Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945) vừa ra mắt - Ảnh: Y.Hà
“Duyên may” giữ gìn giá trị văn hóa
“Trong thời gian vừa qua, những ai quan tâm đến lễ phục Việt Nam hẳn sẽ có những bức xúc, suy nghĩ. Bởi không lẽ một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời mà đến hôm nay lại bàn đi bàn lại mẫu lễ phục, điều đó rất lạ. Rồi chúng ta vẫn chưa đồng quan điểm với nhau, mẫu lễ phục đó phải như thế nào trong cái việc tiếp xúc ngoại giao, trong các lễ lượt nhà nước. Thỉnh thoảng chúng ta thấy có những ngẫu hứng tạm gọi là quốc phục cho các vị lãnh đạo trong nước mặc, nhưng ai cũng nhận thấy không được nghiêm trang, hơi tùy tiện và không được nghiêm túc trong vấn đề ngoại giao”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945) ngày đầu tháng 3-2014 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.
Ông Sơn cho biết thêm, duyên may vào năm 2009, có hai bạn trẻ từ Pháp về nước ghé thăm tặng cho CD chép bộ tranh Grande tenue de la cour d’Annam của Nguyễn Văn Nhân, động viên ông theo dõi và tìm cách mua lại. Biết đây là tài liệu quý hiếm cần thiết cho việc nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật nước nhà, nhưng tiếc thay lực bất tòng tâm. Sau khi bộ tranh đó bán đi rồi, những người nghiên cứu trong nước theo dõi đều cảm thấy hụt hẫng khi Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã không mua kịp.
Tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn ra đời, trước tiên nhằm giới thiệu rộng rãi tác phẩm đặc biệt của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân để nhiều người có cơ hội thưởng ngoạn. Đồng thời đây cũng là cách nhân bản tài liệu quý hiếm (độc bản) đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học hỏi và tái hiện lịch sử ngày một chính xác hơn.
Trong Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn công bố bộ tranh 54 bức của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân (Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất - Grande tenue de la Cour d’Annam - Lễ phục của triều đình An Nam), được vẽ bằng màu nước hết sức sống động. Mỗi bức đều có chú thích bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước, phẩm hàm, vị trí của những nhân vật được vẽ.
Tuy nhiên, thông tin về tác giả (Nguyễn Văn Nhân) thì được ghi rất ít ỏi, chỉ biết bộ tranh được vẽ tại Huế năm 1902, tác giả là Biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn. Vậy Nguyễn Văn Nhân là ai?
Chân dung Tổ sư Hải Toàn Linh Cơ do HS Nguyễn Văn Nhân thực hiện
Thông tin về tác giả của bộ tranh quý được lưu trên bức tranh của một vị Tổ sư
Là một Phật tử có duyên thân cận chư tôn đức và gắn bó với chùa chiền tại cố đô Huế từ thuở nhỏ, cùng sở thích yêu quý và quan tâm tới cổ vật của tiền nhân, với thôi thúc tìm tông tích tác giả bộ tranh quý này, cùng với ký ức trong những lần đến chùa Tường Vân (P.Thủy Xuân, TP.Huế), nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã lần ra những thông tin dù ít nhưng rất quý về Nguyễn Văn Nhân qua các ghi chú trên bức tranh của Tổ sư Hải Toàn Linh Cơ hiện thờ tại ngôi chùa này.
Bức tranh vẽ theo khổ dọc bằng màu nước, kim nhũ trên giấy. Phía trái có hai dòng lạc khoản bằng chữ Hán, dòng trên có nội dung “Long phi Thành Thái thất niên tam nguyệt sơ nhị nhật” (Niên hiệu Thành Thái năm thứ 7 (1895), tháng 3, ngày mùng 2). Dòng dưới khoảng giữa tranh ghi: “Trú kinh Khâm sứ tòa ký lục Nguyễn Văn Nhân phụng họa. Quán Hà Nội tỉnh Hoài Đức phủ Vĩnh Thuận huyện Kim Liên tổng Kim Liên phường.” (Nguyễn Văn Nhân chức ký lục tòa Khâm sứ tại kinh đô vâng lệnh vẽ. Quê quán ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội).
Được biết, Thiền sư Hải Toàn Linh Cơ là Tổ sư đời thứ 2 chùa Tường Vân. Ngài họ Nguyễn, sinh năm 1823, người xã Phú Trạch, tổng Xuân Phú Trung, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, xuất gia năm 14 tuổi. Năm 19 tuổi nhập chúng tại quốc tự Giác Hoàng theo hầu Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847), được ban pháp danh là Hải Toàn, nối pháp đời thứ 6 dòng thiền Liễu Quán.
Năm 1855, ngài đến cầu pháp với Thiền sư Tánh Hoạt Huệ Cảnh (1798-1869), Tổ khai sơn chùa Tường Vân. Sau khi đắc pháp được ban đạo hiệu Linh Cơ và kệ phú pháp, ngài lần lượt được cung cử làm Tăng cang tại các quốc tự Diệu Đế, Giác Hoàng. Sự biến thất thủ kinh đô năm 1885, chùa Giác Hoàng bị thực dân Pháp cưỡng chiếm làm nơi đóng quân, ngài lui về thảo am Tường Vân tịnh tu cho đến ngày viên tịch năm 1896.
Thiền sư Hải Toàn Linh Cơ là một vị cao tăng đắc đạo, giới hạnh tinh chuyên, được nhiều tầng lớp đương thời từ vua quan đến thứ dân ngưỡng vọng.
Bức tranh Tổ được vẽ với một tỷ lệ cân đối hài hòa. Đặc biệt, gương mặt được thể hiện bằng hình khối nổi bật, đường nét, sắc độ đậm nhạt bộc lộ dưới ánh sáng tương phản tinh tế, cấu trúc xương rõ ràng, đầy đủ. Trang phục được miêu tả kỹ lưỡng bằng bảng màu đa dạng, bình ổn, nêu bật từ các chất liệu đến hoa văn tinh xảo. Ánh sáng tương phản khéo léo kéo từng nếp gấp, đường lượn mềm mượt, làm bức tranh trở nên sống động như từng nhịp thở trong bố cục vững chãi, toát lên vẻ tự tại vô ngại của bậc long tượng.
Ngoài những giá trị tinh thần, thì chân dung Tổ sư Hải Toàn Linh Cơ là tác phẩm hiếm hoi thuộc loại quý hiếm, có giá trị lịch sử, nghệ thuật, tư liệu, có thể xếp vào hàng bảo vật Phật giáo Việt Nam.
Lính đánh trống hoàng cung, trích từ Lễ phục của triều đình An Nam
Nghi Thủy, trong bài viết “Chân dung Thiền sư Hải Toàn Linh Cơ” đăng ở ấn phẩm Liễu Quán số 1 (1-2014) đã nhận xét: “Bức tranh đã phô bày một tài nghệ xuất chúng từ sự đa dạng trong kỹ thuật miêu tả, sự thống nhất về bút pháp tạo hình”. Với các thông tin dù ít ỏi về tác giả (như đã nói) được lưu lại trên tác phẩm này đã cho hậu thế biết thêm về tác giả của bộ Lễ phục của triều đình An Nam, một tư liệu quý giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa lễ phục triều đình thời Nguyễn cũng như pháp phục của chư vị Tổ sư Việt Nam, nghệ thuật tôn giáo - một lĩnh vực còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm nghiên cứu.
Từ một bức tranh Tổ sư được thờ tự trong chùa đã làm sáng tỏ hơn về tác giả của Lễ phục của triều đình An Nam, họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, âu cũng là một cái duyên của văn hóa Việt Nam.