Khó khăn không lo lắng
Với người Phật tử, những ngày phải ở nhà do dịch bệnh, video các bài thuyết pháp của chư tôn đức giảng sư là “thực đơn” không thể thiếu để nuôi dưỡng tâm mình. Ở những thời pháp, lời Phật dạy được chư tôn đức giảng giải sẽ làm mình bừng sáng thêm. Có những kiến thức mới được cập nhật và có những bài học cũ đã nghe nhưng mình quên, nay có dịp ôn lại.
Cái nhìn của Phật giáo trong mọi sự việc, hoàn cảnh đều trung dung, vì có quán chiếu nhân duyên. Những biểu hiện ngay hiện tại này đều có lý do (nhân) và việc của mình là chấp nhận quả; đồng thời làm những việc tốt để chuyển hóa.
Trong một bài giảng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh dạy: “Kinh nghiệm của tôi là khi gặp khó khăn không lo lắng. Vì lo lắng làm mình rối lên, mất chánh niệm. Thay vào đó, mình phải bình tĩnh, sáng suốt, quán chiếu nhân duyên và ứng xử theo nhân duyên đó để vượt qua nó”. Lời dạy này giữa mùa dịch dã này quả thật có giá trị. Covid-19 với những làn sóng lây lan trong cộng đồng từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, từ kinh tế đến tinh thần. Tất cả đều bị hạn chế. Nếu không bình tĩnh, không tùy thuận hoàn cảnh để giữ tâm an thì chắc chắn chúng ta sẽ khổ vì nó.
Thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch buộc chúng ta phải thắt chặt chi tiêu. Ông bà mình nói “khéo co thì ấm”. Trước đây ta chủ quan hoặc không nghĩ sẽ có lúc thế giới rơi vào tình thế bị tấn công tập thể thế này nên liên tục đáp ứng những đòi hỏi của cơn say mua sắm. Điện thoại còn mới tinh nhưng vì “thích công nghệ” nên ta đã đổi lia lịa; quần áo mới mặc đôi lần giặt nhưng ta đã xếp xó vì đã có mẫu mới chinh phục… Những ai đã từng thoải mái, mạnh tay chi tiêu vì đồng lương khá, nay chắt bóp hơn có thể sẽ stress và cần ôn lại bài học “ít muốn biết đủ”. Những ai thích đi đây đi đó nay hạn chế, thậm chí có lúc phải ở yên do giãn cách xã hội sẽ cảm thấy bứt rứt. Tất cả những khó khăn, khó chịu đó chúng ta phải tập thích nghi lại. Đây cũng là cách sống tùy thuận hoàn cảnh.
Có thể nói, các hãng công nghệ, thời trang… rất biết “chiều lòng” các ham muốn, đòi hỏi ngày càng cao của con người. Họ liên tục làm mới mình qua từng quý, từng năm, thậm chí từng tháng, bằng việc tung chiêu sản phẩm mới, tính năng được đẩy lên, mẫu mã khác lạ hơn. Có những tính năng mà người dùng chưa bao giờ xài tới hoặc không biết cách xài nhưng vẫn muốn đổi mới theo chỉ vì nó là món hàng trang điểm cho sự giàu có hoặc sành điệu. Việc chạy theo công nghệ hay xài hoang phí của một bộ phận người góp phần đẩy gánh nặng cho Trái đất vì rác công nghệ. Ở một góc nhìn tích cực, nhiều người cho rằng, qua khó khăn chung này mà đất mẹ được thở nhẹ nhàng hơn chút vì bớt ô nhiễm trên nhiều phương diện nhờ mọi tiêu dùng của con người được giảm thiểu.
Tất nhiên, không ai mong dịch bệnh để có được sự tích cực cho hành tinh. Đối với người thực tập ít muốn biết đủ trong tinh thần Phật giáo sẽ chủ động trong vấn đề này. Nghĩa là, bình thường cũng đã sống theo cách vừa phải, không để mình bị cuốn theo những giá trị vật chất bên ngoài. Ở thế chủ động này thì với nhiều người đây là khó khăn nhưng mình thấy cũng chưa khó gì mấy. Chúng ta vẫn có thể sống an vì thực sự mình không đòi hỏi nhiều nên có nó hay không cũng bình thường, không bị nó chi phối.
Tâm an vạn sự an
Kể từ 0 giờ ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) tuân thủ Chỉ thị 16 và tăng cường hơn một số biện pháp. Tiếp đến, ngày 14-6, lãnh đạo Thành phố đã quyết định giãn cách toàn thành theo chỉ thị 15 vì dịch bệnh vẫn còn lây lan phức tạp trong cộng đồng. Biện pháp chống dịch bắt buộc này không ai mong nhưng vẫn phải nghiêm túc thực hiện.
Nhiều Phật tử đã vui vẻ xem đây là thời gian dành cho thời khóa nhiều hơn, là cơ hội chăm sóc bản thân, gia đình… mà lâu nay ta vẫn thường than “không có thời gian”. Đó là tư duy tích cực trong thời điểm khó khăn này. Có chị Phật tử ở Đà Nẵng nhắn gửi người Sài Gòn: “Cố lên, không sao đâu, Đà Nẵng từng là tâm dịch, rồi cũng qua hết thôi”. Những chia sẻ đầy sách tấn để an tâm cho những người ở TP.HCM hoặc Bắc Giang cũng là những việc lành ngay lúc dầu sôi lửa bỏng.
Ngoài chú ý dịch bệnh để cẩn thận hơn, tăng cường phòng chống, tuân thủ cách ly… thì nghĩ về những người trong tuyến đầu chống dịch cũng là cách giúp ta nuôi dưỡng được tình thương, sự vững chãi. Có những người đang căng mình cùng bệnh nhân vượt qua Covid-19, là những “chiến sĩ” khoác blouse, lực lượng chức năng đêm ngày trực ở chốt phong tỏa hay vùng biên để ngăn nhập cảnh trái phép mang theo mầm bệnh… Chúng ta tuy có bị hạn chế hơn trong các sinh hoạt thường ngày nhưng vẫn còn được ở bên người thân, gia đình, được đi siêu thị mua đồ thiết yếu. Nhìn mình rồi nhìn người để thương. Đó là thực tập “mắt thương nhìn cuộc đời”, một cách nuôi dưỡng lòng từ.
Có Phật trong đời, nhờ học Ngài mà ta biết sống có chất liệu hiểu biết và thương yêu nhiều hơn, đúng cách hơn. Trong mùa Phật đản vừa rồi, mỗi người con Phật hướng về Đức Thế Tôn để khấn nguyện, cảm ơn Phật đã cho con sáng mắt sáng lòng; cầu an cho muôn loài, thế giới an hòa, đất nước hòa bình, đại dịch sớm tiêu tan… Những tâm niệm an lành đó rất quý giá. Ngay những lúc khó khăn, ta phải thực hành và chứng ngộ tâm an vui để mọi sự được an. Đức Phật dạy, nhất thiết duy tâm tạo, kiến tạo cảnh an đương nhiên phải bắt đầu từ tâm an…
Mỗi ngày một tổng kết lành 15 ngày sẽ qua nhanh
Khi hay tin TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội, tôi nghĩ về một “thách thức” cho những người bạn. Đó là, mỗi ngày, vào cuối ngày, bạn hãy tổng kết những niềm vui mà bạn đã trải trong ngày hôm đó. Ví dụ như sáng nay tự nấu ăn cho cả nhà, mình đã làm một món nào đó ngon xuất sắc và ai ăn cũng vui; hay như mình còn thở để nghe một video thuyết pháp và thấy hoan hỷ vô cùng…
Nghĩ tới những gạch đầu dòng tích cực thì đầu ta không còn chỗ trống để dung chứa lo lắng nữa. Tôi thấy vậy!