HỎI: Trong lúc ngồi thiền, niệm Phật hay trì chú ở tại tư gia, vì thời tiết quá nóng nực nên chúng tôi chỉ mặc các loại y phục mỏng (nhưng kín đáo), nhẹ và thoáng mát mà không mặc áo tràng, điều này có được không? Tôi thường niệm danh hiệu Phật trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Những lúc rảnh rỗi, nằm cởi trần hóng mát, thư giãn tôi cũng thầm niệm Phật. Không biết như vậy có nên không? Tôi có thể đeo xâu chuỗi trong suốt cả ngày với tất cả các sinh hoạt đời sống khác nhau có được không? . (HOÀNG VĂN NGỌC, Bình Tân, TP.HCM; ĐẶNG HOÀNG MINH TUỆ, Phan Chu Trinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
ĐÁP: Bạn Hoàng Văn Ngọc và Đặng Hoàng Minh Tuệ thân mến!
Áo tràng là một loại y phục dành riêng cho hàng Phật tử sử dụng khi tham gia các khóa lễ như sám hối, cầu an, cầu siêu, lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền v.v… ở chùa và các đạo tràng. Nói chung, áo tràng là “pháp phục” của hàng cư sĩ, nhằm tề chỉnh uy nghi, giúp tăng thêm sự trang nghiêm, thanh tịnh và thăng hoa tâm linh. Hầu hết các Phật tử khi đến chùa tham dự các khóa lễ đều mặc áo tràng.
Tuy nhiên, vì những nhân duyên và điều kiện khách quan khác nhau, người Phật tử khi đến chùa với y phục bình thường (không mặc áo tràng) vẫn có thể tham dự các khóa lễ ở chùa hay các đạo tràng một cách bình thường. Điều này dễ dàng nhìn thấy trong các buổi lễ hiện nay, những Phật tử mặc áo tràng thường (được ưu tiên) đứng trước, những người không mặc áo tràng đứng sau, dù không mấy đồng bộ về y phục nhưng vẫn tạo ra sự trang nghiêm cần thiết trong buỗi lễ.
Nói như thế để biết rằng áo tràng là một phương tiện cần và nên có trong lúc hành lễ, nhất là những khóa lễ ở chùa và các đạo tràng đông người. Riêng tại tư gia, những Phật tử hành trì niệm Phật, tọa thiền, trì chú… mang tính nỗ lực công phu của cá nhân thì có thể chọn một nơi thích hợp, thoáng mát và yên tĩnh trong nhà của mình. Những nơi ấy có thể là phòng thờ, ban công, sân thượng, ngoài vườn và cả trong phòng riêng. Khi hành trì riêng như vậy nếu mặc áo tràng thì càng tốt. Trong điều kiện thời tiết quá oi bức thì có thể phương tiện mặc những y phục bình thường khác, miễn sao thoải mái, nhẹ nhàng, thông thoáng nhưng phải kín đáo và nhất là không nên mặc đồ quá chật. Thân và tâm có mối quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau. Khi thân được thư giãn, thoải mái và nhẹ nhàng thì quá trình điều phục tâm hướng đến an tịnh sẽ thuận lợi hơn.
Đối với người tu tập pháp môn niệm Phật mà đã huân tập được thói quen niệm danh hiệu Phật trong mọi lúc mọi nơi là điều rất tốt. Ngoại trừ những lúc cần phải tập trung cao để tư duy hay chú tâm đặc biệt vào công việc ra thì họ đều niệm Phật. Trong những lúc nghỉ ngơi, đi dạo hoặc nằm hóng mát thư giãn vẫn duy trì được việc niệm Phật lại càng hay.
Theo chúng tôi, trừ các thời khóa niệm Phật cố định (một ngày 1 hoặc 2 thời tùy hoàn cảnh và điều kiện mỗi người) trước bàn thờ Phật cần phải trang nghiêm y phục, mặc áo tràng thì càng tốt, còn việc tâm niệm danh hiệu Phật trong ngày thì tùy duyên. Trong lúc làm vườn, làm việc nhà hay việc nơi công sở, trong lúc chơi thể thao, những lúc nhàn rảnh, thư giãn nghỉ ngơi và kể cả khi tắm rửa v.v… đều có thể thực hành tâm niệm danh hiệu Phật. Vì thế, những trưa hè oi ả, những lúc không có khách, bạn cởi trần nằm hóng mát, thư giãn một lát mà tâm vẫn niệm Phật là chuyện bình thường.
Về xâu chuỗi thì có thể phân làm hai loại chính. Một là pháp khí thường dùng trong lúc tụng niệm, như các loại chuỗi (108, 54 hay 18 hạt). Chuỗi sử dụng trong việc tu niệm thì sau thời khóa tu niệm xong, cần phải cất đặt vào nơi thanh tịnh. Hai là loại chuỗi hạt chỉ đeo để trang sức thì có thể mang theo người mọi lúc mọi nơi.
Chúc các bạn tinh tấn!