, thê lương. Cũng bởi thế, dân gian hay thêu dệt vào cây muỗm già những câu chuyện huyễn hoặc khiếp đảm khiến người yếu tim không dám lai vãng: Gió đập cành muỗm/ Gió đánh cành muỗm/ Chân thầy cà cuống/ Thầy nghĩ là ma/ Thầy vùng thầy chạy/ Ba thằng ba gậy/ Đi đón thầy về (Ca dao).
Tuy nhiên, nhiều người chỉ sợ hãi vào ban đêm, còn ban ngày vẫn sinh hoạt bình thường dưới gốc cây. Họ vẫn buộc trâu bò, lợn gà, tổ chức ăn uống, tiệc tùng. Trẻ con đùa nghịch, trai gái hò hẹn nguyện thề bên gốc muỗm: Mái chùa hoa muỗm hương xưa/ Anh về tạ lễ yểm bùa giữ em (Rau bừng - Nguyễn Bá Thắng). Mùa muỗng chín thơm nức cả vùng, thanh niên thường trèo cây hái quả, cũng có lúc mặc cho quả rụng rồi nhặt. Muỗm rụng khá nhiều, cứ gió lớn là lộp độp, không biết cơ man nào đếm xuể.