Một hệ thống kinh tế có thể cho phép người dân thuộc mọi tầng lớp và dân tộc sống một cuộc sống tương đối hạnh phúc và thịnh vượng rõ ràng là rất cần thiết. Thật không may, hệ thống kinh tế đang phổ biến hiện nay lại được thiết lập trên khái niệm về tính cạnh tranh, là tư tưởng cho rằng một quan điểm cạnh tranh - giữa các cá nhân, các nhóm và các quốc gia - là căn bản đưa đến thành công của một nền kinh tế. Adam Smith đã phát triển khái niệm về “kinh tế thị trường tự do” vào năm 1776 khi ông lập luận rằng những cá nhân hình thành một xã hội nỗ lực sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ mà họ cần đơn giản chỉ hành động theo nhu cầu cá nhân của họ. Nói cách khác, một nền kinh tế hoạt động tốt hơn nếu ai cũng ích kỷ. Niềm tin đằng sau những người trung thành với triết lý kinh tế này là mọi người sẽ làm việc cực nhọc hơn nếu họ làm việc chỉ để thỏa mãn những nhu cầu của riêng họ và một tinh thần cộng đồng thực sự là không thể đạt được. Rõ ràng, quan điểm đó đang cổ vũ mọi người dấn thân vào việc tìm cầu để có được của cải và quyền lực. Đây là quan điểm mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thẳng thừng bác bỏ.
Trong kinh Thánh cầu (Pariyesanā Sutta) có đề cập đến hai sự tìm cầu, đó là: thánh cầu (tìm cầu cao thượng hay tìm cầu Chánh pháp) và phi thánh cầu (tìm cầu thấp hèn hay phi Chánh pháp) [ariyā ca pariyesanā, anariyā ca pariyesanā]. Từ Pāli pariyesanā có thể được hiểu là “sự tìm kiếm”, “sự tìm cầu”, hay “sự nghiên cứu”. Đức Phật đã giác ngộ khi Ngài còn rất trẻ rằng, Ngài không đam mê tìm cầu những gì chỉ tạo ra quyền lực và của cải. Ngài nhìn thấy vòng luân hồi bất tận của sinh lão bệnh tử, kết nối mạnh mẽ với khổ đau của con người, nên đã cống hiến cuộc đời để giải trừ khổ đau đó. Sự tìm cầu của Ngài là để khám phá ra con đường giáo dục đúng đắn có thể đưa đến một phương thức sống hạnh phúc và bền vững cho mọi người. Đó là lý do tại sao, trong kinh Sigalaka, Đức Phật đã khuyên dạy cho người thanh niên Sigala (Thiện Sinh) “bốn nền tảng của hòa hợp xã hội”. Đó là: đức khoan dung và hạnh bố thí - bố thí (dāna), lời nói thiện chí và hòa nhã - ái ngữ (peyyavajja), hành động lợi ích - lợi hành (atthacariyā) và công bằng không thiên vị - đồng sự (samānattatā). Rõ ràng tinh thần bố thí có thể khắc phục vấn đề đói kém trên toàn cầu. Cũng cần thấy rõ rằng, lời nói chân thật và rõ ràng (peyyavajja), đặc biệt với những người có quyền lực, có thể đem đến sự sáng tỏ hơn là sự nhầm lẫn; đây là cách mà “chánh ngữ” (samma ditthi) vận hành trong Bát Chánh đạo. Một đời sống có lợi ích (atthacariyā) và bình đẳng xã hội (samānattatā) làm hoàn thiện phương thức của Đức Phật cho sự hòa hợp xã hội là điều sống còn hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh khó khăn toàn cầu hiện nay.
Giới thiệu
Có một cửa hiệu ở ngoại ô bờ biển phía Bắc của Sydney có tên là “Samsara”. Cửa hiệu bán đồ xa xỉ phẩm, đặc biệt là những đồ hiệu thời trang. Tên cửa hiệu được chọn lựa một cách kỹ lưỡng; nó thông tin cho khách hàng tiềm năng biết rằng những gì đang bày bán ở đây là một bộ sưu tập của những đồ vật được xem là đáng mơ ước theo hệ thống giá trị hiện hành của xã hội toàn cầu. Từ Samsara thường được giải thích như là thể hiện những giá trị hoàn toàn tiêu cực trong Phật giáo; nó ám chỉ tất cả những gì cần nên tránh để đạt đến trạng thái tâm xả và tịch tịnh. Tuy nhiên, từ quan điểm của kinh tế học toàn cầu hiện đại, việc bán và có được những sản phẩm xa xỉ có một ý nghĩa hoàn toàn tích cực. Xa xỉ phẩm mang theo địa vị xã hội và vì vậy rất được ưa chuộng trên thị trường toàn cầu. Một câu chuyện thần thoại đã lớn dần xoay quanh những đối tượng nào đó, ban cho chúng một giá trị ngữ nghĩa dư thừa. Mỗi đối tượng đều mang những ám chỉ liên hệ đến hệ thống giá trị đã hình thành nên nó, và nó lần lượt giúp xây dựng nên. Tư tưởng căn bản đằng sau cái truyền thuyết thành thị này là, để tiêu thụ nhiều hơn những gì chúng ta cần là để làm tăng sức mạnh cho nền kinh tế.
Dĩ nhiên các Phật tử cũng đi mua sắm nhiều lần. Mọi người đều phải mua sắm những thứ cần thiết và thực phẩm sẽ không được cúng dường đến chư Tăng nếu người Phật tử không mua sắm. Tuy nhiên, giáo pháp của Đức Phật thể hiện một triết lý xã hội khác xa với điều mê hoặc của sự xa xỉ và địa vị của nó. Nó cho thấy rằng nền kinh tế toàn cầu hiện đại, với sự chú trọng vào sở hữu cá nhân, thì đối lập với thông điệp căn bản của đạo Phật. Trong khi Phật giáo khuyến khích chúng ta phải rộng lượng và đề cao tính bình đẳng xã hội, nền kinh tế toàn cầu hiện đại lại khuyến khích chúng ta phải ích kỷ và tìm kiếm cái địa vị xã hội to lớn hơn những người xung quanh ta. Mặc dù Tam tạng kinh điển (Tipiṭaka) cho thấy rằng Đức Phật không quan tâm đến chính trị, nhưng giáo pháp của Ngài - chẳng hạn như kinh Ariyapariyesanā - lại có những liên hệ rõ ràng với tính cố kết xã hội.
“Tám mục tiêu cho sự phát triển thế giới” đã được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2000 có một chủ đề chung và đó chính là vấn đề về cố kết xã hội. Chủ đề này hoàn toàn được gợi ý trong tám mục tiêu thiên niên kỷ. Để giảm bớt gánh nặng về nghèo khổ, đói kém và bệnh tật, và những bất bình đẳng về giáo dục, giới tính và kinh tế mà họ thường xuyên phải chịu đựng, thì rõ ràng là cần phải cải thiện phương tiện tạo ra sự cố kết xã hội và đảm bảo tính bình đẳng của chúng ta. Đức Phật đã đề ra một hệ thống về sự cố kết xã hội dựa trên lòng từ và sự bình đẳng, đang khi những hệ thống kinh tế đang thịnh hành lại dựa vào tính chất cạnh tranh và bất bình đẳng. Trong khi sẽ phi thực tế khi tưởng tượng về một thế giới không có chủ nghĩa tiêu thụ và sự theo đuổi lợi ích, thì điều chắc chắn hợp lý là phải tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề toàn cầu này bằng việc thay đổi về sự chú trọng vào sự vật chúng ta tìm kiếm.
Rõ ràng rằng một hệ thống cần thiết là cho phép tất cả mọi người sống với nhau trong sự hài hòa. Có nhiều hệ thống như thế đã được thiết lập, một số thành công và hợp lý hơn các số khác. Đức Phật đã giảng dạy một nghệ thuật sống dựa trên tính chất vô ngã. Mặt khác, cái “samsara” của chủ nghĩa vật chất kinh tế hiện đại nhấn mạnh về tính bất bình đẳng “tự nhiên” giữa người chủ và người tớ. Triết lý đó là dựa trên những tư tưởng của Adam Smith, là người đã xây dựng một hệ thống kinh tế dựa trên tính ích kỷ. Hệ thống của Smith cho rằng con người có thể không hơn gì họ bây giờ; họ có bản chất con người căn bản mà họ không thể vượt lên trên hay vượt ra khỏi. Mặt khác, những lời dạy của Đức Phật có đầy đủ những câu chuyện khai sáng về con người đã vượt lên trên “bản chất” hữu hạn của họ.
Tìm cầu cao thượng
Trong kinh Thánh cầu, Đức Phật nói về hai loại tìm kiếm hay tìm cầu mà con người có thể dấn thân vào trong suốt tiến trình của cuộc sống. Có một sự tìm cầu cao thượng và sự tìm cầu bất đáng. Tìm cầu bất đáng là nói đến tất cả những điều chịu sự sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi và ô nhiễm. Những điều này là những đối tượng của tham ái.2 Mặt khác, nếu một người chọn việc tìm cầu cao thượng, người ấy sẽ tìm thấy sự “bất tử vô thượng an ổn khỏi các trói buộc, là Niết-bàn an ổn tịch tịnh”.3 Cụm từ “bất tử vô thượng an ổn khỏi các trói buộc” được lặp lại với mỗi đối tượng của tham ái, với sinh, lão, bệnh, tử, sầu bi và nhiễm ô. Cụm từ này là một mô tả về Niết-bàn từ quan điểm của người hành thiền. Nó cho biết rằng kinh nghiệm rốt ráo về thiền định là một điều mà người thực hành cảm thấy an ổn, “không còn bị trói buộc” và hoàn toàn không lo lắng về chết. Đó là một cách mô tả về Niết-bàn hữu ích theo phương diện ngôn ngữ hiện tượng và kinh nghiệm thực hành thiền quán. Khái niệm về “bất tử” nói chung quan trọng như một sự một tả về các trạng thái tâm-vật lý đạt được trong lúc hành thiền. Điều này được chứng minh qua các hướng dẫn về thiền của người Khmer và Thái được khám phá trong những năm gần đây, sử dụng các ví dụ và ẩn dụ nhằm mô tả cái không thể mô tả được theo ngôn ngữ ít thi vị hơn.4
Vì thế, có hai “con đường” mà mỗi cá nhân phải chọn lựa. Một là con đường đưa đến thành công trong Samsara; đưa đến quyền lực xã hội, đến việc chấp nhận ngôn ngữ biểu tượng của biểu tượng địa vị và đưa đến việc thỏa mãn nhiều hơn những nhu cầu cá nhân. Và con đường kia là con đường mà Đức Phật lựa chọn; để đối mặt với những nhu cầu và ham muốn có tính chất thâm căn cố đế, để hóa giải những tham ái và để “tiến tới” sự tịch tịnh. Nhiều bức tượng được cứu lấy từ Gandhāra (Kiền-đà-ra) và những câu chuyện Tiền thân của Đức Phật đều nhấn mạnh đến điểm Ariyapariyesanā, thánh cầu này. Đức Phật đã để lại một nền tảng an toàn và đặc lợi để theo đuổi một hình thức hoàn toàn khác biệt về sự an ổn. Đó là một sự an ổn dựa trên sự giác ngộ về các nguyên nhân của khổ và sự tìm cầu cần phải thực hiện để giải thoát khỏi tham ái và các nguyên nhân của nó. Nó bao hàm một sự thay đổi căn bản về nhận thức và một phát nguyện hướng đến những phương cách nào đó nhằm thay đổi “bản chất” của cá nhân. Đó là nơi mà bản chất của cá nhân được xem như là sự cấu tạo nên những nhu cầu và ham muốn của họ.
Tìm cầu để tự thỏa mãn
Đây là điều trái ngược hoàn toàn với quan điểm của nền kinh tế hiện đại toàn cầu và thị trường tự do. Người sáng lập chính cho phong trào này là triết gia và là nhà kinh tế học người Scotland Adam Smith. Margaret Thatcher được cho là đã giữ một bản copy về cuốn sách của ông “Tài sản của các quốc gia” trong túi xách của bà. Nó ẩn chứa trong những tranh luận của Smith rằng bản chất con người là không thể thay đổi. Nếu bản chất của chúng ta được đồng hóa với các nhu cầu và lòng ham muốn của chính mình thì cách hợp lý để tạo ra sự cố kết xã hội là tìm kiếm những phương tiện hiệu quả nhất của việc thỏa mãn các tham muốn đó. Chính vì thế, triết lý kinh tế của ông căn bản dựa trên tính tư lợi. Sự phân chia lao động tạo ra một tình trạng mà ở đó công nhân và những cổ đông đều cạnh tranh nhau và vì thế một hệ thống các giá trị kinh tế nổi lên. Đó là, mỗi đối tượng hay hiện tượng xuất hiện trong môi trường xã hội đều có một giá trị nào đó đặt lên nó. Một hệ thống biểu thị được xây dựng trong một mạng lưới rộng lớn các giá trị mang tính thần thoại và kinh tế như thủy triều lên xuống theo những trào lưu tư tưởng tân thời của thời đại.
Tiền lương phổ biến của người lao động là gì, phụ thuộc vào bất cứ ở đâu mà hợp đồng đó được ký kết giữa hai bên, mà lợi tức của họ thì không hề giống nhau. Người làm công thì muốn nhận được nhiều tiền hơn, trong khi người chủ thì lại muốn cho càng ít càng tốt. Người làm công có khuynh hướng kết hợp lại để đòi được nâng lên, người chủ thì có khuynh hướng làm thấp xuống tiền lương của người lao động.5
Mỗi công việc trong quyền lợi riêng của mỗi người và mỗi giá trị xuất hiện theo sự cân bằng “tự nhiên” này giữa những người cạnh với tranh nhau. Nếu bản chất con người là không thay đổi thì cách hợp lý nhất để mọi người sống với nhau một cách gắn kết là bằng cách công nhận thực tế này và thiết lập một hệ thống các giá trị dựa trên cái thực tiễn về lòng tham muốn của con người. Tính chất thấp hèn trong đặc tính của con người được thừa nhận và một hệ thống cho phép xuất hiện việc vươn tới một sự cân bằng “tự nhiên” giữa các nhu cầu cạnh tranh. Quan điểm Phật giáo đối với tính gắn kết xã hội thì hoàn toàn ngược lại. Phật giáo luôn công nhận khả năng của con người có thể thay đổi, và nó được xác định dựa trên khả năng đó để làm tốt hơn những lựa chọn - để đi theo con đường đưa đến nhiều thỏa mãn hơn những bản năng căn bản.
Alain de Botton nhìn thấy sức hấp dẫn toàn cầu này đối với tài sản và sự thành công như là “nỗi lo lắng về địa vị”.6
Thông thường khi mô tả người có địa vị quan trọng trong xã hội là “những ai đó” và đối nghịch lại là “không là ai” - là những từ vô nghĩa, vì tất cả chúng ta do nhu cầu cá nhân phải có sự nhận biết và những đòi hỏi có tính cách so sánh về sự có mặt của mình trong cuộc sống… Những ai mà không có địa vị thì không được nhìn thấy, họ bị đối xử thô bạo7…
Botton viện dẫn Adam Smith: “Để cảm thấy rằng chúng ta không được chú ý đến tất yếu làm thất vọng những tham muốn mãnh liệt nhất của bản chất con người”.8 Theo quan điểm này thì bản chất con người của chúng ta là cảm thấy mình quan trọng, và đây chính là gốc gác của nỗi lo lắng về địa vị. Đó là một khái niệm đặc biệt về bản chất con người mà đạo Phật đã cho biết là hữu vi, hữu hạn, là ám ảnh và vô minh. Môi trường mà trẻ em phương Tây được sinh ra trở thành những điều kiện cho chúng tin rằng chúng là vô dụng nếu chúng không trở nên quan trọng và có quyền lực. Điểm nhấn về tính tự đề cao chính mình được thúc đẩy bởi nền văn hóa phổ biến đã tạo ra một cảm giác sai lạc về sự nhận dạng bị trói buộc vào những mục tiêu thời thượng của lòng ham muốn được hình thành trong các phương tiện truyền thông toàn cầu. Một hình ảnh sống động từ lý thuyết nam nữ bình quyền là thuộc “cơ thể tưởng tượng”,9 cơ thể mà phụ nữ (phương Tây) bị bắt buộc tự mình chuyển đổi thành. Được nhào nặn bởi những cấu trúc chính trị-xã hội, tất cả những đặc tính và giá trị nhận được từ những biểu hiện của thương trường thế giới, nó là cái cơ thể hoàn toàn tân thời, sở hữu “loại nhu cầu và ham muốn riêng biệt”.10 Một cuộc tìm kiếm đang diễn ra tại đây nhưng nó không được tự do lựa chọn. Các biểu hiện của kinh tế-xã hội dùng một áp lực lôi kéo những người tìm kiếm hướng đến cái cơ thể tưởng tượng giống như là những con cánh bướm đang lao đầu vào ngọn lửa.
Đức Phật liệt kê các chủ thể của sự tìm cầu bất đáng trong kinh Thánh cầu như sau:
Vợ và con đều chịu sự sinh, đàn ông và đàn bà, nô lệ, dê và cừu, gà và heo, voi, gia súc, ngựa và lừa, vàng và bạc đều chịu sự sinh. Những cái có được này đều chịu sự sinh; và những ai bị trói buộc vào những thứ này, đắm say chúng, và hoàn toàn hệ lụy với chúng, chính người đó phải chịu sự sinh, tìm cầu những gì cũng chịu sự sinh.11
Mặc dù vợ và con không còn được coi là những sở hữu, song phần còn lại của sự liệt kê rõ ràng bao gồm những đối tượng của tham ái và ham muốn tạo nên địa vị của người công dân hoàn hảo. Bài kinh khẳng định rằng, Đức Phật đang nói về những sở hữu hữu hình khi Ngài cảnh báo về những nguy hiểm của lòng tham ái. Nhiều phương diện khác của cuộc sống có thể là chủ thể của lòng tham ái quá mức nhưng cái hữu hình đó lại có ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành của sự nhận dạng. Như đã nói ở trên, mỗi chủ thể đều được áp dụng đối với sinh, lão, bệnh, tử, sầu bi và nhiễm ô. Đó là, mỗi một sở hữu đều chịu sự sinh, lão, bệnh, tử, sầu bi và nhiễm ô và cá nhân đó được hình thành theo những cách riêng biệt qua sự chấp thủ nó. Kết quả là người này bị tác động mãnh liệt qua các mối liên hệ mật thiết với kinh nghiệm đó. Tuy nhiên, những ai chọn đi con đường cao thượng sẽ đạt được sự bất sinh, bất lão, bất bệnh, bất tử, không sầu bi và không ô nhiễm, an ổn khỏi các tham ái; tốt hơn là luôn luôn đầu hàng với những áp lực của ham muốn và khổ đau, nỗi lo lắng về địa vị và sợ hãi về sự mất mát, con đường của Pháp được đi vào trong lĩnh vực của an tĩnh nội tâm, nơi mà những biểu tượng cám dỗ của địa vị và chủ nghĩa vật chất không còn chiếm ưu thế.
Tìm kiếm sự cố kết xã hội
Từ Pāli pariyesanā, như được thảo luận trên, liên quan đến khái niệm về sự tìm cầu hay sự tìm kiếm. Nó cũng xuất hiện trong kinh này với hình thức lời nói về ngôi thứ 3 là pariyesati “anh ta/cô ta tìm cầu” (đều phải chịu sự chết v.v.). Vì thế, sự tìm cầu đó là một cái tích cực - trong giây phút hiện tại - tích cực hướng đến mục đích của nó. Cá nhân đó đang tìm cầu điều gì đó, dù là mục đích “cao thượng” trong sự tương tác với người khác thể hiện qua lòng từ và bình đẳng hay là mục đích “bất đáng” của sự đạt được bằng phương tiện của sự tranh chấp và bất đồng. Trong bản kinh này, người đó có một chí hướng sâu xa hướng tới mục tiêu đó. Những người đi theo Pháp có một xu hướng sâu xa để trụ vững trên con đường đưa đến thoát khỏi luyến ái và tham muốn, trong khi đó những người mua sắm tại cửa hiệu Samsara đang theo đuổi một sự phó thác sâu xa tương đương để thỏa mãn lòng ham muốn.
Một bài kinh khác thảo luận về khái niệm cố kết xã hội là kinh Sigālaka, nơi đó lời khuyên được đưa ra cho người đời trong mối liên hệ giữa con người với nhau. Các hướng dẫn được đưa ra trước tiên cho trẻ em trong việc làm thế nào để kính trọng cha mẹ chúng và cho những người chồng và người vợ về phương diện tôn trọng lẫn nhau trong đời sống hôn nhân. Nhưng rồi Ngài hướng sự chú ý vào cái ariyaka, nhà lãnh đạo, và bài pháp làm chuyển đổi kinh tế-xã hội rõ nét. Thái độ căn bản được đề nghị với nhà tuyển dụng là cái tình thương và sự công bằng:
Có năm cách mà một người chủ nên giúp đỡ những người tôi tớ và người làm công là đừng để họ trở nên cùng cực: bằng cách sắp đặt công việc cho phù hợp với sức lực của họ, cung cấp thực phẩm và tiền lương, chăm sóc họ khi họ bị bệnh, chia sẻ với họ bằng sự tế nhị và nhã nhặn, và cho phép họ nghỉ ngơi vào thời điểm thích hợp.12
Người làm công được hướng dẫn để đáp lại: họ nên làm việc một cách phù hợp, giữ gìn thanh danh cho chủ và chu đáo trong công việc. Một giải pháp được thiết lập mang tính hỗ tương trong quản lý, một giải pháp công nhận sự tham muốn hợp lý - và quyền lợi - của người làm công để san sẻ trong sự thịnh vượng của tổ chức. Đó là học thuyết về Saṅgaha-vatthus thường được liên hệ trong tiếng Anh là “bốn nền tảng của sự gắn kết xã hội”.13 Diễn đạt đó được tạo nên bởi hai từ Pāli. Thứ nhất là Saṅgaha, là từ viện dẫn các khái niệm của sự liên kết, thu thập và nhóm họp.14 Do đó, nó bày tỏ khái niệm về sự chung sống, rồi thì cùng chung sống hòa bình hay sự cố kết xã hội. Thứ hai là Vatthu, là cái biểu thị cho vô số các vấn đề, các nguyên nhân hay các thực chất mà nhờ đó sự cố kết mới có thể xuất hiện.15 Thế nên Saṅgaha-vatthus tạo thành một sự kết hợp giữa các mặt chính yếu của sự cố kết xã hội, giữa các tính chất nền tảng phải có mặt cho một xã hội phát triển. Bốn Sangaha-vatthūni là:16 Dāna, peyyavajja, atthacariyā và samānattatā, hay là “tính rộng lượng, lời nói tử tế, đời sống lợi ích và bình đẳng/không thiên vị trong sự công bằng”, thường được hiểu là bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự.
a) Dāna chỉ cho lòng quảng đại hay tinh thần “bố thí”, và cúng dường.17 Với nền tảng ngữ nghĩa chung này, nó đem lại sự cố kết xã hội khi đi vào lĩnh vực kinh tế-xã hội nơi những người công dân trở thành những người nắm giữ các cổ phần trong xã hội bằng việc đầu tư vào đó. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là, đúng hơn là một cách giải thích thiên về vật chất vì khái niệm dāna vượt xa các vấn đề như quyền và nghĩa vụ. Đức Phật dạy rằng tính cố kết xã hội thực sự phụ thuộc vào con người chân thành chấp nhận cái tinh thần khoan dung đó, khi nhấn mạnh rằng tinh thần khoan dung mang lại hạnh phúc và an lạc cho người bố thí cũng như người nhận bố thí. Người rộng lượng có lợi ích bằng việc “cho đi” vật sở hữu và các đối tượng của tham đắm. Chấp thủ đưa đến khổ và có thể chỉ được khuây khỏa bằng cách dấn thân vào con đường tìm cầu cao thượng vì con đường này thoát khỏi tham đắm vào sở hữu vật chất.
b) Phương diện thứ hai của tính cố kết xã hội là Peyyavajja, hình thức tên gọi của piyavādī, có nghĩa “lời nói dễ nghe” hay hòa nhã. “Piyo” nghĩa là tử tế và yêu thương, trong khi vādī đến từ vadati, nghĩa là, nói, kể và tuyên bố. Vì thế nó chỉ cho tất cả những hoạt động của lời nói, hoạt động xã hội mà chúng ta thực hiện bằng phương tiện của những từ ngữ mà chúng ta nói ra cho mọi người. Những hoạt động được thực hiện qua việc nói năng của chúng ta có thể có tác động to lớn đến những người chúng ta gặp. Lời nói chân thật và tốt bụng đem lại hòa bình và thiện chí. Một bầu không khí của chân thật và thực tại xuất hiện từ lời nói hơn là vô minh và phiền não. Nó liên kết chặt chẽ với học thuyết samma ditthi, “lời nói chân chánh”, và tạo ra sự trong sáng thông qua phương tiện thương yêu trong giao tiếp.
c) Thứ ba là Atthacariyā, chỉ cho sản phẩm của những hành động khôn khéo, hành động tạo ra lợi ích và “hành vi lợi ích”.18 Hành động nói năng là kết quả mà phát ngôn của chúng ta tạo ra trong môi trường xã hội nhưng đây là những hành động vật lý trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có tác động đến người khác theo một cách thức trực tiếp và rõ ràng. Tìm cầu cao thượng lại nữa dẫn ra cái học thuyết về Bát Chánh đạo bởi ngay lúc này chỉ cho cái samma ajjiva (nghề nghiệp đúng đắn) và từ bỏ những nghề nghiệp gây tổn hại đến người khác. Lại nữa, quan điểm của Đức Phật đối với tính thống nhất xã hội được khẳng định dựa vào tình thương khi chúng ta chọn những nghề nghiệp đóng góp cho sự vận hành trơn tru của cộng đồng chúng ta và cho hạnh phúc của mọi người chung quanh ta. Ngày qua ngày, chúng ta xây dựng thế giới quanh ta, chuyển biến môi trường chúng ta bằng việc “mang lại sức sống cho thế giới”. Ngành sinh học thần kinh hiện đại đã bày tỏ sự nghi ngờ cái khái niệm cho rằng thế giới là “ở đằng kia”, không biết thế nào lại “độc lập với nhận thức của chúng ta”, và cái ý thức đó chỉ là một “sự tái biểu hiện của thế giới độc lập đó”.19 Nhận thức của con người được ủy thác đến độ nó liên tục tái tạo cái thế giới của nó. Không nhất thiết phải thừa nhận với Adam Smith rằng bản chất con người là một nỗi ám ảnh bị cuốn hút bởi bản ngã với sự tự đề cao bản ngã và rằng chúng ta bị nhốt vào trong cái bản chất này. Pháp Phật dạy rằng khả năng tốt hơn luôn nằm ở bên trong và chúng ta có khả năng phóng thích ra những tiềm năng này.
d) Một chuyển dịch theo nghĩa đen của từ Samānattatā, thành phần thứ tư của cố kết xã hội, phơi bày khái niệm thú vị về “bằng nhau về mặt tự ngã”. Khái niệm Pāli của từ attā là một khái niệm khó khăn và thường thách thức trong lĩnh vực học thuật Phật học. Các giải thích đặc biệt về từ này và những nhập nhằng liên hệ sản sinh ra tất cả các thành phần của Phật giáo thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung điều này được nhất trí rằng không có cái ‘ngã’ chân thật hiện hữu trong bất kỳ trạng thái thường hằng nào hay như là một đơn vị độc lập nào. Điều này đặt ra câu hỏi về sự nhận dạng, cách chúng ta có thể bị đánh lừa bởi nhận thức sai lạc về chính mình và cách cái ngã tạo ra chính nó thông qua những khát vọng và ham muốn. Những liên hệ mang tính chính trị-xã hội này ít khi được nói ra một cách trực tiếp trong những lời dạy của Đức Phật, tuy vậy chúng đã ngấm ngầm trong đó. Rõ ràng rằng tính tự lợi là cái mà Đức Phật đã tìm cách tránh đi và sự cố kết xã hội sẽ bị gây nguy hiểm bởi những kiểu tự mê đắm bản thân và tham luyến quá mức vào những ham muốn cá nhân.
Kết luận
Chúng ta có thể thành tựu được những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về việc loại bỏ đói kém, bệnh AIDS và tử vong ở trẻ em, và chúng ta có thể đem đến một môi trường bền vững bằng việc áp dụng sự tìm kiếm cho sự bình đẳng toàn cầu, sự công bằng và điều thiện to lớn (ariyapariyesanā). Chúng sẽ không thành tựu được bằng các chính sách khuyến khích một mô hình kinh tế dựa vào quyền bá chủ tập thể và tham vọng cá nhân (anariyapariyesanā). Cố kết xã hội thật sự có thể được thiết lập bằng phương cách của một thái độ biết yêu thương và lòng vị tha với tha nhân và với môi trường. Những thay đổi cần thiết, theo lời Phật dạy, có thể thành tựu được trong bốn lĩnh vực chính yếu của hoạt động xã hội. Đó là: tham gia vào việc xây dựng và bảo trì nền kinh tế, thông tin giao tiếp chân thật và rõ ràng với người khác, cùng nhau làm việc với người khác để tạo ra những ích lợi xã hội và giao thiệp với những người khác trong một môi trường của tính bình đẳng xã hội và hợp pháp. Chúng ta có thể cải thiện được những điều kiện của những bất thuận lợi toàn cầu bằng cách chuyển đổi những đối tượng mà chúng ta tìm cầu (pariyesanā), bằng cách “tạo ra” một thế giới khác biệt, một thế giới được thiết lập trên lòng khoan dung (dāna), lời nói chân thật và thương yêu (peyyavajja), hành động lợi ích (atthacariyā) và bình đẳng xã hội (atthacariyā).
TS. Jeff Wilson - Thích Vạn Năng dịch
_______________________________
(1) (Tiêu đề gốc: “Quan điểm Phật giáo về thành tựu Những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”)
(2) Bhikkhu Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, 1995, The Middle Length Discourses of the Buddha (kinh Trung bộ), Wisdom Publications, Boston, pp.254-256 (MN, I.162-164).
(3) Ibid, p.256: amataṃ anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesati (amataṃ = eternal; anuttaraṃ = incomparable; yogakkhemaṃ = security; pariyesati = to seek for).
(4) See for example François Bizot, 1976, Le Figuier a Cinq Branches: Recherche sur le Bouddhisme Khmer, L’Ecole Française d’Extrême Orient.
(5) Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của tài sản các quốc gia), PennsylvaniaState University: Electronic Classics, p.60.
(6) Alain de Botton, 2004, Status Anxiety (Nỗi lo âu về địa vị),Penguin London.
(7) Ibid, p.12.
(8) Ibid, p.13.
(9) Moira Gatens, 1996, Imaginary Bodies: Ethics, Power and Corporeality (Các cơ thể tưởng tượng: Đạo đức, Quyền lực và Vật chất), Routledge, London.
(10) Michel Foucault, quoted in Moira Gatens, 1996, Imaginary Bodies, p.52.
(11) Bhikkhu Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, 1995, The Middle Length Discourses of the Buddha, p.254.
(12) Sigālovāda Sutta, (Sigālaka Sutta), DN31, Verse 32, in Bhikkhu Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, 1995, The Middle Length Discourses of the Buddha.
(13) Sigālovāda Sutta, DN 31, Verse 3.
(14) R.C. Childers, 2005, A Dictionary of the Pāli Language (Từ Điển Tiếng Pali), Munshiram Manoharlal, New Delhi, p.446.
(15) Ibid, p.558.
(16) T.W. Rhys Davids and William Stede, Pāli-English Dictionary, Motilal Banarsidass, Delhi, 1993, p.666.
(17) R.C. Childers, 2005, A Dictionary of the Pāli Language, Munshiram Manoharlal, New Delhi, p.111.
(18) Alwis, in Childers, p.66: Rhys Davids and William Stede, p.24.
(19) Francisco J. Varela, Evan Thompson and Eleanor Rosch, 1993, The Embodied Mind: Cognitive Science and Human Experience (Tâm hiện khởi: Khoa học về tri nhận và kinh nghiệm của con người), MIT Press, Cambridge, p.85.