Có chi ăn không?

GN - Không như những đứa bé khác, nhớ ông nội là phải có bộ râu hay mái tóc bạc trắng. Hay ông nội móm mém nhai trầu đỏ bẻm. Hay ông nội thường kể chuyện ngày xửa ngày xưa chẳng hạn. Ký ức của thằng bé năm tuổi về ông nội lại là một câu hỏi: Có chi ăn không?

Mùa hè, ba mẹ đưa thằng bé về quê chơi với ông bà nội. Ông bà già rồi, sống với nhau đơn tẻ dưới quê thèm con cháu. Thằng cu thì nghỉ hè trên thành phố không ai quản. Đưa trẻ về chơi với hai cụ là đúng quá rồi, tiện cả đôi đường.

a vannghe.jpg


Minh họa: Nhuận Thường

Vào nhà nội, thằng cu lễ phép vòng tay chào ông. Ông nội nằm trên giường ngẩng đầu hỏi: Có chi ăn không? Thằng bé đáp, cháu có mang về rất nhiều kẹo. Nói xong nó móc túi đưa ông cái kẹo mềm. Ông nội cho vào miệng nhai ngon lành.

Suốt ngày hôm đó, hễ thấy thằng bé đi qua ông lại vẩy tay hỏi có chi ăn không. Thằng bé lại rút túi đưa ông một cái kẹo. Ông nhìn cháu méo miệng cười như cám ơn.

Thằng bé thắc mắc với bà nội rất nhiều câu hỏi. Chẳng hạn sao ông nội không nhai trầu mà chỉ nhai kẹo. Sao ông nội lúc nào cũng đói. Bà nội bảo tại ông già rồi, ai già cũng hóa ra trẻ nít, cứ thèm ăn vặt cả ngày. Cháu lại hỏi thế sao bà không ăn vặt như ông. À, vì bà vẫn mạnh khỏe, còn ông nội bị bệnh.

Trả lời cháu xong, bà nội thấy tiếc. Giá ông không bị tai biến thì thằng cháu sẽ có được một hình ảnh về người ông rất chuẩn mực. Mấy năm trước ông là trưởng làng, trông rất oai vệ, râu tóc màu sương, đi đứng ung dung, nói năng đĩnh đạc. Đúng là không ai lường được chuyện bệnh tật, nhất là chứng tai biến.

Bà nội cố gắng cho thằng cháu một hình ảnh đẹp về ông nội bằng cách lấy tập ảnh ra chỉ trỏ. Đây này, mấy năm trước khi ông còn mạnh khỏe, ông nựng cháu khéo chưa. Còn đây là ảnh lúc cháu mới chập chững biết đi, ông nội ngồi chẻ tre và cháu đứng một bên xem. Đây nữa, cái này cháu đang hôn má ông trông dễ thương. Thằng bé chăm chú xem, liếc nhìn sang giường ông nội, nó nghĩ chắc có hai ông nội mới phải.

Bà bảo lúc nào cháu lên thành phố thì mang tập ảnh này lên theo. Khoe với các bạn đây là ông nội cháu nhé. Thằng bé xem chừng không hứng thú chuyện này, nó thích một ông nội sống động hơn, chí ít là ông nội phải kể cho nghe chuyện cổ tích cơ.

Nó cất tập ảnh, sang chơi với ông nội. Chơi với ông kẻo ông buồn. Thằng bé bảo như thế. Và nhất là nó sợ ông nội bị đói nên luôn thủ sẵn trong túi vài cái kẹo.

Thỉnh thoảng các cô các chú về chơi, ông nội cũng chỉ hỏi có chi ăn không. Mọi người đều cười, không cho ông cái kẹo nào cả.

Cô Hai thay cho ông cái áo mới. Chú Ba đưa về một người thợ ảnh. Chú Tư đỡ ông ngồi dậy. Một hai ba cười lên ông ơi. Chụp đến cả chục “pô” ảnh nhưng ông vẫn không cười được.

Thằng bé bảo ông không thích chụp ảnh đâu, ông chỉ thích ăn thôi. Nói rồi nó đưa ông một cái kẹo. Bức hình đẹp liền. Chú Ba bảo thế là có cái ảnh coi được, để mai mốt ông mất mà đặt lên bàn thờ.

Bữa sau cô Hai về trưng ra một bộ áo quần, bảo cha ơi cái này đẹp chưa, mai mốt cha nằm xuống chúng con sẽ choàng bộ này vào cho oách nhé. Ông nội trố mắt nhìn, không cười. Thằng bé bảo cháu biết ông không thích áo mới đâu, ông chỉ thích ăn kẹo thôi.

Bữa sau nữa chú Tư cho xe chở về một cái quan tài rồi dựng ông dậy, chỉ trỏ hỏi cha ơi cha thấy cái đó được chưa, nhất làng rồi nhé. Ông cũng trố mắt nhìn không cười. Chú Tư nói với thằng bé đó là cái nhà của ông. Vài bữa ông ngủ thẳng sẽ nằm trong đó.

Ông chỉ tay vào chiếc xe lăn nói muốn đi chơi. Thằng bé chạy ra gọi bà. Bà bảo một năm nay ông chả được đi đâu, mà cũng chả ai muốn cho ông đi. Ông như trẻ nít, cứ đòi đi mãi không ai rảnh để hầu hạ.

Cháu sẽ đẩy xe cho ông. Thằng bé nhanh nhảu. Hai bà cháu đỡ ông lên xe. Bà đẩy xe, cháu đi trước như người dẫn đường. Vẻ như đã khá lâu ông không được ra khỏi nhà nên bỡ ngỡ, mắt cứ nhìn quanh quất. Thằng bé chỉ cây cau hỏi ông nội biết cây gì không. Ông nội không trả lời. Cháu bảo đó là cây cau, xong nó đọc bài con mèo trèo cây cau cho ông nghe.

Thằng bé lại chỉ cây khế hỏi ông biết cây gì không. Ông nội im lặng ngơ ngác. Cháu bảo đó là cây khế, nó lại kể một hồi chuyện hai anh em và cây khế, con đại bàng với túi ba gang… Cứ như vai vế đã đổi ngược lại, cháu kể chuyện cổ tích cho ông nghe.

Chuyến đi chơi quanh làng suốt một buổi chiều, ông nội không hỏi cái câu cũ mèm có chi ăn không. Chắc là ông vui nên quên đói bà nhỉ? Thằng bé bảo với bà. Bà ngân ngấn nước mắt gật đầu.

Sáng hôm sau ông lại hỏi có chi ăn không. Thằng bé lục trong túi, không có cái kẹo nào cả. Ông đợi đấy cháu sẽ đi mua. Nói rồi thằng bé đi một mạch đến trưa mới về tới nhà. Tại nó phải tìm được chỗ bán loại kẹo mềm mà ông vẫn thích. Khi thằng bé về nhà thì các cô các chú đã có mặt đông đủ và bàn chuyện lo đám tang cho ông. Thằng bé ân hận, giá về kịp thì ông không phải thèm kẹo mà nhắm mắt thẳng băng như thế.

Cái sự ân hận này kéo dài mãi, cho đến mười lăm năm sau, khi thằng cháu đã là một chàng sinh viên. Mỗi lần giỗ ông cả nhà tụ họp đông đủ, tỉa hoa gọt quả, nấu nướng xào luộc, rồi lật coi tập ảnh ngày xưa, ai cũng bảo đám tang của ông ngày ấy to nhất vùng, cỗ quan ướp trà, lễ nhạc đầy đủ, lo được cho ông cái hậu sự như vậy cũng mát mặt với thiên hạ. Chỉ có thằng cháu là vẫn chưa nguôi tiếc nuối, giá ông có được cái kẹo để ăn trước khi đi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.