Cô gái khuyết tật gieo hy vọng & cảm hứng sống bình an

GN - Một sáng sớm, khi nắng vừa lên, nhìn qua hàng cây trước quán Gieo Mầm (Nguyễn Phúc Nguyên, phường Kim Long, TP.Huế), cô bạn reo lên hỏi tôi: “Danh có thấy cành lá xúc chạm và reo vui trong gió không?". Tôi nhìn theo tay bạn, thấy những lá bồ-đề đang đung đưa trong gió nhẹ, phía xa xa là sông Hương có đàn cò trắng bay.

Cô bạn đó là Phan Thị Khỏe, sinh năm 1994, quản lý quán Gieo Mầm. Khỏe bắt đầu “tập đi lại” bằng gậy sau 7 năm ngồi xe lăn. Khỏe làm mọi người ngạc nhiên với sự bình an hiện diện nơi chính bản thân, khi có thể kiên trì vượt qua những trở ngại của bệnh tật, những cái đau trên thân thể để nhận diện mình có nhiều hạnh phúc. “Tôi may mắn có nhiều người thương yêu và đặt niềm tin nơi mình nên sẽ trân quý và nuôi lớn tình thương này. Khi niềm tin và tình thương trong trái tim lớn mạnh, mọi thứ đều có thể hồi sinh. Tôi nguyện sẽ là một sự tiếp nối đẹp đẽ”, Khỏe chia sẻ.

anh NHu Danh.jpg


Phan Thị Khỏe và những bước chân vượt khó khăn - Ảnh: N.Danh

Dấu ấn của tình thương

Mỗi góc nơi quán Gieo Mầm đều có những câu thư pháp mang chất liệu bình an của Khỏe viết, những cây xanh, những lời viết cảm ơn từ bàn tay chăm sóc của những người thương từng ghé quán trò chuyện với Khỏe, hay những tấm thiệp làm bằng tay, những bức vẽ trên áo dài là những sản phẩm của các bạn ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Tâm Bình (số 59 Huyền Trân Công Chúa, TP.Huế). Tất cả đều nhắc nhở về sự có mặt ở giây phút hiện tại tuyệt vời.

“Làm ở đây vui lắm, nhất là làm được công việc mình yêu thích, để mình tu tập”, Khỏe bày tỏ. Rồi Khỏe kể mấy ngày dịch bệnh hoành hành, không có ai lui tới, quán Gieo Mầm như một cái cốc tới tu tập của bạn.

“Tôi nghĩ đối với những thứ có mặt ở quán, nếu mình không trao năng lượng bình an từ thực tập của mình thì người mua về cũng không có bình an, đó là động lực thúc đẩy tôi thực tập để gửi năng lượng bình an vào những gì có mặt ở đây”, Khỏe nói.

Khỏe cho hay, trong số nhiều bạn trẻ thường lui tới quán, người thì có vấn đề về trầm cảm, có nhiều bạn buồn về chuyện tình yêu, nhiều người trẻ chới với học xong không biết làm gì,… Và trong những câu chuyện, Khỏe cho biết “đa số tâm sự là thiếu truyền thông trong gia đình, ở nhà không thấy hạnh phúc, luôn có khuynh hướng muốn đi ra bên ngoài”.

Lần nọ có hai chị người nước ngoài tới chơi, Khỏe viết tấm thư pháp có dòng chữ “Mindfulness” để tặng, cười và ôm họ thì tự nhiên họ khóc. “Tôi nghĩ có nhiều ngôn ngữ để nói, mình nói tiếng Anh không giỏi nên nói bằng trái tim của mình và tôi tin họ cảm nhận được sự bình an”, Khỏe chia sẻ.

Chỉ cần tu thôi là hạnh phúc biểu hiện

Trong câu chuyện bên tách trà, Khỏe bồi hồi nhớ lại: “Có đôi lúc người ta nói bệnh tới sẽ rất bất hạnh, nhưng với tôi đó chưa chắc đã là bất hạnh. Nếu không có bệnh, tôi có lẽ sẽ không trở thành người như bây giờ, sẽ không thương ba mẹ như bây giờ”.

Đó là vào năm 18 tuổi, tự nhiên trên vai gáy bị đau, đi khám bác sĩ chẩn đoán cô bị hội chứng xơ cứng rải rác và dần dần Khỏe không đi được, phải ngồi xe lăn. Thời gian đầu mắc bệnh, Khỏe đau khổ, mặc cảm, bất lực và có ý định tự tử. Tối nào Khỏe nằm cũng khóc, thấy mình vô dụng không tự múc nước được, buộc tóc không buộc được, gài nút áo không gài được, mọi sinh hoạt đều là ba mẹ lo.

Sau một năm, Khỏe tình cờ đọc bài viết “Chết khát bên cạnh dòng sông” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhận ra bên cạnh mình luôn có tình thương của ba mẹ, anh chị em gia đình, đôi lúc vì vô tâm mà mình không có mặt để thưởng thức, làm những người xung quanh buồn phiền. “Tôi nhớ đã từng làm ba khóc rất nhiều. Đọc bài viết đánh động trong lòng mình, tôi nhận ra mình còn nhiều điều kiện hạnh phúc. Tôi bắt đầu tự tìm tòi tu tập, con người thay đổi, đời sống có thêm hạnh phúc, từ ngày thực tập thì cả gia đình hạnh phúc hơn”, Khỏe bày tỏ.

anh NHu Danh 2.jpg


Hạnh phúc biểu hiện - Ảnh: N.Danh

Mặc dù ngồi xe lăn 7 năm ròng rã, nhưng trong lòng Khỏe tin “mình còn đi lại được”. Trong một dịp nọ, khi may mắn được bạn đồng tu giới thiệu đến Bệnh viện Đại học Y Dược Huế tháng 5-2018, Khỏe được chẩn đoán bị một khối u ở tủy cổ chèn dây thần kinh, khiến đôi chân bị liệt. Tuy nhiên, bệnh của Khỏe vẫn có khả năng phẫu thuật thành công và có thể đi lại được đến 95%. 

Khỏe kể rằng, trước khi mổ, bạn nói với bác sĩ “con có niềm tin tuyệt đối ở bác sĩ”. Khi vào phòng mổ, bạn đã chú tâm theo dõi hơi thở và hát thiền ca cho bác sĩ và chị y tá phụ trách ca phẫu thuật hôm đó nghe. Lúc đó, Khỏe nhận ra rằng “thiền ca cùng hơi thở ý thức có công năng trị liệu rất lớn”.

Từ khi mổ và tiến hành việc tập vật lý trị liệu, Khỏe có thể tự lên xuống xe, tự mở khóa được. Nói về những hồi phục tích cực sau phẫu thuật, Khỏe cho biết: “Vui nhất là tôi tự đi vệ sinh được vì 7 năm ròng rã, bố mẹ rất cực vì phải giúp đỡ tôi trong chuyện này. Khi đi được, tôi thấy mỗi bước chân thật nhiệm mầu, tôi biết ơn vì đôi chân mình vẫn còn chạm được vào đất mẹ”.

“Tôi thấy hạnh phúc nhất là dù mình thế nào thì gia đình không bỏ rơi mình. Khi thực tập sâu hơn, tôi nhận ra dù mình có như thế nào thì cũng không tự bỏ rơi mình và người khác sẽ không ai ngoảnh mặt với mình. Mình không thương mình thì ai thương mình được”, Khỏe chia sẻ trong nụ cười.

Nụ cười ấy gói trọn những niềm hạnh phúc và bình an mà Khỏe đã góp nhặt được trong suốt những tháng năm dài đối diện và vượt qua những khó khăn trong quãng đời mình.

Đi để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình

Điều làm người viết ngạc nhiên là sau khi mổ, Khỏe đã có những chuyến đi đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước, mặc dù việc di chuyển đều phải dựa vào khung tập đi vì tay trái của Khỏe vẫn còn yếu.

Có lần Khỏe tự chạy xe máy một mình từ Huế vào Đà Nẵng và lên bán đảo Sơn Trà, Khỏe muốn đi một mình, để bứt phá những giới hạn của bản thân. Dù chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, Khỏe luôn tin mình sẽ làm được.

“Các bạn trẻ đừng ngại đi, khi đi mình sẽ vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, khám phá được bản thân mình. Tưởng mình đi không được nhưng mình đi được nhiều hơn những gì mình tưởng. Chính cái sợ là rào cản làm cho mình không chạm được những cái đẹp đang hiện hữu trong cuộc sống”, Khỏe chia sẻ.


anh NHu Danh 3.jpg

“Gieo Mầm được thành lập ngày 1-1-2020, với tâm hướng là nơi để vun đắp niềm tin, truyền cảm hứng đến các bạn khuyết tật có thể sống dựa vào đôi bàn tay của mình, gieo nơi các bạn niềm hy vọng ở bản thân bằng cách tạo thu nhập từ những sản phẩm do các bạn làm ra. Từ đó cũng đồng thời trao truyền được yêu thương, đam mê đến những người xung quanh. “Tôi tạo môi trường kích thích, khơi gợi, còn Khỏe sẽ truyền cảm hứng sống”, chị Tâm Nguyễn, 30 tuổi, chủ quán Gieo Mầm và là nhà thiết kế áo dài cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.