Cô sinh viên cười xinh như hoa ấy cho biết ý nghĩa của tên dự án: "Con số 350 thể hiện mức giới hạn an toàn của hàm lượng CO2 (tính theo đơn vị phần triệu) trong không khí". Nói về Dự án Sài Gòn 350, Thùy Dung vẫn còn nhớ rất rõ những ngày tháng khó khăn, cách đây một năm tưởng chừng như không thể thực hiện được. Dung nhớ lại: "Dự định của Dung và các bạn bị gián đoạn vì ngay khi tham gia diễn đàn ở Hà Nội về nhiều thành viên đã chuyển hướng". Một mình Dung đứng ra cáng đáng, Dung vừa học, vừa đi vận động tài trợ và kết hợp với nhóm bảo vệ môi trường C4E để cùng tham gia dự án, tổ chức tiết học xanh, phổ biến kiến thức về môi trường đến các bạn trẻ, giúp các bạn có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Trong các gạch đầu dòng mà Dự án Sài Gòn 350 thực hiện có khá nhiều như Hội thảo môi trường "350 - Định mức tương lai, giới hạn an toàn", đạp xe vì môi trường, trang trí nón lá, nhảy vì Trái đất, Tiết học xanh… Trong đó, Tiết học xanh là một nét nổi bật của chương trình nhằm giáo dục môi trường cho giới trẻ. Nhiều học sinh ở các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã tham gia tiết học này như Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Trung học Thực hành… đều có chung một nhận xét: "Cô giáo" Thùy Dung là… thần tượng của tụi em. Có được sự yêu mến đó là vì Dung cùng với ê-kíp thực hiện dự án đã đứng lớp và nói rất nhiệt tình, bày nhiều "món ăn" là những trò chơi thú vị về môi trường cho các bạn học viên. Thùy Dung cho biết: "Thông qua Tiết học xanh, hàng trăm học sinh đã đưa ra các cam kết thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường như: hạn chế sử dụng túi nylon, tắt các thiết bị điện không cần thiết, tắt máy xe khi dừng đèn đỏ quá 20 giây… Ngoài ra, các học sinh còn đưa ra nhiều ý tưởng hữu ích có thể áp dụng trong thực tế như tổ chức cuộc thi hoa hậu xanh, xây dựng các khu du lịch sinh thái, sản xuất các vật phẩm lưu niệm từ rác thải môi trường…". Đó là kết quả đáng mừng của Thùy Dung và cũng là động lực để bạn tiếp tục dấn thân làm nhiều dự án cho môi trường mà mình đang ấp ủ. Dung chia sẻ về đề tài nghiên cứu khoa học mà bạn và những người bạn cùng trường đã và đang làm liên quan đến chiến lược xanh của bã cà phê. Dự án ấy còn đang trong vòng "bí mật" nhưng nhìn sự hớn hở của Thùy Dung, chúng tôi biết dự án ấy là tâm huyết và cũng có nhiều điều thú vị. Dung "bật mí" sơ sơ rằng: "Dự án sẽ chỉ ra sự hữu ích của việc dùng bã cà phê bón cho cây, vừa tiết kiệm, vừa bớt ảnh hưởng môi trường khi dùng phân hóa học". Anh Vũ Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TP.HCM có nhận xét về Dự án Sài Gòn 350 và những hoạt động của Dung rằng: "Dự án đã đi đúng với mục tiêu "thực hiện nếp sống văn minh đô thị của thành phố", hoan nghênh người "chủ xị" chương trình". @ Trong khi có rất nhiều bạn trẻ lao vào những dự án kinh tế thì Dung lại chọn lĩnh vực môi trường, như thế có… bao đồng không? Và nhất là khi bạn là SV năm 2, lo cái chuyện mà mọi người nói "lo con bò trắng răng", Dung nghĩ gì khi nghe nhận xét như vậy? Lê Thùy Dung - Dung vẫn nhớ hình ảnh con ếch trong nồi nước đang dần sôi. Một ngày, con ếch bị luộc chín. Cái chết không đau đớn. Do mọi sự thay đổi về nhiệt độ diễn ra chậm chạp đủ để con ếch không biết rằng ngọn lửa sẽ làm nồi nước sôi sùng sục. Vấn đề môi trường hiện nay cũng vậy. Tác động của nó diễn ra từng ngày, từng giờ và con người vẫn thường thiếu cảnh giác với những sự cố âm thầm. Dự án "Sài Gòn 350" muốn gửi gắm những thông điệp về môi trường kịp lúc để không ai trong chúng ta lặp lại số phận giống con ếch trong câu chuyện kia. Cũng là một duyên may khác, khi Dung được học tập, hoạt động và trưởng thành trong một cộng đồng trẻ hết sức có ý chí và trách nhiệm. Trong chuyên ngành Tài chính Quốc tế mà mình đang học, Dung và bạn bè được trang bị rất nhiều kiến thức và hoài bão phát triển nghề nghiệp mình. Mong muốn của Dung sau này sẽ nghiên cứu nhiều hơn nữa về Green Business, Green Marketing… và hoạt động phục vụ lĩnh vực này. Bạn thấy đó, không có sự hoài phí nào ở đây và mọi thứ đều đã sắp sẵn cả rồi.