Có một ngôi chùa trên non cao

GN - Cách Khu du lịch Tà Cú 5km, có một ngôi chùa nhỏ trên núi tên là chùa Kim Thọ thuộc thôn Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận do Sư cô Thích nữ Chúc Đức là trụ trì.

Năm 18 tuổi vừa tốt nghiệp THPT xong, SC.TN Chúc Đức nằm trong nhóm ưu tiên được tuyển chọn vào ngành y vì kết quả thi cao nhưng Sư cô đã chọn con đường xuất gia vì thấy cuộc đời vô thường và Sư cô muốn giải thoát khỏi cảnh khổ thế gian.

Vì thế, Sư cô đã đến chùa Bồ Đề (quận 4, TP.HCM) để xin xuất gia và tham gia lớp trung cấp Phật học tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đến năm 1997, Sư cô trở về để tái thiết lại ngôi chùa do Sư bà trước đây làm trụ trì viên tịch trên 27 năm qua (ngôi chùa này, trước đây do Hòa thượng Thích Huệ Cẩn, từ tỉnh Quảng Nam sáng lập năm 1938).

DSCF0114.JPG

Vườn Lâm Tỳ Ni trên núi - Ảnh: M.H

Do chùa ở trên núi cách đồng bằng 3km, đường đi lại gập ghềnh đá núi nên Sư cô ở đây đã chủ động trong mọi việc tu sửa đường đi lên chùa cho liền mạch và bằng phẳng, sửa chùa, tu sửa chánh điện, làm lại phòng ốc chủ yếu sử dụng đá cục (đá núi) để xây dựng nên chùa rất chắc chắn, làm vườn Lâm Tỳ Ni, đặt thêm 2 tượng Quan Âm Bồ-tát…đồng thời sử dụng điện bằng năng lượng mặt trời cho mọi sinh hoạt, trang bị đủ các phương tiện nghe, nhìn.

Để cung cấp lương thực cho bữa ăn, Sư cô trồng đủ loại rau sạch như: bồ ngót, ớt, rau má, rau dền, cải các loại... Và cây cho quả như: chanh, chuối, đu đủ, me, bưởi, mít, bạc hà, tiêu... được trồng trên 3ha đất xung quanh chùa. Hàng năm, SC.TN Chúc Đức thu hoạch từ việc bán cây trái lo cho Tam bảo và tích lũy để hỗ trợ cho các chùa nghèo và làm từ thiện.

SC.TN Chúc Đức cho biết thêm: “Tu ở núi cũng dễ nhưng cũng khó, dễ vì biết đủ là được, còn khó là chưa quen nơi chốn sơn lâm, thấy bất tiện trong mọi việc đi lại, sinh hoạt và các tiện nghi khác”. Ở đây, ít người đến chùa, mỗi sáng chỉ một vài khách đi rừng ghé dùng nước và nói qua loa vài câu. Không khí tẻ nhạt, chỉ có inh ỏi tiếng chim, thú.

DSCF0125.JPG

Thửa rau nhỏ do Sư cô tự trồng - Ảnh: M.H

Vì thế, Sư cô thường làm bạn với chim chóc, cây cối, mây bay, suối chảy… nên không cảm thấy buồn mà thấy thân thiện với thiên nhiên xung quanh. Ở chùa núi vào buổi chiều, trời thường vắng lặng, ngồi trên thềm chùa, Sư cô thường nghe đài, làm thơ và quán sát vạn vật xung quanh nhà cửa, con người dưới đồng bằng. Tất cả được thu vào tầm mắt, thật nhỏ bé.

Với Sư cô, cuộc đời vốn dĩ là không, ở đời vạn vật trong vũ trụ không tồn tại với thời gian, đều có sinh có diệt, có hợp có tan. Tuy nhiên, để tránh khổ đau là phải giảm ham muốn, tránh hưởng thụ phải dành thời gian tu tập chuyên cần và phát triển con đường tâm linh. Ở chốn sơn lâm, nhiều vị tiền bối đã tu đắc đạo vì không bị nhiễm theo những danh lợi. Vì vậy, Sư cô muốn tìm một lối sống giải thoát, một cuộc sống chân thật, cao đẹp đã gắn trọn đời mình nơi chốn núi rừng và lưu giữ Chánh pháp đồng thời cầu nguyện cho Tăng đoàn luôn tu đúng Chánh pháp, giữ gìn giới luật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.